10/03/2015

Những sự thật khác như Dung Quất: Tiền bỏ túi ai?

Việc phát triển các khu kinh tế quá rầm rộ, có tính chất phong trào là hệ quả của một thời được thúc đẩy bởi các nhóm lợi ích…

Hệ quả của nhóm lợi ích?

Theo Báo cáo đánh giá công tác xây dựng và quản lý quy hoạch của Bộ Xây dựng mới đây, trên cả nước hình thành quá nhiều khu kinh tế. Hiện có tới 44 khu kinh tế nằm ở ven biển và cửa khẩu với quy mô lớn.  Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, nhiều khu kinh tế vẫn chưa triển khai, những nơi triển khai rồi thì teo tóp, xin thu hồi dự án…

Lý giải điều này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để xảy ra “hội chứng kinh tế” này trước hết là do sự phát triển thiếu tổ chức ở Việt Nam, khi quy hoạch chung thì chưa tính đến việc xây dựng bao nhiêu khu kinh tế, lựa chọn những địa điểm nào…

“Phải có những lý do kinh tế xác đáng, căn cứ vào đặc điểm của từng nơi, nhất là phải đặt trong tổng thể chung của toàn nền kinh tế Việt Nam. Đã có một thời gian dài Việt Nam phát triển quá nhiều khu công nghiệp, tới hàng trăm, rồi hàng trăm cảng biển. Tỉnh nào cũng muốn sân bay, trường đại học, casino, khu kinh tế… Cứ làm theo kiểu phong trào mà không có quy hoạch, không có bàn tay chỉ huy chung thì ắt dẫn đến tình trạng đó”.

Một nguyên nhân khác được bà Lan chỉ ra, đó là các địa phương đều có suy tính trên lợi ích riêng của mình và nghĩ mình có thể làm được theo một quy mô hoành tráng, bất chấp điều kiện chung của cả nền kinh tế hoặc xem xét địa điểm của địa phương liệu có làm khu kinh tế được không, làm gì và làm có hiệu quả không.

“Kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế mang bóng dáng bao cấp, kế hoạch hoá theo kiểu ngân sách tập trung. Các tỉnh đều nghĩ mình có quyền đề ra dự án này, dự án khác để yêu cầu chi ngân sách. Ở đây có cả vấn đề về phân bổ nguồn lực nói chung, trong đó đặc biệt là ngân sách nước ta bị phân tán quá nhiều. Một mặt còn cơ chế xin cho tập trung vào Trung ương, mặt khác các địa phương, kể cả các ngành đều có thể dễ dàng xin thêm cái gì đó cho mình. Hệ quả là tỉnh nào cũng nghĩ nguồn lực của đất nước là vô hạn hoặc tỉnh mình cần phải được ưu tiên hàng đầu nên đẻ ra quá nhiều khu kinh tế.

Cũng cần nói rằng, những cơ quan ở Trung ương hoặc những người quyết định của Trung ương đã thiếu sự cứng rắn cần thiết để đặt lợi ích chung của cả nền kinh tế đất nước lên trên hết. Cũng có thể là vì mỗi địa phương có những lá phiếu nhất định nên Trung ương cứ nể vì họ, địa phương xin thì lại cho, cho chỗ này rồi lại phải cho chỗ khác”, chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích.

Một dự án xây dựng giữa chừng rồi bỏ hoang trong Khu Kinh tế Dung Quất. Ảnh: NLĐ

Một dự án xây dựng giữa chừng rồi bỏ hoang trong Khu Kinh tế Dung Quất. Ảnh: NLĐ

Đặc biệt, bà lưu ý rằng, hệ thống chạy lobby cho các dự án đang rất phát triển và có những nhóm lợi ích rất lớn trong đó.

“Nếu những người tham gia vào các quyết định mà không đặt lợi ích chung lên trên, cứ để các lợi ích riêng, lợi ích cục bộ, địa phương chi phối thì không thể nào phát triển được đất nước một cách hiệu quả”, bà Lan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói thẳng, việc phát triển khu kinh tế quá rầm rộ và có tính chất phong trào là hệ quả của một  thời được thúc đẩy bởi các nhóm lợi ích muốn phát triển khu kinh tế để ăn chênh lệch giá đất.

“Họ đền bù cho nông dân thì thấp nhưng đất đưa ra cho các nhà đầu tư lại được đưa ra với giá cao. Có sự chia sẻ giữa nhà đầu tư và các quan chức có quyền quyết định nên họ ít tính toán đến khả năng thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài”.

