10/04/2017

Nhìn ra thế giới: Quản lý vỉa hè thế nào?

Tại nhiều thành phố trên thế giới, hàng rong và các món ăn ẩm thực đường phố dường như đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của mỗi người dân, khách du lịch.

Tuy nhiên, để quản lý sao cho vỉa hè không trở nên nhếch nhác mà hộ kinh doanh vẫn đảm bảo thu nhập, đó là câu hỏi làm đau đầu giới chức. Cùng tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới.

Singapore

Từ những năm 1950, Singapore đã có quyết tâm làm “đường thông hè thoáng” và “xanh sạch đẹp” cho toàn thành phố. Họ đã chủ trương xây dựng các khu chợ cùng khu vực bán hàng rong riêng biệt. Việc bán hàng rong phải đăng ký với chính quyền và cơ quan quản lý. Những người bán hàng rong phải được tập huấn về các quy định an toàn sức khỏe, an toàn thực phẩm trước khi được phép kinh doanh.

Cùng với đó, Singapore đã mở ra khoảng 107 trung tâm ẩm thực với 15.000 gian hàng trên khắp đất nước. Các trung tâm ẩm thực luôn đặt ra những quy định nghiêm ngặt mà những người bán hàng phải tuân thủ. Ví dụ, không có quá nhiều gian hàng kinh doanh giống nhau trong một khu hay mức phí mà phần lớn người bán rong phải trả là dưới 1.500 USD.

Hầu hết tuyến đường trung tâm ở Singapore đều cấm đỗ xe ở vỉa hè hoặc bên đường. Lòng đường hoàn toàn thoáng đãng, đáp ứng đủ cho các phương tiện lưu thông. Trên các tuyến đường vắng hoặc xa khu trung tâm, vẫn có một số bãi đỗ xe ven đường. Tuy nhiên, các điểm đỗ xe này đều tính phí nhằm gây sức ép tài chính lên lái xe. Với những trường hợp đỗ xe không đúng nơi quy định, hình thức xử phạt rất nặng, khoảng hơn 200 USD.

Hồng Kông

Tại đây, người ta hạn chế cấp phép cũng như chuyển nhượng giấy phép từ hơn 50.000 hàng rong vào năm 1974 xuống còn 6.000 như ngày nay.

Để tránh tình trạng nhếch nhác cho đô thị, chính quyền bố trí quy hoạch riêng biệt khu hành chính và khu du lịch. Tại khu hành chính, chủ yếu là các nhà hàng được xem là “hạng sang trọng”. Còn tại các khu du lịch thì nét văn hóa đường phố đa dạng từ sang trọng đến bình dân.

Tại một số tuyến phố được quy định là phố du lịch có quy hoạch dành riêng cho người đi bộ. Các hàng quán không được phép buôn bán hay để cho thực khách ngồi ở vỉa hè.

Tại đây, các tuyến đường MRT được quy hoạch phủ gần như khắp các địa điểm trong thành phố. Mọi chỉ dẫn của hệ thống MRT khá chi tiết. Tại mỗi bến đều có bản đồ hướng dẫn cho từng con đường, khu vực muốn tới. Ngay cả việc di chuyển từ sân bay cũng được nối vào trung tâm thành phố một cách dễ dàng. Có thể nói, quy hoạch góp phần vô cùng quan trọng ngay từ khởi đầu của chiến dịch làm đẹp vỉa hè.

Pháp

Một trong những quốc gia nổi tiếng với văn hóa café vỉa hè chính là Pháp, mà điển hình là Thủ đô Paris. Các quán café và nhà hàng ở Paris được bày trí vô cùng đẹp mắt trên mỗi ô vỉa hè để đón chào thực khách.

Để duy trì nét văn hóa đặc trưng này mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người đi bộ, chính quyền đã phải đặt ra một số quy định cụ thể cho các hộ kinh doanh. Các hộ kinh doanh quán café được kê bàn ghế bên ngoài lề đường nhưng phải tuân theo quy định bàn ghế nằm gọn trong mái hiên khoảng 3-6m. Tất cả quy định đăng ký kinh doanh vỉa hè có giá biểu quy định rõ ràng. Người dân và du khách có thể vừa nhâm nhi tách café vừa ngắm đường phố. Hoạt động này mang lại cho Paris ngân sách khổng lồ hàng năm.

