01/07/2015

“Nơi chốn” trong tổ chức không gian đô thị có bản sắc

Những năm 70 của thế kỷ XX, những tư tưởng triết học về hiện tượng luận của Heidegger, Merleau Ponty, Paul Ricoeur… đã thổi một luồng gió mới vào việc nghiên cứu lý thuyết kiến trúc và đô thị học.

000832baoxaydung_1

Khái niệm “Nơi chốn” hàm chứa một ý nghĩa vượt lên trên một địa điểm bình thường. Nó không những được thể hiện qua đặc trưng của những yếu tố biểu hình trong không gian mà còn được thể hiện bởi tính chất của không gian đó. Nơi chốn thể hiện qua các yếu tố đặc trưng sau:

– Yếu tố nơi chốn phản ánh mối liên hệ giữa các yếu tố có trong môi trường tự nhiên và môi trường xây dựng tạo thành khung cảnh đô thị.

– Yếu tố nơi chốn phản ánh quá trình hình thành – phát triển của đô thị.

– Yếu tố nơi chốn phản ánh mối liên hệ giữa địa điểm với con người, hình thành nên lối sống đặc trưng của đô thị.

Vai trò của yếu tố nơi chốn trong tổ chức không gian đô thị có bản sắc: Yếu tố nơi chốn được hình thành dựa trên mối liên hệ giữa các yếu tố vật chất của môi trường tự nhiên và môi trường xây dựng tạo nên một khung cảnh đô thị chịu ảnh hưởng từ những nét đặc trưng tự nhiên như địa hình, mặt nước, bầu trời hay nhân tạo như kiến trúc, đô thị gắn liền với địa điểm. Và đồng thời, yếu tố nơi chốn cũng liên kết với những yếu tố tinh thần như lịch sử, lối sống… tạo nên những nét đặc trưng trong văn hoá đô thị.

Với vai trò vừa là môi trường vừa là kết quả của các mối liên hệ, và giải quyết tốt các mối liên hệ đó, nơi chốn đã trở thành yếu tố quan trọng nhất tạo dựng nên một đô thị có bản sắc.

Nhận diện yếu tố nơi chốn trong tổ chức không gian đô thị: Con người chỉ nhận diện rõ được yếu tố nơi chốn khi họ cảm thấy thực sự hòa đồng với nơi mình sống thông qua việc họ hiểu và góp phần xây dựng. Nhận diện được tinh thần nơi chốn hay bản sắc riêng là cơ sở cho việc duy trì sự liên tục của tiến trình phát triển. Việc nhận diện không gian xã hội của nơi chốn cần quan tâm đến những yếu tố văn hóa – lịch sử (cultural – historical elements) được nối kết vào tiến trình phát triển hiện tại.

Việc khai thác yếu tố nơi chốn trong tổ chức không gian đô thị có bản sắc phải được nhìn nhận dưới góc độ không gian vật chất (gồm môi trường tự nhiên và môi trường xây dựng) và gian xã hội của đô thị. Trong khuôn khổ của bài báo, việc phân tích khai thác yếu tố nơi chốn chỉ xét đến môi trường tự nhiên: yếu tố địa hình, mặt nước và bầu trời.

1. Khai thác các yếu tố địa hình

Duy trì các đặc điểm có giá trị của điều kiện địa hình: Trong đô thị, một khoảng không gian tự nhiên nào đó được duy trì ở đặc tính nguyên thủy sẽ giúp người dân đô thị nhìn thấy được quá trình phát triển và mối liên hệ đến lịch sử của đô thị. Tuy nhiên, sự phát triển đôi khi đòi hỏi chúng phải được khai thác chứ không phải như một khu bảo tồn thiên nhiên bên trong đô thị. Vì vậy, các giá trị được nhìn nhận là những đặc trưng địa hình nổi trội.

000833baoxaydung_2

Tùy theo thủ pháp thiết kế, môi trường xây dựng có thể hài hòa hay tương phản với những yếu tố địa hình nổi trội này nhưng việc duy trì cảm nhận về điều kiện tự nhiên là điều cần thiết. Việc phá đi các yếu tố hiện hữu đặc thù sẽ làm mất đi sự liên kết cũng như cấu trúc tự nhiên vốn có của khu đất.

Bảo vệ tầm nhìn đến các yếu tố địa hình đóng vai trò cột mốc trong khung cảnh đô thị: Các yếu tố địa hình đột xuất như đồi, núi đứng độc lập luôn tạo ra quanh mình một vùng ảnh hưởng rộng lớn và thường được dựng làm cột mốc để xây dựng đô thị. Cùng với thời gian, sự phát triển thiếu kiểm soát đã làm mất đi vai trò quan trọng trong bố cục đô thị của chúng. Vì vậy, tổ chức các hành lang bảo vệ tầm nhìn đến cột mốc tự nhiên này sẽ gia tăng khả năng định hướng và tạo điều kiện cho đô thị có thể phát triển hài hòa theo một cấu trúc chung.