Thêm vào đó, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc nhiều dự án ở các khu kinh tế trở thành dự án treo, chậm triển khai là do những biến động trên thị trường đầu tư. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, đồng đô la theo đó cũng mạnh lên, cho nên các nhà đầu tư quốc tế thay vì đầu tư vào những nước khác đã quay về đầu tư vào Mỹ. Chính vì thế, kỳ vọng của các khu kinh tế không được đáp ứng và cần có sự điều chỉnh.

Quá lãng phí, cần phải trừng phạt…

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc để cho các khu kinh tế nở rộ để rồi quá nhiều dự án treo là sự lãng phí vô cùng lớn về tài nguyên, tài sản của đất nước.

Bà dẫn chứng: “Như đất đai chẳng hạn, vốn dĩ Việt Nam đất chật người đông, ngay cả nông nghiệp cũng có diện tích canh tác trên đầu người cũng thấp hơn rất nhiều nước khác trong khu vực, kể cả với Campuchia. Ở đây có liên quan đến vấn đề sở hữu đất đai. Do sở hữu toàn dân nên Nhà nước có thể thu hồi một cách dễ dàng, dẫu đền bù thấp cũng vẫn thu hồi được. Lạm dụng tình hình đó nên các cơ quan mới có thể thu hồi vô tội vạ đất đai của người dân để làm hết quy hoạch nọ đến quy hoạch kia.

Chưa kể, còn lãng phí về tài chính và rất nhiều thứ khác. Đầu tư vào nhưng không có dự án nào vào, hoặc treo để đấy, chỉ có hạ tầng mà không có gì khác, ngay cả hạ tầng cũng nham nhở. Đấy là sự lãng phí vô cùng lớn!”.

Vị chuyên gia này gay gắt cho rằng, lẽ ra phải có sự trừng phạt những nơi, những đơn vị để xảy ra tình trạng trên vì gây lãng phí cho đất nước, địa phương và người dân. Ngoài ra, phải quy trách nhiệm tất cả những bên liên quan.

“Trung ương đã quá chiều các địa phương, để cho phát triển quá nhiều hoặc bản thân Trung ương đã không có được quy hoạch hợp lý nên phải chịu trách nhiệm. Tương tự, địa phương tính toán không được đầy đủ, chu đáo, tạo ra thất thoát, mất mát. Còn chủ đầu tư đương nhiên cũng phải chịu trách nhiệm bởi đã làm ăn kinh tế thì phải tính, không thể làm kinh tế theo kiểu lợi thì họ được, còn thua thiệt thì đổ cho đất nước, tức đổ cho người đóng thuế khác phải gánh cho họ.

Phải bắt họ bồi thường, chịu trách nhiệm về kinh tế, chưa nói về sự trừng phạt về hành chính, chức vụ. Ai cũng biết làm các dự án bao giờ cũng đi kèm phần trăm. Phần trăm thì họ bỏ túi, còn thiệt hại đổ cho cả nền kinh tế, cho người dân gánh vác. Làm sao có thể như thế được?!”.

Bởi những thiệt hại to lớn do “hội chứng khu kinh tế gây ra”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh cần thiết phải có sự điều chỉnh các khu kinh tế, “kéo dài mãi miếng đất hoang hoá đó sẽ rất bất lợi”.

Còn chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định, việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của các dự án chậm triển khai là hoàn toàn cần thiết.

“Nếu để người ta tiếp tục giữ đất, giữ dự án mà không làm gì thì sự lãng phí, mất mát càng kéo dài hơn. Trên truyền hình đã chiếu hình ảnh những khu công nghiệp bây giờ trở thành chỗ để nuôi bò.

Ít nhất thu hồi những dự án hoàn toàn không có khả năng triển khai nữa rồi chính thức giao lại cho người dân để họ làm còn hiệu quả hơn. Hoặc nơi nào còn có nhu cầu của các doanh nghiệp về hạ tầng thì để cho họ làm, nhất là các cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đó có thể là những dự án nhỏ nhưng đừng chê. Kinh tế Việt Nam vẫn cơ cấu dựa trên doanh nghiệp nhỏ và vừa rất nhiều, đó là lực lượng tạo được nhiều việc làm nhất nên bao giờ họ cũng khổ sở về đất đai, tất cả những điều kiện cần thiết để làm ăn. Đừng khư khư giữ lại làm gì, vừa là quy hoạch treo vừa rất lãng phí, gây phản cảm, tạo cảm giác bất bình cho người dân”, bà nói.

Theo Đất Việt