28/01/2022

Nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp

Bộ Xây dựng cho biết đang nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp, lồng ghép vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trong thời gian tới. Nếu được Quốc hội thông qua, việc này sẽ tạo cơ chế cho phát triển loại hình nhà ở này.

Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) (Bộ Xây dựng) cho biết năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết dự án phát triển BĐS trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công.

Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế được kích hoạt trở lại tại các địa phương trong bối cảnh bình thường mới. Về định hướng thị trường năm 2022, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS phân tích sẽ phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ.

Cùng với đó đổi mới căn bản tư duy, chính sách phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội.

Liên quan đến các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng đề xuất trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đại diện bộ cho biết mục đích của chính sách hỗ trợ hướng tới phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, không phải tập trung vào thị trường BĐS. Do vậy, không phải lo ngại ảnh hưởng đến giá nhà đất. Tuy nhiên, thị trường BĐS luôn phải được kiểm soát để phát triển lành mạnh.

Bên cạnh đó còn có một số giải pháp khác để tránh ảnh hưởng tiêu cực của sốt đất như quản lý chặt tài chính, tín dụng BĐS, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, quản lý việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp BĐS. Điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án BĐS, tránh tập trung đầu tư nhà ở cao cấp. Tăng cường kiểm tra, nhất là công khai nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ thông tin về quy hoạch, dự án BĐS.

Huy Vũ/Pháp luật TPHCM