16/07/2015

Ngành xi măng: Cần tăng cường đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao

Ngành Xi măng (XM) Việt Nam đang tiếp tục hiện đại hóa mạnh mẽ để loại bỏ những dây chuyền XM công suất thấp, đầu tư dây chuyền công suất cao, hiện đại với những thiết bị máy móc đạt tiêu chuẩn số 1 thế giới. Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng đặt ra cấp thiết.

Hiện đại hóa ngành XM

Thời gian qua, ngành XM Việt Nam đã có 1 bước tiến dài. Từ nước nhập khẩu XM, Việt Nam đã tự chủ sản xuất, đảm bảo đủ cho tiêu dùng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, còn dư một phần cho xuất khẩu.

Được đánh giá là TOP 5 thế giới (chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ), ngành XM Việt Nam hiện có 74 dây chuyền đang vận hành với tổng công suất thiết kế là 77,36 triệu tấn, công suất huy động 72 – 73 triệu tấn, tỷ lệ khai thác công suất trung bình của cả nước là 96%.

Từ nay đến cuối năm 2015, sẽ có thêm 02 dự án (gồm XM Sông Lam 2 công suất 0,6 triệu tấn/năm; XM Công Thanh 2 công suất 3,6 triệu tấn/năm) đi vào vận hành, nâng tổng số dây chuyền XM cả nước lên con số 76 với tổng công suất thiết kế là 81,56 triệu tấn, công suất huy động đạt khoảng 79 – 80 triệu tấn. Đây cũng được coi là một trong những ngành thu hút đông đảo lực lượng lao động, giải quyết công ăn việc làm cho vài chục nghìn nhân lực.

Không dừng lại ở đó, XM Việt Nam đang tiếp tục hiện đại hóa mạnh mẽ để loại bỏ những dây chuyền XM công suất thấp, đầu tư dây chuyền công suất cao, hiện đại với những thiết bị máy móc đạt tiêu chuẩn số 1 thế giới. Hàng loạt các nhà máy đầu tư xây dựng trong những năm gần đây đều sử dụng máy móc thiết bị nổi tiếng thế giới như dây chuyền 3 của Vicem Hoàng Thạch, Hà Tiên 2, Thăng Long, Hạ Long, Cẩm Phả….

Đi đầu trong ứng dụng công nghệ và xây dựng những nhà máy XM hiện đại là TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Hiện tất cả các nhà máy thuộc Vicem đều được thiết kế sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, tiêu chuẩn Mỹ. Các sản phẩm XM trong nước và xuất khẩu của Vicem như OPC 40, PC 40 đều đạt tiêu chuẩn châu Âu EN 197-1:2000 và C150-09 ASTMTYPEI…

Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực cao

Do nhu cầu phát triển xây dựng đất nước nên ngành XM Việt Nam phát triển mạnh từ những năm 80 của thế kỷ trước cho đến nay. Đây cũng là ngành có tính chất công việc ổn định, thu nhập tốt nên thu hút đông đội ngũ lao động, đóng góp lớn cho an sinh xã hội.

Không bằng lòng với những thành tựu đã đạt được, để phát triển bền vững ngành XM Việt Nam, bắt kịp trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, nâng cao năng suất lao động, đưa ngành công nghiệp này đứng ngang tầm các nước sản xuất XM hàng đầu khu vực và thế giới, ngành XM Việt Nam đang đặt ra yêu cầu bức thiết đó là phải nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật lành nghề, xây dựng đội ngũ kỹ sư tư vấn, thiết kế, nghiên cứu ứng dụng giỏi.

Ngành Xây dựng rất quan tâm đến vấn đề nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực ngành nói chung và ngành XM nói riêng nên có một hệ thống các trường đào tạo, trong đó có trường đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân cho ngành XM. Riêng Vicem cũng có trường đào tạo trực thuộc TCty, hàng năm cung cấp cho ngành XM Việt Nam đông đảo kỹ sư, công nhân tay nghề cao.

Kinh nghiệm các nước cho thấy hiện đại hóa ngành XM cần tỷ lệ kỹ sư cao hơn công nhân, bởi hầu hết các công đoạn sản xuất đều điểu khiển tự động, ít sử dụng lao động trực tiếp. Vì vậy, thời gian tới, ngành XM Việt Nam cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ cơ cấu đào tạo để đáp ứng tốt hơn sự phát triển của ngành trong tương lai.

Theo Xây dựng