26/02/2016

Một số chính sách tốt của ngành xây dựng giai đoạn 2011-2015

Hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng trong những năm qua có sự đóng góp từ các chính sách, hệ thống văn bản pháp lý về xây dựng. Hệ thống này ngày càng được hoàn thiện và củng cố, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của ngành tăng 11,2% trong năm trước, cao nhất trong 5 năm qua.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ của ngành năm 2015. Ảnh: Quang Hưng

1. Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội (thông qua việc miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi…).

Các chính sách ưu đãi này của Nhà nước đã khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện rất nhiều cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo khu vực nông thôn, người thu nhập thấp tại các đô thị. Chính sách này vừa giúp chăm lo được nhà ở cho các đối tượng đang có nhiều khó khăn về nhà ở, vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Nhờ có chính sách này, thời gian qua đã có hàng trăm ngàn hộ gia đình, hàng triệu người nghèo, người thu nhập thấp sớm có điều kiện cải thiện nhà ở. Đồng thời, trong giai đoạn thị trường BĐS “đóng băng” giai đoạn 2011-2012, chính sách này đã thúc đẩy việc điều chỉnh cơ cấu hàng hóa BĐS một cách hợp lý, khắc phục lệch pha cung – cầu, góp phần giúp cho thị trường BĐS hồi phục tích cực.

2. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/1/2013, Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Thông tư số 02/2013/TT-BXD ngày 08/3/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ; Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 và Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/1/2013 và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 của Chính phủ.

Các chính sách, giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở, trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, bao gồm: (1) Cho phép điều chỉnh cơ cấu sản phẩm BĐS nhà ở từ cao cấp, diện tích lớn sang diện tích nhỏ có giá bán thấp (dưới 1,05 tỷ đồng); cho phép chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được hưởng ưu đãi từ đó giảm giá bán nhà ở; (2) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá bán thấp. Cho phép các doanh nghiệp được chậm nộp tiền sử dụng đất, chậm nộp thuế; (3) Hình thành gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng và để cho các doanh nghiệp, hộ gia đình vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; (4) Thực hiện việc rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án phải tạm dừng, các dự án cần phải điều chỉnh lại cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Trước bối cảnh thị trường BĐS rơi vào tình trạng “đóng băng” giai đoạn 2011-2012 với lượng tồn kho BĐS lên tới trên 128.000 tỷ đồng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung, lĩnh vực xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng… nói riêng, việc ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp nói trên đã mang lại hiệu quả rất tích cực, vừa giúp cho thị trường BĐS phục hồi tích cực, vừa giúp cho hàng trăm ngàn người nghèo, người thu nhập thấp sớm được cải thiện nhà ở, cụ thể là: (1) giá BĐS đã ổn định, sát với giá trị thực (có dự án đã giảm tới 30% so với thời kỳ sốt nóng 2009-2010 giúp cho người mua được hưởng lợi); (2) Thanh khoản tăng (lượng giao dịch BĐS thành công năm 2015 tại Hà Nội tăng 1,7 lần, tại TP Hồ Chí Minh tăng 1,8 lần so với năm 2014); (3) Cơ cấu hàng hóa BĐS được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; (4) Tồn kho BĐS liên tục giảm, đến tháng 12/2015 đã giảm hơn 60% so với quý I/2013; (5) Riêng gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng đã giúp cho trên 42.000 hộ gia đình, cá nhân người nghèo, người thu nhập thấp được cải thiện nhà ở; (6) Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, BĐS, vật liệu xây dựng nhờ chính sách này đã thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, các sản phẩm BĐS có giá bán trung bình và thấp, qua đó đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động,… Thị trường BĐS hồi phục cũng đã tác động tích cực đến sự tăng trưởng nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

3. Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản.

Mở rộng đối tượng và nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cũng như việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS đối với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Với quy định cởi mở, thông thoáng chỉ cần người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được mua và sở hữu nhà ở đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm khi vào Việt Nam đầu tư, học tập, làm ăn, sinh sống. Đồng thời giúp tăng cầu cho thị trường BĐS, nhất là phân khúc sản phẩm trung và cao cấp, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển.

Với quy định mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cho phép họ được mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thực sự khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút được nhiều nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm tiến tiến của nước ngoài vào nước ta, đồng thời là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trong hoạt động kinh doanh BĐS.

4. Luật Kinh doanh Bất động sản 2014

Bỏ quy định bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS. Việc bỏ quy định này đã tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, bảo đảm quyền tự chủ của doanh nghiệp trong kinh doanh, giảm bớt được các thủ tục, chi phí không đáng có trong các giao dịch BĐS mà doanh nghiệp và người dân phải chi trả.

Mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư dự án được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai. Việc mở rộng cho phép các chủ đầu tư dự án được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai thay vì chỉ được bán BĐS hình thành trong tương lai như Luật 2006 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho các chủ đầu tư dự án có điều kiện huy động thêm nguồn lực về vốn để đầu tư dự án, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các khách hàng có nhu cầu đăng ký thuê, thuê mua BĐS đang được đầu tư xây dựng để chuẩn bị cho việc đầu tư, sớm tính toán được phương án sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của các tập đoàn nước ngoài lần đầu vào đầu tư, làm ăn tại Việt Nam và các doanh nghiệp có nhu cần thuê, thuê mua nhà xưởng trong các khu công nghiệp.

5. Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 và Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản.

Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh BĐS và quy định rõ các trường hợp không phải thành lập doanh nghiệp, không cần phải có vốn pháp định (thông qua các quy định: doanh nghiệp không phải làm thủ tục xác nhận về mức vốn pháp định, mà cơ quan nhà nước sẽ căn cứ luôn vào số vốn điều lệ của doanh nghiệp để xác định. Đồng thời quy định cụ thể 7 trường hợp bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên không phải thành lập doanh nghiệp, không cần phải có vốn pháp định

Quy định này đã giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khi đăng ký kinh doanh BĐS, cũng như khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS có quy mô nhỏ, không thường xuyên.

6. Thông tư số 15/2013/TT-BXD ngày 26/9/2013 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 09:2013/BXD – Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thúc đẩy các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả và phát triển công trình xanh, tập trung vào nhóm công trình có tổng diện tích sàn xây dựng từ 2.500m2 trở lên khi xây dựng mới hoặc cải tạo lại.

Thông tư 15/2013/TT-BXD và QCVN 09:2013/BXD của Bộ Xây dựng đã đưa ra các yêu cầu phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo lại các công trình có diện tích sàn trên 2500 m2 trở lên về lớp vỏ công trình, vật liệu, kết cấu bao che, hệ thống chiếu sáng, thông gió, điều hòa không khí, hệ thống đun nước nóng, thang máy, bơm nước… nhằm đảm bảo cho công trình sau khi xây dựng, cải tạo đáp ứng yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các chính sách và quy địn này đã hỗ trợ việc phát triển các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công trình xanh theo hướng tiêu thụ ít năng lượng hóa thạch, sử dụng năng lượng tái tạo, tuần hoàn, tái sử dụng nước, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Xu hướng đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành các công trình, dự án phát triển đô thị mới theo hướng tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh đang là hướng đi mới của nhiều chủ đầu tư các công trình xây dựng, các dự án bất động sản, dự án phát triển đô thị. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành xây dựng.

PV (tổng hợp)/Báo Xây dựng