16/09/2021

Nhà phố bí bách ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi như thế nào? Giải pháp dễ áp dụng và hiệu quả là gì?

Do tình trạng “đất chật người đông”, kiểu nhà phổ biến nhất ở các đô thị lớn đó chính là nhà ống. Những ngôi nhà này mọc san sát nhau, bề ngang hẹp và chiều dài khá sâu nên nếu thiết kế không hợp lý sẽ dẫn tới tình trạng không đủ ánh sáng tự nhiên, tạo cảm giác bí bách, tù túng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe gia đình nói chung và sức khỏe của người cao tuổi nói riêng.

Nhà phố cao tầng được xây dựng liền kề là tình trạng nói chung của nhà ở tại các đô thị lớn (Ảnh minh họa: Nhà ống 4×18 tại Sài Gòn)

1. Thực trạng nhà phố/ nhà ở đô thị

Hiện nay, tại các đô thị, nhà ống chiếm khoảng 70% quỹ nhà ở, được xây san sát nhau từ các đường phố lớn đến sâu trong những con hẻm nhỏ. Chính bởi điều này, thiết kế nhà ống thường không có cửa sổ bên hông nên khó có thể đưa ánh sáng vào bên trong cũng như khiến không gian nhà ở bị ngột ngạt, bí bách. Bên cạnh đó, vì diện tích hạn chế nên các gia chủ thường có tâm lý tận dụng hết diện tích cho các khu vực công năng mà giảm hoặc bỏ hẳn đi những khoảng mở để lấy sáng và không khí.

Thêm vào đó, diện tích của nhà ống đòi hỏi cần xây dựng cao tầng mới đủ không gian sử dụng, nhất là với những gia đình đông người, 2-3 thế hệ cùng sinh sống. Nhưng một ngôi nhà nếu xây quá cao sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại giữa các tầng nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.

Càng ở trong các con ngõ/ hẻm, nhà ống lại càng xuất hiện dày đặc (Ảnh minh họa: Nhà 3x9m2)

Đa phần dân cư tại các thành phố lớn hay khu đô thị kiểu cũ đang sinh sống trong những căn nhà chỉ có một lối thoát hiểm là cửa ra vào. Chẳng hạn như những khu phố cũ tại Hà Nội, nhà ống đều dùng cửa cuốn, cửa xếp hoặc bịt kín hàng rào ở các tầng trên để chống trộm. Tuy nhiên, với dạng nhà ống có cửa ra vào là lối thoát hiểm duy nhất thì cửa cuốn, cửa xếp sẽ gây khó khăn cho việc tiếp cận cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

2. Những ảnh hưởng đến sức khỏe của người cao tuổi 

Theo định nghĩa về sức khoẻ của Tổ Chức Y tế Thế Giới: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế”. Thoải mái về mặt thể chất nghĩa là hoạt động thể lực, ăn, ngủ,… tất cả các hoạt động sống đều ở trạng thái tốt nhất phù hợp với lứa tuổi. Thoải mái về tinh thần nghĩa là sự thư thái, bình yên tâm lý, không căng thẳng, mệt mỏi. Thoải mái về mặt xã hội tức là vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo, có nghề nghiệp với thu nhập đủ sống. Theo đó, với người cao tuổi, sức khỏe quan trọng nhất là sự thoải mái về mặt thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên với thực trạng nhà ở đô thị hiện nay, thật khó để người cao tuổi có cuộc sống thoải mái, đảm bảo điều kiện an toàn sức khỏe trong không gian nhà ở. Cụ thể, nhà ống san sát, thiếu không gian mở, thiếu sự kết nối với không gian xung quanh tạo cảm giác bí bách, cô đơn và ảnh hưởng đến sức khỏe. Ánh sáng yếu cũng khiến người cao tuổi không nhìn rõ đường đi và thị lực cũng suy giảm hơn.

Nhà thiếu ánh sáng và không khí sẽ khiến những người có tuổi dễ cảm thấy mệt mỏi, bí bách

Bên cạnh đó, việc thiết kế bí khí, không đảm bảo sự lưu thông cũng như đảm bảo chất lượng không khí trong nhà ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người cao tuổi. Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ có môi trường bên ngoài mới có ô nhiễm không khí nhưng thực chất không phải vậy, trong nhà cũng có nguy cơ ô nhiễm không khí. Những khí hại như formaldehyde phát sinh từ các hoạt động nấu nướng, từ đồ nội thất, vật liệu trong nhà sẽ ảnh hưởng đến da, mắt, mũi, họng, thậm chí gây ung thư cho người cao tuổi cũng như các thành viên khác trong gia đình. Do đó, việc không đảm bảo chất lượng không khí trong nhà, không có giải pháp lọc không khí sẽ khiến sức khỏe của người cao tuổi bị giảm sút.

