19/10/2018

Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm và việc xác lập ưu tiên

Xác lập ưu tiên cho đúng trong việc chi tiêu ngân sách là sự anh minh tối thiểu mà mỗi cấp chính quyền đều phải có. Vấn đề là ưu tiên của chính quyền chưa chắc đã là ưu tiên của người dân; ưu tiên của giới này chưa chắc đã là ưu tiên của giới khác.

Xác lập ưu tiên của một quốc gia, cũng như của một thành phố là công việc khó khăn. Đây là công việc mang tính chính trị hơn là mang tính chuyên môn – kỹ thuật. Công việc chính trị thì đòi hỏi phải có những kỹ năng chính trị và quy trình chính trị để xử lý. Rất tiếc, điều này đã không xảy ra, khi Hội đồng nhân dân TPHCM họp bất thường và mau chóng thông qua khoản chi 1.500 tỷ đồng tiền ngân sách để xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm.

Ngân sách bao giờ cũng rất có hạn, đặc biệt là ngân sách của thành phố, (cũng như của cả nước ta). Chính vì thế xác lập ưu tiên cho đúng trong việc chi tiêu ngân sách là sự anh minh tối thiểu mà mỗi cấp chính quyền đều phải có. Vấn đề là ưu tiên của chính quyền chưa chắc đã là ưu tiên của người dân; ưu tiên của giới này chưa chắc đã là ưu tiên của giới khác.

b0d78f22-ffc7-457d-bd7d-20d8a12e799a

Lấy việc xây dựng nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm làm ví dụ, nhà hát có thể là ưu tiên của chính quyền, nhưng với sự phản đối ngày càng gay gắt của nhiều người trên mạng xã hội, có vẻ như đây không chắc đã là ưu tiên của đông đảo những người dân. Việc xây dựng nhà hát cũng đang được không ít nghệ sĩ ủng hộ, nhưng lại bị rất nhiều tầng lớp dân cư khác phản đối.

Thực ra, ưu tiên có thể được xác lập theo mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà thành phố đang phải đối mặt. Vấn đề gì đang là nóng bỏng nhất của thành phố thì vấn đề đó phải được ưu tiên chi tiền để giải quyết trước. Có lẽ, ách tắc giao thông, ngập lụt, nạn trộm cướp, khiếu kiện đất đai… đang là những vấn đề nóng bỏng nhất cần được ưu tiên. Xác lập ưu tiên theo cách này dễ được ủng hộ hơn và ít gây ra tranh cãi hơn.

Ưu tiên cũng có thể được xác lập theo tầm nhìn của lãnh đạo thành phố. Cái gì về dài hạn có thể đưa lại lợi ích lớn hơn cho thành phố thì cái đó cần được ưu tiên chi tiền giải quyết. Việc quyết định chi tiền xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm có vẻ là dựa trên ưu tiên loại này.

Tôi không biết trường hợp cụ thể của nhà hát Thủ Thiêm chính xác đến đâu, thế nhưng để quyết định chi tiền ngân sách cho việc xây dựng công trình, chính quyền chí ít phải làm được những việc sau đây:

1.    Cung cấp tầm nhìn của chính quyền cho người dân. Đây là tầm nhìn về một thành phố đáng sống, đáng tự hào, một thành phố đang vươn lên trở thành biểu tượng của sự phát triển cả về kinh tế và văn hóa.

2.    Làm rõ lợi ích của thành phố, của đông đảo dân cư khi thành phố có nhà hát giao hưởng hiện đại.

3.    Nhận biết lý lẽ của những người phản đối và phản biện lại các lý lẽ đó một cách thuyết phục. Phải lập luận dựa trên chứng cứ chứ không phải dựa trên quyền thế.

4.    Tham vấn ý kiến công chúng để có những điều chỉnh hợp lý về quy mô, cách thức, thậm chí thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng nhà hát.

5.    Xây dựng và tiến hành một chiến lược truyền thông thật sự hiệu quả trước khi ban hành quyết định.

Rất tiếc, có vẻ như không có bất kỳ điều gì trong những điều kể trên đã được chính quyền thành phố triển khai thực hiện. Hậu quả là sự phản đối của xã hội lan rộng. Căng thẳng xã hội gia tăng.

Muộn còn hơn không, chính quyền thành phố nên chủ động triển khai một chiến dịch truyền thông về vấn đề này. Tất cả bắt đầu từ việc các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố phải giải trình cho cử tri ở đơn vị bầu cử của mình tại sao lại thông qua một quyết định như vậy. Đây là việc họ phải làm theo quy định pháp luật.

Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội/Người Đô thị