15/12/2021

Nhức nhối vi phạm trật tự xây dựng, mất tiền, mất cán bộ: Làm tốt công tác cán bộ

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII vừa thống nhất tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Qua đó tập trung khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quy hoạch, trật tự xây dựng (TTXD), đất đai và khoáng sản.

Cưỡng chế vi phạm TTXD tại huyện ngoại thành

Tăng cường vai trò cấp ủy

Tại hội nghị này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, để khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai và khoáng sản, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban cán sự đảng UBND thành phố xây dựng 2 Chỉ thị nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với những lĩnh vực rất quan trọng này.

Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2022 là đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhìn nhận: Các lĩnh vực này bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như tiến độ triển khai các nhiệm vụ quy hoạch còn chậm, chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao, thường xuyên phải điều chỉnh. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý TTXD còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát sinh nhiều vụ việc vi phạm.

“Những tồn tại, hạn chế và yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Sự thiếu lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy và sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, cùng sự thiếu trách nhiệm và sự hạn chế về năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ là những nguyên nhân chính dẫn đến những khuyết điểm, yếu kém như đã nêu”, ông Đinh Tiến Dũng chỉ rõ.

Ông Đinh Tiến Dũng đề nghị làm rõ các tồn tại, hạn chế và các giải pháp, biện pháp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, TTXD, đất đai, khoáng sản; quy định rõ trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu các cấp nếu để xảy ra vi phạm, sai phạm trên địa bàn, trong lĩnh vực được phân công phụ trách…

Cán bộ là gốc rễ

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành 2 Chỉ thị nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai và khoáng sản

Ông Nguyễn Việt Hà, Bí thư quận ủy Thanh Xuân cho biết, thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân đã ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn quận và nhiều kế hoạch liên quan. Trong đó chú trọng đến các giải pháp: Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, tập trung nguồn lực để thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên địa bàn quận; tiếp tục lập thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 hai bên các tuyến đường mới mở trên địa bàn quận; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động đáp ứng thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới…

Theo ông Nguyễn Việt Hà, Quận ủy Thanh Xuân đã giao nhiệm vụ cho các cấp ủy triển khai thực hiện và gắn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đối với người đứng đầu cấp ủy trong nhiệm vụ duy trì, bảo đảm trật tự văn minh đô thị, TTXD. Đồng thời, có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong quá trình triển khai thực hiện. UBND quận đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm về công tác đảm bảo trật tự đô thị, TTXD; UBND 11 phường đã lập kế hoạch riêng để triển khai thực hiện các Kế hoạch của quận theo chức năng, nhiệm vụ, xử lý, giải quyết kịp thời những vi phạm.

UBND quận Thanh Xuân cũng ban hành Quyết định số 117/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý TTXD đô thị trên địa bàn quận. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các cấp ủy triển khai thực hiện và gắn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đối với người đứng đầu cấp ủy trong nhiệm vụ duy trì, bảo đảm trật tự văn minh đô thị, TTXD.

Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân thực hiện quy trình bổ nhiệm chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ nghiêm túc, dân chủ, công khai. Đảm bảo không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (đặc biệt là cán bộ công tác trong các lĩnh vực nhạy cảm).

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, phần lớn các công trình vi phạm bị phát hiện do người dân, báo chí phản ánh thì cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý. Phần lớn vi phạm là phạt cho tồn tại, hiếm công trình bị bắt buộc phải “cắt ngọn” như tòa nhà 8B Lê Trực. Để hàng loạt sai phạm phát sinh trật tự đô thị, dư luận có lý khi đặt ra trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội được giao phụ trách vấn đề này.

KTS Nguyễn Văn Thanh, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Riêng vi phạm trong lĩnh vực TTXD, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến một tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe, bởi nếu một dự án, chủ đầu tư xây dựng sai một tầng, có thể thu lại hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng thì việc nộp phạt cũng không khó khăn gì.

Hiểu Minh/Tiền Phong