Ngoài ra, việc sử dụng hết quỹ đất cho các khu vực công năng khác mà thiếu đi giếng trời hoặc các khoảng thông tầng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của người già. Bởi thông gió đóng vai trò quan trọng để người cao tuổi có tinh thần thoải mái, gần gũi với thế giới tự nhiên bên ngoài. Họ có thú vui chăm sóc cây cối, làm bạn với thiên nhiên.

Nhiều người cao tuổi chia sẻ họ cảm thấy cô đơn ngay chính ngôi nhà của mình – nơi vẫn có con, cháu ở cùng. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì nhà cao tầng, mỗi người ở một phòng, thường chỉ gặp nhau trong bữa cơm tối hoặc có khi ông bà ăn trước, con cháu ăn sau. Người già muốn lên các tầng trên thì gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển cầu thang.

Cầu thang chật hẹp, thiếu ánh sáng gây nhiều bất lợi trong việc di chuyển giữa các tầng của người già

Không chỉ có vậy, một số những ngôi nhà phố tại các đô thị không có được thiết kế hợp lý, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng cho người cao tuổi như cầu thang dốc, cao, nhà vệ sinh trơn trượt, không có lối thoát hiểm…

3. Giải pháp để không gian nhà phố thông thoáng

Để sinh hoạt của người cao tuổi được đảm bảo an toàn, thuận tiện cũng như giữ cho sức khỏe tinh thần thật tốt, gia chủ có thể xem xét những giải pháp dưới đây để cải thiện độ thông thoáng của ngôi nhà.

Cải tạo không gian chức năng

Giếng trời

Ánh sáng tự nhiên và không khí là nguồn sinh khí quan trọng giúp duy trì sức khỏe của con người bởi vậy việc đưa ánh sáng tự nhiên vào không gian sống rất quan trọng, đặc biệt đối với người cao tuổi. Cách đơn giản để đưa ánh sáng và không khí vào bên trong ngôi nhà là bố trí giếng trời. Giếng trời giúp hứng đón lượng ánh sáng lớn vào ban ngày, chiếu sáng tốt trong những ngôi nhà ống. Thông thường, vị trí phổ biến để đặt giếng trời là ở cầu thang, khoảng giữa nhà hoặc cuối nhà kết hợp với sân sau, nhưng tốt nhất nên đặt giếng trời chính tại khu vực cầu thang, vì thường cầu thang được bố trí tại trung tâm nhà, các khu vực sinh hoạt khác đều sắp xếp xung quanh tại đây, do đó, ánh sáng và không khí dễ dàng đến được nhiều không gian nhất.

Giếng trời thoáng đãng được trang trí đẹp mắt (Ảnh: Nhà 36m2 trong hẻm)

Dù biết giếng trời đóng vai trò rất lớn trong việc đảm bảo chất lượng không gian sống của người cao tuổi và các thành viên trong gia đình nhưng khi thiết kế, các gia chủ nên có sự phân bố diện tích hợp lý với diện tích xây dựng nhà mình, không nên thiết kế giếng trời quá to hoặc quá nhỏ, kích thước giếng trời có thể từ 4m2 đến 6m2 là phù hợp, đủ để tạo sự thông thoáng, mát mẻ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn trong sinh hoạt hàng ngày, giếng trời cần được bố trí mái che để tránh làm ướt sàn, dễ gây trơn trượt, rất nguy hiểm với người già khi thị lực giảm, xương khớp dễ bị tổn thương dù là va chạm nhẹ. Nếu dưới giếng trời, gia chủ thiết kế tiểu cảnh hồ nước khi gia đình có người già cũng nên thiết kế cẩn thận để tránh cản trở lối đi lại, dễ gây va vấp, không an toàn khi sinh hoạt hàng ngày.

Giếng trời có thể đặt ở phòng khách, cầu thang hoặc bếp như ngôi nhà này (Ảnh: Nhà 3x9m2)

Thêm khoảng thông tầng

Các khoảng thông tầng không những tạo góc quan sát rộng, giúp ngôi nhà thêm thoáng đãng mà còn có tác dụng kết nối các thành viên trong gia đình. Nhờ khoảng thông tầng, ông bà, bố mẹ, con cái dễ dàng tương tác với nhau hơn. Việc ưu tiên dành ít nhất 1-2m để thiết kế khoảng thông tầng giúp ích rất nhiều cho việc đối lưu không khí, tạo môi trường sống thoáng đãng, sảng khoái tinh thần cho người cao tuổi đồng thời không bị cản trở khi giao tiếp của các thành viên giữa các tầng. Với những ngôi nhà ống có chiều dài bằng hoặc hơn 20m, các KTS cũng khuyến khích các gia chủ nên bố trí 2 hoặc 3 khoảng thông tầng tại phía trước, giữa và sau nhà để đảm bảo lưu thông không khí, giúp ngôi nhà không bị bức bí, người cao tuổi có nhiều cơ hội kết nối với thiên nhiên bên ngoài hơn, được sống vui với sở thích trồng cây, chăm hoa.

