04/10/2016

Những nỗ lực cuối năm

Để hoàn thành kế hoạch Ngành năm 2016 phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 3 tháng cuối năm 2016 của cả nước, Bộ Xây dựng đã đề ra các nhiệm, vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2016.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo sự thống nhất, phù hợp giữa các Luật xây dựng chuyên ngành với Luật Đầu tư, Luật DN; hoàn thành, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp phép xây dựng; Nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, ban hành theo thẩm quyền Thông tư sửa đổi một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Triển khai việc nghiên cứu Đề án đổi mới và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng, Đề án đổi mới hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật và giá xây dựng công trình.

Quản lý hoạt động đầu tư xây dựng

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến phân cấp thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng; quản lý an toàn kỹ thuật trong thi công xây dựng theo hướng rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư…

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên môn về xây dựng đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả thẩm định dự án, thiết kế, dự toán các công trình xây dựng nhằm phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung, nhất là các dự án sử dụng vốn Nhà nước, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công, tránh thất thoát lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình; tiếp tục triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập trong cả nước; tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động kiểm tra và nghiệm thu theo kế hoạch của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước; hoàn thiện quy trình, nội dung kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn lao động nhằm giảm thiểu sự cố trong thi công xây dựng công trình.

Quản lý phát triển đô thị và nông thôn

Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; hoàn thành, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị đảm bảo sự thống nhất với các luật mới ban hành và giải quyết một số bất cập trong thực tiễn; nghiên cứu dự thảo Đề cương chi tiết Luật Quản lý phát triển đô thị, triển khai nghiên cứu Điều chỉnh Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035.

Hoàn thành công tác thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 7 đồ án quy hoạch xây dựng; hoàn thành Báo cáo rà soát đánh giá công tác quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng các khu vực ven biển; hoàn thành việc nghiên cứu Thiết kế đô thị mẫu tại 8 địa phương; công bố 3 đồ án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn các tỉnh, thành phố, đô thị đặc thù lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị… Thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tập trung hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chương trình quốc gia về đầu tư xử lý nước thải (trước mắt tập trung cho các đô thị lớn, các lưu vực sông theo lộ trình hợp lý giai đoạn 2016 – 2020); Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và KCN Việt Nam đến 2025 và tầm nhìn đến 2050; Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050.

Tiếp tục triển khai các dự án, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia; Chương trình phát triển đô thị quốc gia; Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Phát triển nhà ở và thị trường BĐS

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhất là các chương trình nhà ở cho người có công, nhà ở cho người nghèo và nhà ở cho công nhân tại các KCN tập trung. Kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các ngành, địa phương có liên quan thực hiện các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm. Tiếp tục rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới.

Triển khai nghiên cứu Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường; cơ chế, chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định lành mạnh”; triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về nhà ở, BĐS. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ổn định và minh bạch hóa thị trường bất động sản gắn với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia.

Quản lý, phát triển VLXD

Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; chỉ đạo nghiên cứu Quy hoạch khoáng sản làm VLXD, Quy hoạch phát triển công nghiệp thủy tinh xây dựng, Quy hoạch phát triển vật liệu xây, lợp và vật liệu không nung.

Hoàn thành, trình Thủ tướng Đề án đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ sản xuất nhiệt điện, phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Quản lý, phát triển các DN thuộc Bộ

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa các TCty thuộc Bộ theo quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện IPO, Đại hội cổ đông lần đầu các DN đã được phê duyệt phương án CPH để chuyển sang hình thức Cty cổ phần; hoàn thành công tác xác định giá trị DN, xây dựng phương án CPH 3 TCty: Sông Đà, HUD, IDICO trình Thủ tướng Chính phủ; triển khai việc xác định giá trị DN và xây dựng phương án CPH Cty mẹ VICEM.

Phong Thư