Bỉ

Để được phép kinh doanh trên phố, những người bán hàng phải nộp đơn xin giấy phép kinh doanh cho Liên đoàn Thương mại thành phố. Đơn xin giấy phép hoạt động cũng phải nêu rõ đề xuất diện tích mặt bằng kinh doanh, chủng loại kinh doanh. Nếu Liên đoàn Thương mại thành phố chấp thuận thì họ mới được phép buôn bán mặt hàng theo đúng thông tin nêu trong đơn.

Nếu không chấp hành nghiêm chỉnh, lập tức sẽ bị thu hồi giấy phép và xử phạt nặng. Công chúng là người giám sát chặt chẽ nên chính quyền không thể không thực thi nghiêm minh.

Anh Quốc

Tại đây, bảng giá và đơn đăng ký giấy phép kinh doanh trên vỉa hè được công khai trên website của chính quyền thành phố vô cùng chi tiết. Ví dụ: Với 5 bộ bàn ghế trở xuống tính phí hàng tháng là 922 USD, từ 5 bộ bàn ghế trở lên sẽ tính phí 1.352 USD.

Theo quy trình đăng ký hoàn thành qua hệ thống đăng nhập và thanh toán trực tuyến, trong vòng hơn 2 tháng, đơn xin phép kinh doanh của chủ hộ sẽ được tiếp nhận hoặc từ chối.

Bên cạnh việc đề ra những quy định rõ ràng việc sử dụng vỉa hè trong kinh doanh, chính quyền đề ra những khung phạt cụ thể và nghiêm khắc đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè. Kể từ tháng 4/2016, chính quyền Vương quốc Anh đề ra chủ trương “quét sạch” những đối tượng đỗ xe sai Luật vỉa hè giúp đường phố an toàn, sạch đẹp hơn và khuyến khích người dân đi bộ, luyện tập thể thao.

Vì tính công khai như thế, không có sự gian trá hoặc không tuân thủ, chính quyền thành phố không bao giờ có thể bao che cho bất cứ đơn vị kinh doanh nào. Ngoài khoản tiền phạt, những người vi phạm còn có khả năng bị phạt 3 tháng tù nếu tái phạm nhiều lần.

Mỹ

Các hoạt động buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè đều phải tuân thủ quy định chung của thành phố. Để được hoạt động trên vỉa hè phải có giấy phép và phải trả phí. Để đảm bảo không gian đi bộ hợp lý, tháng 8/2016, Washington ra quy định về việc các hộ kinh doanh phải đảm bảo giữ lại 1,5m cho người đi bộ.

Còn New York đã biến Quảng trường Thời đại thành một khu vực phát triển, sầm uất với những xe bán đồ ăn, hàng lưu niệm ven đường… Để được phép kinh doanh, mỗi chủ kinh doanh phải trả khoản phí là 200 USD cho giấy phép trong thời hạn 2 năm và được phép gia hạn. Trong khi đó, mức phạt đối với những người kinh doanh không có giấy phép là khá cao so với chi phí xin giấy phép.

Vì vậy, nhiều người cũng e dè khi tìm đến thị trường giấy phép chợ đen, bởi khoản chênh lệch chi phí quá lớn. Ngoài ra, nguồn thu từ những “gánh hàng rong” tại New York là một khoản không hề nhỏ. Hàng năm, những người buôn bán vỉa hè đã đóng góp 293 triệu USD vào nền kinh tế Mỹ.

Sau đây là một số hình ảnh đáng yêu về hoạt động vỉa hè tại một số quốc gia trên thế giới được đăng tải trên internet:

Tài liệu tham khảo: Pavement Art; Street life; Love pavement.

Theo Khánh Phương/Báo Xây Dựng