02/06/2020

Nguyên nhân và giải pháp chống dột mái tôn

Để đề phòng mưa bão, gia chủ nên kiểm tra, gia cố lại nhà cửa để tránh rủi ro bị dột, thấm nước vào trong nhà. Đặc biệt với những ngôi nhà lợp mái tôn, việc kiểm tra và khắc phục tình trạng dột nước là rất quan trọng. 

Những nguyên nhân khiến mái tôn bị dột 

Mái tôn bị hư hỏng, xuống cấp sau 1 thời gian sử dụng là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng cũng có những trường hợp, nhà mới xây nhưng phần mái tôn vẫn bị dột nước. Nếu để lâu ngày, tường nhà và đồ nội thất cũng bị ngấm nước, làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của gia chủ.

Sau đây là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng dột nước ở mái tôn:

– Gia chủ lựa chọn phải tôn kém chất lượng.

– Quá trình thi công mái tôn chưa đúng cách.

– Axit ở nước mưa ăn mòn tôn lâu ngày.

– Tôn bị xước, lâu ngày nước mưa ăn mòn vết xước khiến tôn bị thủng.

– Lỗ đinh vít tôn bị hở khiến nước mưa thấm vào bên trong.

– Tôn bị hư hỏng do có vật rơi vào (ví dụ như cành cây lớn,…).

– Tình trạng dột do tràn sóng điểm tiếp giáp nối tôn.

vlxd_org_maiton

Bạn nên vệ sinh, bảo dưỡng tôn định kỳ

Những cách khắc phục tình trạng dột mái tôn

Trước khi tìm cách giải quyết, bạn cần xác định được vị trí dột để có hướng xử lý cụ thể. Trước tiên, bạn vệ sinh mái tôn và quan sát bằng mắt thường để nhận diện vị trí dột. Nếu khó quan sát, bạn có thể phun nước lên mái tôn, quan sát thật kỹ bên dưới mái để xác định vị trí rỉ nước. Sau đó, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây:

Vít chặt lại đinh nối

Với tình trạng dột ở chỗ tiếp giáp, bạn chỉ cần bắt vít chặt lại và thêm keo ở vị trí này là có thể khắc phục.

Thay thế những đinh vít bị rỉ sét, gia cố lại đinh ở vị trí khác 

Khi xác định được tình trạng dột là do đinh vít, bạn cần thay đinh mới. Bạn sử dụng máy bắn vít tháo đinh cũ, sau đó thay thế bằng đinh vít mới. Lưu ý, không nên tháo đồng loạt vì tôn dễ bị xô lệch, khó bắn vít. Để đảm bảo hơn, bạn nên bắn thêm keo silicon phủ lên đinh.

Sử dụng keo hoặc màng chống dột hoặc vá tôn khi tôn bị thủng

Với những lỗ thủng nhỏ, bạn có sử phun keo silicon trực tiếp lên mái để bịt lại. Nhưng với những vết thủng lớn (đường kính chừng 5 – 10 cm), bạn nên sử dụng màng chống dột khổ lớn cùng keo dán lại nhưng cách này chỉ khắc phục được chừng 1 – 2 năm. Nếu muốn dùng lâu dài, bạn nên cắt 1 miếng tôn nhỏ rồi vít lại, phun keo quanh chỗ vá để chống dột.

Lưu ý: tôn cần được vệ sinh sạch trước khi xử lý.

Xử lý vùng tôn bị gãy gây đọng nước 

Tình trạng này là do tôn bị vật nặng rơi vào, gây nên vùng thấp trũng, đọng nước và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của tôn. Bạn có thể xử lý bằng cách dùng đinh vít khoan và sóng nổi ở ngay vị trí bị gãy, sau đó buộc dây vào đinh vít đó, kéo chỗ lõm lên để tôn trở lại hình dạng ban đầu. Bạn dùng thêm 1 đoạn vê để gánh, giúp tôn không bị trũng trở lại.

Xử lý tôn bị dột ở vị trí tiếp giáp giữa 2 nhà 

Ở vị trí này, bạn có thể sử dụng hồ vữa xi măng trát lại để ngăn nước mưa chảy vào khe giữa 2 nhà. Hoặc cắt thêm tôn, bắn vít gia cố giữa 2 tưởng, bôi thêm keo silicon là được.

Sơn lại hoặc dán giấy dầu chống dột cho mái tôn 

Cách này giúp bạn tăng thêm tuổi thọ của toàn bộ mái tôn. Trước hết, bạn vệ sinh sạch bề mặt mái tôn rồi sơn nhiều lớp sơn phủ chống rỉ sét lên. Hoặc bạn có thể dán giấy dầu chống dột cho mái tôn. Như vậy, việc axit nước mưa ăn mòn tôn cũng sẽ được hạn chế.

Trên đây là 1 số cách cơ bản để khắc phục tình trạng mái tôn bị dột. Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn nên kiểm tra và bảo dưỡng mái tôn định kỳ. Nếu phát hiện khu vực tôn có dấu hiệu bất thường, bạn nên xử lý ngay để đảm bảo tuổi thọ của tôn.

Happynest