Nhà đồi dốc – “Bài toán khó” trên địa hình dốc
Địa hình sườn đồi dốc cùng nhiều quy định về lộ giới, khoảng lùi, chiều cao nhà và số tầng cao tối đa là bài toán hết sức khó với những người thiết kế khi xây dựng công trình Nhà đồi dốc.
Thông tin công trình:
- Địa chỉ: 59/6 Đống Đa, P.3, TP.Đà Lạt
- Diện tích: 15x20m
- Thiết kế kiến trúc: KTS Hồ Lê Phương
- Thiết kế nội thất: NTK Hồ Cao Khanh
- Tổng thầu thi công: Công ty TNHH Đỗ Quyên
- Ảnh: Cao Khanh
Thuyết minh của KTS
Bối cảnh xây dựng của công trình là khu đất nằm giữa 2 con hẻm. Hai con hẻm rộng cách nhau chỉ 22m, nhưng lại có chênh lệch độ cao đến hơn 14m. Cạnh trên khu đất thấp hơn mặt đường bình quân 3m, cạnh dưới khu đất lại cao hơn mặt đường khoảng 4m.
Phải thừa nhận là khu vực trung tâm Đà Lạt và vùng lân cận hiện đã có quá nhiều nhà mọc lên và đa số là nhà xấu. Để tìm kiếm hướng nhìn tốt nhất cho các phòng trong nhà về phía núi đồi thiên nhiên là một vấn đề hết sức nan giải… Sau nhiều phương án được cân nhắc, KTS và chủ nhà đã chọn cách bố trí tầng trệt với các phòng sinh hoạt chung và nhà xe xuống thấp hơn mặt hẻm bên trên khoảng hơn 2m. Lối vào chính của nhà cũng bố trí từ phía con hẻm bên trên này với đoạn dốc ngắn nối xuống khoảng sân lát đá có thể chứa tới 4 chiếc xe ô tô.
Mặt bằng nhà được tổ chức với hai cạnh mở tối đa, có các cửa lớn cùng hành lang rộng, nhìn hướng ra sân vườn và cảnh núi đồi phía xa. Hai mặt còn lại áp vào thế đất tự nhiên. Phòng ngủ chính và phòng ngủ cho khách được bố trí ở lầu 1. Hai phòng ngủ dành cho 2 người con đã trưởng thành, cộng với phòng sinh hoạt chung, được bố trí ở tầng “hầm 1”. Sân vườn, theo thế đất dốc, được chia thành nhiều mảnh ở các cao độ khác nhau. Tầng “hầm 1” mở trực tiếp ra khu vườn rộng phía hông nhà với những bậc thang dẫn xuống các phần sân khác bên dưới. Dưới cùng là một sân nhỏ có cánh cổng sắt mở ra đường hẻm.
Chiều cao phần chân đế của nhà quá lớn cũng gây khó khăn không ít cho những nguời thiết kế và thi công. Riêng phần khung chịu lực từ hẻm bên dưới đến sàn tầng hầm 1 đã tương đương căn nhà 3 tầng thông thường. Ngay dưới tầng “hầm 1” là tầng “hầm 2”. “Hầm 2” phải xây bít bùng do quy định xây dựng không cho phép trổ cửa sổ hoặc cửa đi. “Hầm 2” này được sử dụng làm tầng kỹ thuật với bồn chứa nước và hầm xử lý nước thải, không có lối đi từ bên trong nhà. KTS đã xử lý ốp đá bazan có neo móc (đề phòng rơi rớt gây tai nạn) để hoàn thiện mặt ngoài. Các bức tường chắn đất là một thành quả lớn của đơn vị thi công và cũng là hạng mục tiêu tốn nhiều tiền của chủ nhà. Các bức tường này bằng bê tông cốt thép có chiều dày giảm dần từ móng lên trên. Mặt trên cùng của tường dày khoảng 30cm. Mặt ngoài tường hoàn thiện bằng đá và trồng cây leo phủ lên trên. Trong tương lai, mọi người hy vọng cây xanh sẽ đeo bám xanh tốt lên các bức tường đá này để làm dịu bớt hình khối của ngôi nhà.
KTS Hồ Lê Phương