Một ngôi nhà có thể có nhiều khoảng thông tầng (Ảnh: Backyard House)

Tuy nhiên, khi thiết kế khoảng thông tầng, các gia chủ cần lưu ý một số vấn đề như sau. Thứ nhất, nên bố trí khoảng thông tầng ở sát một vách tường để giúp giảm độ âm vang của âm thanh. Người già thính giác giảm nên nếu thiết kế thông tầng nằm chính giữa nhà và thẳng xuyên suốt giống như giếng trời sẽ làm âm thanh truyền trong giếng rất vang, gây khó nghe mà còn ảnh hưởng đến sự thoải mái, chẳng hạn như giấc ngủ, người cao tuổi dễ bị tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng động. Bức tường tại khu vực này nên làm nhám, sần để tiêu âm cho khoảng thông tầng hay giếng trời.

Thứ hai, nếu khoảng thông tầng thông như giếng trời thì cần có mái che để trời mưa, nước mưa không chảy xuống nhà, gây trơn trượt, nguy hiểm cho người già khi đi lại cũng như nguy hiểm với các thành viên khác. Các gia chủ có thể lựa chọn mái che đóng mở tự động để thuận tiện việc điều chỉnh đóng mở mái khi cần thiết, không ảnh hưởng đến sự lưu thông không khí trong những điều kiện thời tiết bình thường.

Ngoài ra, hệ thống hành lang, cửa sổ và cầu thang tại vị trí thông tầng phải thiết kế lan can an toàn. Lưu ý những đồ dùng trang trí như đèn treo thả, chậu hoa, chậu cây trang trí tại khu vực thông tầng để tránh gây nguy hiểm cho người cao tuổi sinh hoạt dưới tầng 1 và các thành viên trong gia đình.

Khoảng thông tầng trong căn nhà ống có kích thước 4 x 14m2 (Ảnh: Đại Kim House)

Thiết kế lệch tầng

Nhà lệch tầng là kiểu nhà mà các mặt sàn tầng không nằm trên cùng một mặt phẳng. Cầu thang thường được thiết kế giữa nhà, nếu kết hợp cầu thang và giếng trời, vấn đề thông gió và chiếu sáng sẽ được giải quyết hiệu quả. Bởi vậy, nhà lệch tầng giúp lưu thông không khí cho nhà phố, nhà ống hiệu quả. Ngoài ra, ưu điểm của thiết kế lệch tầng khi gia đình có người cao tuổi đó là số bậc cầu thang ít, độ dài các cầu thang sẽ được hạn chế, các tầng cách nhau không quá xa, giữa các cầu thang có thêm nhiều chiếu nghỉ, tạo sự an toàn khi di chuyển lên tầng trong trường hợp cần thiết hoặc đơn giản là lên tầng để chơi và trò chuyện với con cháu. Như vậy thiết kế lệch tầng vừa đảm bảo đưa đủ ánh sáng, không khi, gió trời vào trong nhà, vừa giúp tăng sự kết nối giữa người già với các thành viên, giúp họ cảm thấy an toàn, không bất an khi di chuyển. Từ đó, tinh thần của người già sẽ trở nên phấn chấn và vui vẻ hơn rất nhiều.

Không gian tuy hẹp nhưng vẫn rất thoáng đãng nhờ kiến trúc lệch tầng (Ảnh: LVS House)

Tuy nhiên, để lựa chọn thiết kế lệch tầng, các gia chủ cần dựa vào đặc điểm khu đất nhà mình. Nếu nhà ống hẹp và dài, thiết kế lệch tầng là phù hợp, giúp không gian nhà thêm thông thoáng. Nhưng nếu nhà ngắn thì thiết kế thẳng tầng sẽ mang lại diện tích sinh hoạt tối ưu hơn.

Các bậc thang chuyển tiếp giữa các tầng được thiết kế ngắn và thoai thoải, khiến các tầng không bị quá tách biệt

Lựa chọn vật liệu phù hợp

Mặt tiền thông gió

Sử dụng lưới kim loại, gạch thông gió hoặc lam gỗ cho mặt tiền thay vì bức tường kín đặc sẽ giúp lấy sáng và thông gió một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo sự riêng tư cần thiết cho những thành viên trong gia đình.

