10/05/2016

Những điểm mới của hợp đồng thi công xây dựng công trình

Trong hoạt động kinh tế nói chung và hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng nói riêng, hợp đồng thi công xây dựng công trình là một căn cứ pháp lý hết sức quan trọng. Do đó, hợp đồng thi công xây dựng công trình sẽ điều chỉnh quan hệ giữa bên giao thầu và bên nhận thầu xuyên suốt từ lúc ký hợp đồng, thi công công trình đến hoàn thiện công trình.


Sửa đổi Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Xây dựng để góp phần đưa đất nước vào thời kỳ hội nhập

Theo đó, để hướng dẫn cho Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 để hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng thi công xây dựng công trình. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng thi công xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư xây dựng (bao gồm cả hợp đồng xây dựng giữa nhà đầu tư thực hiện dự án PPP với nhà thầu thực hiện các gói thầu của dự án).

Ngoài ra còn áp dụng với dự án đầu tư xây dựng của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập. Dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước từ 30% trở lên. Đối với dự án đầu tư xây dựng không thuộc quy định (tại Điểm a, b Khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Cũng tại Thông tư đã nêu rõ: khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên quan đến hợp đồng thi công thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác áp dụng quy định, tại Thông tư này. Với hợp đồng thi công thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), nếu Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định khác với các quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.

Cũng tại Điều 3 của Thông tư đã nêu cụ thể về những yêu cầu trong chất lượng sản phẩm và nghiệm thu, bàn giao sản phẩm hợp đồng thi công. Theo đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của hợp đồng thi công: Công trình phải được thi công theo bản vẽ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật được nêu trong hồ sơ mời thầu phù hợp với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng cho dự án và các quy định về chất lượng công trình, xây dựng của nhà nước có liên quan.

Bên nhận thầu phải có sơ đồ và thuyết minh hệ thống quản lý chất lượng thi công, giám sát chất lượng thi công của mình. Bên nhận thầu phải cung cấp cho bên giao thầu các kết quả thí nghiệm vật liệu, sản phẩm của công việc hoàn thành. Các kết quả thí nghiệm này phải được thực hiện bởi phòng thí nghiệm hợp chuẩn theo quy định. Bên nhận thầu đảm bảo vật tư, thiết bị được cung cấp có nguồn gốc xuất xứ như quy định của hồ sơ hợp đồng.

Đối với vấn đề bảo hiểm và bảo hành theo hợp đồng thi công. Thông tư đã quy định cụ thể việc chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Trường hợp, phí bảo hiểm này đã được tính vào giá hợp đồng thì bên nhận thầu thực hiện mua bảo hiểm công trình theo quy định.

Bên nhận thầu phải thực hiện mua các loại bảo hiểm cần thiết, bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường, bảo hiểm thiết bị, bảo hiểm đối với bên thứ ba, để bảo đảm cho hoạt động của mình theo quy định của pháp luật.

Vấn đề bảo hành cũng được quy định rõ như sau: Bên nhận thầu có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. Các thỏa thuận của các bên hợp đồng về thời hạn bảo hành, mức bảo đảm bảo hành phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng. Bảo đảm bảo hành có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận, nhưng phải ưu tiên áp dụng hình thức bảo lãnh.

Về những nội dung hướng dẫn áp dụng mẫu hợp đồng thi công được quy định theo Điều 12 của Thông tư hướng dẫn. Cụ thể, mẫu hợp đồng thi công công bố kèm theo Thông tư này để các tổ chức, cá nhân sử dụng để soạn thảo hợp đồng cho gói thầu thi công xây dựng. Mẫu hợp đồng thi công xây dựng công bố kèm theo Thông tư này sử dụng cho hợp đồng thi công giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Trong trường hợp bên giao thầu là tổng thầu thì các bên vận dụng mẫu hợp đồng này để thực hiện cho phù hợp. Khi sử dụng mẫu hợp đồng công bố kèm theo Thông tư này để thỏa thuận, ký kết hợp đồng thì các bên căn cứ vào yêu cầu, Điều kiện cụ thể của gói thầu, các quy định của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, hướng dẫn của Thông tư này.

Tại Hội nghị tập huấn về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và quản lý hợp đồng xây dựng được tổ chức tại Sở Xây dựng mới đây, TS. Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: Về hợp đồng trong xây dựng, theo Luật Xây dựng năm 2003 thì chúng ta có 7 điều và chỉ nói rất cơ bản về nguyên tắc và một số nội dung của hợp đồng xây dựng. Nhưng đến Luật Xây dựng năm 2014, thì toàn bộ những nội dung liên quan đến hợp đồng xây dựng thì đã được luật hóa trong Luật Xây dựng mới. Ngày trước chúng ta chỉ hiểu những quan hệ trong hợp đồng xây dựng là những quan hệ dân sự, chỉ điều chỉnh những vấn đề của Luật Dân sự mà không được đưa vào Luật Xây dựng. Tuy nhiên nếu để Luật Dân sự điều chỉnh tất các các luật chuyên ngành thì Bộ Luật Dân sự quá dày và khó thực hiện.

TS. Phạm Văn Khánh cũng cho rằng: Chúng ta đã tham khảo các thông lệ Quốc tế thì hầu hết các nước trên thế giới đều lấy Luật chuyên ngành về Xây dựng để thể hiện các nội dung có liên quan đến quản lý quy hoạch, quản lý thiết kế, xây dựng, lựa chọn nhà thầu, hợp đồng xây dựng, quyết toán, thanh toán…và các tranh chấp trong hợp đồng xây dựng. Nếu đất nước hội nhập mà chúng ta không thực hiện sửa đổi Luật thì chúng ta sẽ lúng túng khi đất nước mở cửa. Nếu chúng ta không hội nhập, các tổ chức nước ngoài vào đầu tư, họ sẽ gặp khó khăn và chúng ta cũng lúng túng.

Vũ Chiến/Báo Xây dựng