08/07/2015

Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu và giải pháp kỹ thuật xử lý chống thấm đập bê tông bằng phương pháp phun ép vật liệu gốc xi măng”

Ngày 03/7/2015, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu kết quả của đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu và giải pháp kỹ thuật xử lý chống thấm đập bê tông bằng phương pháp phun ép vật liệu gốc xi măng”, mã số RD118-13 do Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) chủ trì thực hiện. Tiến sĩ Hoàng Quang Nhu – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng chủ trì Hội nghị.

 Báo cáo về kết quả nghiên cứu của đề tài, thay mặt nhóm nghiên cứu – Th.S Hoàng Văn Thịnh cho biết, các công trình đập bê tông thủy lợi, thủy điện ở nước ta ngày càng phát triển cả về số lượng, quy mô và yêu cầu về chất lượng. Mặc dù đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế và thi công, nhưng hầu hết các đập bê tông đều xảy ra tình trạng thấm dột, nhiều công trình có mức độ thấm rất lớn, đòi hỏi công tác xử lý rất phức tạp và tốn kém. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Vật liệu Xây dựng chủ trì thực hiện đề tà i“Nghiên cứu chế tạo vật liệu và giải pháp kỹ thuật xử lý chống thấm đập bê tông bằng phương pháp phun ép vật liệu gốc xi măng”.

Trên cơ sở xi măng PCB 40, phụ gia siêu dẻo thế hệ mới gốc Polycarboxylate (PCX), phụ gia giãn nở Saca-1, phụ gia siêu mịn hoạt tính, nhóm đề tài đã chế tạo ra loại vật liệu bơm ép chống thấm gốc xi măng PMC. Đây là loại vữa xi măng có tính năng kỹ thuật, cường độ cao, độ nhớt thấp, không co ngót và đã được ứng dụng hiệu quả khi bơm ép chống thấm đập bê tông và nhiều công trình ngầm.

Việc ứng dụng PMC theo nguyên lý chống thấm ngược, phun ép chống thấm từ vị trí mà tại đó dòng thấm phát lộ ra. Dòng vật liệu chống thấm được bơm vào sẽ di chuyển ngược với dòng thấp khi áp lực bơm ép thắng được áp lực đẩy của dòng thấm. Trong công nghệ này, nhóm nghiên cứu đã chế tạo các màng lọc và đầu lọc để tách nước, thoát khí, giảm áp, tạo lớp phản áp và làm tăng độ đặc chặt, tăng cường khả năng chống thấm cho kết cấu bê tông.

Bên cạnh những thành công trong việc áp dụng vật liệu chống thấm PMC tại một số công trình trong thực tiễn, nhóm đề tài còn triển khai nghiên cứu thực nghiệm trên mô hình để kiểm tra tính linh động, khả năng di chuyển, độ đặc chặt, cường độ, độ dính kết với cốt liệu của vữa bơm chống thấm, qua đó đánh giá khả năng chống thấm của giải pháp kỹ thuật; kiểm tra tính năng hiệu quả của các bộ lọc tách nước, tạo lớp phản áp; kiểm tra mức độ tách lớp, sự lắng đọng của vật liệu bơm ép theo chiều cao cột áp, tại các góc, cạnh, đường gấp khúc…cũng như kiểm tra quy trình kỹ thuật bơm ép và hiệu quả chống thấm giữa bơm ép chống thống xuôi và ngược dòng.

Từ các nghiên cứu cơ bản và những thử nghiệm trên mô hình và trong thực tế, nhóm đề tài đã đề xuất được quy trình chống thấm đập bê tông bằng phương pháp bơm ép vật liệu gốc xi măng, phù hợp với yêu cầu đặt ra cho đề tài.

Nhận xét về kết quả của đề tài, các chuyên gia phản biện và thành viên của Hội đồng nghiệm thu đều nhất trí tính cần thiết cũng như ý nghĩa thực tiễn của đề tài này. Bên cạnh đó, các chuyên gia của Hội đồng cũng đề nghị nhóm tác giả cần chỉnh sửa một số nội dung trong báo cáo thuyết minh của đề tài, trong đó có những vấn đề về nghiên cứu tổng quan trong nước và thế giới, các thuật ngữ chuyên ngành, các tiêu chuẩn áp dụng cho việc thử nghiệm…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Hoàng Quang Nhu đồng tình với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, và đề nghị nhóm đề tài tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo thuyết minh.

Theo Tiến sĩ Hoàng Quang Nhu, Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài đã được nghiên cứu bài bản, sản phẩm của đề tài là: đã sản xuất được vật liệu hồ bơm gốc xi măng phù hợp cho việc phun ép chống thấm, sáng chế ra các màng lọc và đầu lọc, kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thành công trong thực tiễn tại một số công trình.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua và xếp loại xuất sắc.
Theo Bộ xây dựng