Bức tường gạch nung có vai trò như một tấm màn đặc – rỗng giúp đưa ánh sáng và không khí vào bên trong (Ảnh: Boundary House)

“Tường thủng” đưa ánh sáng chiếu rọi vào mọi nơi (Ảnh: An House)

Vật liệu xây dựng không độc hại, có khả năng lọc không khí

Trong hoạt động nấu nướng hàng ngày hay trong các thiết bị đồ dùng như đồ nội thất, vật liệu kết dính,…có chứa khí formaldehyde, nếu chứa nhiều khí này trong nhà sẽ gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp như khó thở, viêm phổi, đau họng,…, các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như đau đầu, mất ngủ, trí nhớ kém, trầm cảm,… rất có hại đến sức khỏe của người cao tuổi trong gia đình và các thành viên khác. Do vậy, việc lựa chọn các vật liệu không độc hại và có khả năng lọc không khí rất quan trọng.

Hiện nay đa phần chúng ta đang chọn các giải pháp thụ động như máy hút mùi, máy lọc không khí cho nhu cầu lọc không khí trong nhà ở. Tuy nhiên việc quan tâm lựa chọn những vật liệu hoàn thiện nội thất an toàn, thông minh có tính năng thanh lọc khí hại là một cách chủ động và bền vững để giải quyết khí hại trong nhà. Trần và tường chiếm nhiều diện tích trong ngôi nhà bởi vậy nếu sử dụng những loại trần, tường có khả năng lọc khí hại sẽ giúp đảm bảo chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi tốt hơn.

Theo chia sẻ từ đại diện tập đoàn Saint-Gobain (Pháp) tại Việt Nam, đơn vị nghiên cứu và phát triển sản phẩm tấm thạch cao có khả năng lọc khí hại cho biết, cơ chế hoạt động của tấm thạch cao này diễn ra liên tục, khi khí hại Formaldehyde trong nhà tiếp xúc với bề mặt tường hoặc trần siêu bảo vệ này chúng sẽ được cảm ứng nhận diện để hấp thụ và chuyển hóa Formaldehyde thành khí trơ không độc hại để trả lại môi trường sống. Một trong những ưu điểm của giải pháp này là chủ nhà chỉ cần đầu tư lắp đặt ban đầu sau đó không tốn chi phí điện năng để vận hành hay bảo trì, trong khi vòng đời sản phẩm lên đến 50 năm.

Theo nhà sản xuất Vĩnh Tường Saint-Gobain, tấm thạch cao sở hữu 5 lớp bảo vệ: chống cháy, chống nứt, chống võng, chống ẩm, thanh lọc không khí, giúp môi trường sống trong nhà an toàn và trong lành (hình ảnh mang tính chất minh họa)

Sử dụng những sản phẩm trần thạch cao siêu bảo vệ như trần Vĩnh Tường giúp giảm khí hại trong nhà, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi và các thành viên trong gia đình (hình ảnh mang tính chất minh họa)

Trang bị các thiết bị gia đình 

Để giảm thiểu những tác động ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của các thành viên gia đình nói chung và sức khỏe người cao tuổi nói riêng, việc lựa chọn các loại trang thiết bị hiện đại như máy lọc không khí hay máy tạo ẩm phun sương cũng là một giải pháp đáng quan tâm. Theo thông tin của các nhà sản xuất, một trong những ưu điểm vượt trội nhất của máy lọc không khí đó chính là hầu hết các máy đều sử dụng màng lọc HEPA. Màng lọc này giúp loại bỏ các phần tử chất gây ô nhiễm thường gặp như lông thú, phấn hoa, bụi không nhìn thấy với PM 2.5. Hoặc các loại bụi mịn cực nhỏ với kích cỡ 3 micron.

Máy lọc không khí được xem là giải pháp hay để giảm thiểu tác động từ ô nhiễm môi trường

Máy phun sương tạo ẩm thường được sử dụng tạo độ ẩm cho không khí khi thời tiết hanh khô hoặc khi bật điều hòa. Máy hoạt động chuyển đổi nước thành các tinh thể dạng sương, với các hạt nước kích thước siêu nhỏ để phát tán xa trong không khí.

Máy phun sương giúp bảo vệ đường hô hấp, da và đặc biệt cần thiết với những người mắc bệnh viêm xoang, trẻ nhỏ và người già

Nếu trong gia đình bạn có người cao tuổi, hãy tham khảo những vấn đề được chia sẻ trong bài viết trên đây để giúp việc sinh hoạt của người lớn tuổi được đảm bảo an toàn, thuận tiện nhất cũng như giúp không gian nhà luôn thoáng sáng và dễ chịu.

Tác giả : Minh Trang