Môi giới bất động sản khó chồng khó
Vốn dĩ đã gặp không ít khó khăn do khan hiếm nguồn cung, giờ lại thêm dịch bệnh Covid-19 (nCoV) bùng phát khiến cho ngành môi giới bất động sản thêm điêu đứng.
Đầy gian nan…
Bén duyên làm môi giới nhà đất từ năm 2015, dù đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của nghề sale bất động sản, nhưng chưa bao giờ anh Thủy, nhân viên môi giới của một sàn bất động sản tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cảm nhận thấy nhiều khó khăn như hiện nay. Tình hình vốn dĩ đã ảm đảm từ nửa cuối năm trước, nhưng chí ít cũng nhận đủ lương, nhưng từ 3 tháng nay, công ty không thể bán được hàng, lương cũng chỉ ba cọc ba đồng.
Anh Thủy cho biết, năm 2019, sàn giao dịch của anh không có dự án mới nào để bán do các dự án bị vướng thủ tục pháp lý. Thậm chí, các dự án chung cư từng bán trước đó cũng vấp phải phản ứng gay gắt của khách hàng vì tiến độ xây dựng chậm, nhiều người mua nhà gây áp lực đòi lại tiền và phạt trả lãi.
“Bí quá, hơn tháng nay ngoài giờ đi gặp khách hàng, tôi phải chạy thêm grab để kiếm thêm thu nhập bù tiền xăng xe, điện thoại. Hy vọng vài tháng nữa, tình hình sẽ khá hơn”, anh Thủy than thở và chia sẻ thêm, nếu không cải thiện, chắc phải bán xe ô tô để trang trải và chuyển sang công việc khác.
Trong khi anh Thủy chỉ gặp khó khăn không có thu nhập, thì với Trần Sơn, chủ một sàn môi giới mới thành lập còn đau đầu hơn.
Vốn dĩ là nhân viên một ngân hàng lớn, có thu nhập tốt, nhưng sau vài năm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng, Sơn muốn thử sức với nghề bất động sản, nên bỏ nghề ngân hàng, ra làm sale bất động sản.
Giai đoạn đầu, nhờ mối quan hệ có sẵn từ thời làm ngân hàng, Sơn cũng tư vấn được cho khá nhiều khách hàng quen mua chung cư, đất nền và tích cóp được một khoản tiền. Với đà thuận lợi ban đầu, Sơn mạnh dạn thành lập sàn, tuyển nhân viên tư vấn, những mong bắt sóng được vào nhiều dự án lớn.
Tuy nhiên, khi đang triển khai bán hàng cho 2 dự án, thì 1 dự án chủ đầu tư bất ngờ tuyên bố ngừng bán, sang tên đổi chủ, 1 dự án thì chủ đầu tư cạn vốn, không triển khai hoàn thiện tiếp được thủ tục đầu tư.
Để được làm đại lý cấp 1, Sơn phải cầm cố ngôi nhà ở quê để vay tiền đặt cọc cho chủ đầu tư và trang trải chi phí văn phòng, nhân viên. Thế nhưng, việc các dự án gặp vấn đề khiến Sơn bị mắc kẹt, quay cuồng trong việc vừa trả nợ ngân hàng, vừa trả tiền lương cho nhân viên và chi phí thuê mặt bằng.
“Chẳng biết làm thế nào bây giờ, chắc em phải bán nhà rồi ở ẩn vài năm, chứ thế này chắc phá sản mất”, Sơn than thở.
Trường hợp của anh Thủy hay Sơn dù không phải là đại diện cho tất cả những người làm trong lĩnh vực môi giới bất động sản, nhưng đó là những trường hợp không hiếm trên thị trường hiện nay.
“Cơn bĩ cực” là cụm từ mà rất nhiều môi giới, lãnh đạo sàn môi giới phải thừa nhận về tình hình thị trường hiện nay.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong năm 2019, có nhiều doanh nghiệp bất động sản phải dừng hoạt động, nhất là đơn vị môi giới vì không có nguồn hàng. Nhiều nhân viên môi giới bất động sản phải chuyển nghề vì không có hàng bán, không có thu nhập. Ngay cả những đơn vị phân phối lớn có uy tín, một thời gian dài cũng không có dự án để bán, trong khi phải nuôi hàng chục, hàng trăm nhân viên. Riêng chi phí lương cơ bản mỗi tháng đã lên tới hàng trăm tới cả tỷ đồng, khiến áp lực ngày càng lớn.
“Nhân viên đã gắn bó với mình bao năm, nay khó khăn mình không nỡ sa thải, nhưng gánh gồng chi phí mãi cũng khó, nên hễ ai xin nghỉ là tôi thấy nhẹ nhõm vô cùng”, tổng giám đốc một sàn môi giới nói và cho biết, không chỉ mua bán nhà đất gặp khó, mà hoạt động cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng sụt giảm trầm trọng. Đặc biệt, từ sau khi Nghị định 100/2019 tăng nặng xử phạt người uống rượu, bia tham gia giao thông khiến hàng quán ế ẩm, nhiều nơi dù chưa hết hạn hợp đồng, nhưng người thuê vẫn thông báo trả mặt bằng.
Nhưng cơ hội vẫn có
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2020 tiếp tục là một năm nhiều thách thức với thị trường bất động sản, do vấn đề chậm cấp phép chưa thể được giải quyết, trong khi tín dụng vào bất động sản tiếp tục thắt chặt. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn đó nhiều cơ hội cho những nhà môi giới chuyên nghiệp, uy tín.
Ông Đính cho biết, nghề môi giới bất động sản gắn liền với tính minh bạch của thị trường, do đó yêu cầu dành cho các chuyên viên tư vấn được đặt ra rất cao về kiến thức, chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.
Cũng theo ông Đính, với những đặc thù của một sản phẩm bất động sản là giá trị lớn, vòng đời sản phẩm dài, nghề môi giới hiện nay không chỉ chốt giao dịch là xong, mà cần mang lại lợi ích cho khách hàng và cam kết những giá trị bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, một số nhà môi giới tại Việt Nam có dấu hiệu “thờ ơ” và bỏ qua những quy định của pháp luật khi hành nghề. Tình trạng một số môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề vẫn tham gia thị trường tạo ra nhiều hệ lụy bất cập.
“Với nhu cầu mua nhà ở và đầu tư vẫn rất lớn, việc cần thiết của môi giới là buộc phải nâng chuẩn mực nghề của mình, có chiến lược tư vấn dài hơi hơn. Bản thân những người sống trong nghề, trân trọng nghề nghiệp như chúng tôi sẽ luôn muốn xã hội nhìn nhận đúng về nghề này, đề cao những giá trị nghề nghiệp mà chúng tôi đã và đang mang lại cho khách hàng, đối tác”, ông Đính chia sẻ.
Đồng quan điểm, theo ông Trần Minh, chuyên gia bất động sản, đã làm môi giới thì hãy là một nhà môi giới chuyên nghiệp. Dù hiện nay có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng thị trường vẫn còn đó nhiều cơ hội lớn cho những nhà môi giới chuyên nghiệp, uy tín.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn hiện nay đã và đang ngày càng khẳng định sự khác biệt rất rõ ràng giữa những môi giới không chuyên và những chuyên viên tư vấn được khách hàng đánh giá cao. Trong đó, một số đơn vị đã thừa nhận vai trò của tư vấn song song với sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp mình bằng cách tạo ra “sân chơi” và những phần thưởng xứng đáng cho đội ngũ kinh doanh của mình.