Gia tăng khả năng tiếp cận của người dân đến các yếu tố địa hình nổi trội của đô thị: Những yếu tố địa hình nổi trội cần được kết nối với đô thị bằng một hệ thống giao thông tạo điều kiện tiếp cận một cách dễ dàng. Và ngược lại, những tuyến cây xanh, các không gian mở góp phần đưa môi trường tự nhiên hướng về đô thị. Qua đó các yếu tố địa hình được khai thác, nâng cao giá trị trong khung cảnh chung của đô thị được thay vì chỉ là một yếu tố tự nhiên tách rời.

2. Khai thác các yếu tố mặt nước

Với chiều dài 3.260km bờ biển và nhiều sông hồ, yếu tố mặt nước của Việt Nam hình thành nên bản sắc đô thị song yếu tố này nhiều khi đã không được chú ý và khai thác. Để tạo lập hình ảnh riêng của đô thị, cần chú ý:

000833baoxaydung_3

– Duy trì các giá trị tự nhiên của mặt nước: Do đặc tính mềm mại của nước, ranh giới của nó với đất liền như bờ sông, bờ biển… tạo nên những nét cong mềm mại tương phản với môi trường xây dựng. Khu vực này cũng là nơi tập trung nhiều loài động thực vật phong phú mang giá trị cảnh quan và sinh thái to lớn. Đặc tính tự nhiên này nên được duy trì và khai thác bằng các giải pháp thích hợp, hạn chế xây dựng những đường kè bê tông kiên cố, không chỉ vì hiệu quả kinh tế mà còn phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay.

– Khai thác đặc tính chia cắt của dòng nước: Dòng sông và các nhánh của nó thường chia cắt đô thị thành nhiều phần, vì vậy, những giải pháp như đào hồ, nắn dòng, làm cầu… là những hoạt động cần thiết để tạo nên sự kết nối. Những cây cầu liên kết giữa hai bờ nước không chỉ tạo cho đô thị một cấu trúc hoàn chỉnh mà còn cung cấp những điểm nhìn mới cho việc quan sát đô thị. Khi không có sự liên kết giữa hai bờ sông, dòng nước trở thành ranh giới của đô thị, nhưng khi cây cầu được xây dựng, dòng sông sẽ trở thành nội thất đô thị.

– Khai thác đặc tính phản chiếu của mặt nước: Đặc tính phản chiếu của mặt nước của sông, hồ, vịnh… tạo cho đô thị một không gian ảo bằng hiệu ứng nhân đôi. Nhờ vậy, không gian đô thị trở nên rộng hơn, bớt đi cảm giác chật chội bởi mật độ xây dựng dày đặc, hơn nữa, hình ảnh phản chiếu trong nước luôn “mềm” hơn so với công trình xây dựng. Và khi thành phố lên đèn hình ảnh này càng trở nên lung linh hơn góp phần nhấn mạnh không khí tập trung sôi động như một tính chất đặc trưng của đô thị.

3. Khai thác yếu tố bầu trời

 

– Khôi phục lại mối liên hệ của đô thị với bầu trời: Mối quan hệ giữa con người với bầu trời ở các đô thị của Việt Nam sẽ dần thay đổi trong tương lai khi bầu trời ngày càng bị thu hẹp giữa những ngôi nhà ngày càng cao hơn. Thêm vào đó, trong nhịp sống hối hả của đô thị con người dễ dàng bỏ qua những cảm nhận về bầu trời nơi họ sống. Vì vậy, chức năng phông nền cho toàn bộ cuộc sống của đô thị với bầu trời cần được nhìn nhận trước bằng cách tạo ra các khoảng trống trong đô thị thông qua việc quy định mật độ xây dựng theo khu vực, bề rộng đường phố, các khoảng nhô ra của công trình và những khoảng không gian mở lớn tại vị trí các nút giao thông, nơi tiếp giáp với các yếu tố tự nhiên…

000834baoxaydung_4

– Sử dụng các hình thức và vật liệu kiến trúc phù hợp phản ánh sự biến đổi của bầu trời: Ánh sáng không chỉ giúp kiến trúc biểu hiện hình khối của mình mà còn là vật liệu trong kiến trúc bởi khả năng biến đổi theo giờ, theo mùa. Vì vậy, những vật liệu có tính phản quang như kính, tấm ốp kim loại…; các chi tiết kiến trúc như lam che nắng, mái đua, hàng hiên… và các khoảng mở như sân trong không chỉ là những giải pháp phù hợp với khí hậu nhiệt đới mà còn gia tăng cảm nhận của con người về sự biến đổi của bầu trời nơi họ sống.

Ths.KTS Nguyễn Văn Chương