28/06/2021

Mở rộng TP Huế: Phát triển gắn với bảo tồn đô ​thị​ di sản

Từ ngày 1-7, diện tích của TP Huế từ 70,6 km2 tăng lên 265,9 km2, dân số từ 354.000 người tăng lên hơn 652.000 người.

Ngày 25-6, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội nghị công bố, bàn giao và triển khai thực hiện Nghị quyết 1264/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế.

Tại đây các huyện, thị xã đã ký các biên bản bàn giao các nội dung của nghị quyết cho TP Huế. Việc bàn giao này chính thức có hiệu lực vào ngày 1-7 và TP Huế từ diện tích 70,6 km2 tăng lên 265,9 km2, dân số từ 354.000 người tăng lên hơn 652.000 người.

Một đô thị xứng tầm

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết việc triển khai nhiệm vụ Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, một trong những nội dung quan trọng là mở rộng, đổi mới để TP Huế trở thành một đô thị trung tâm trong tương lai.

Việc mở rộng này vừa đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa đáp ứng với nhu cầu đô thị xứng tầm và đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống, kinh tế của nhân dân không chỉ riêng TP Huế và cả tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Xã Hải Dương, thị xã Hương Trà được sáp nhập vào TP Huế từ ngày 1-7.
Ảnh: ND

Theo ông Thọ, quá trình thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính TP Huế, tỉnh đã lập các đoàn công tác để hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện chuyển đổi.

Ông Thọ cũng yêu cầu các đơn vị trong quá trình thực hiện không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của từng đơn vị hành chính cấp huyện, xã; không gián đoạn giữa đơn vị hành chính cũ và mới; không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức và nhân dân.

Bên cạnh đó, khi mở rộng, không gian đô thị Huế không chỉ có di sản hiện có mà còn trở thành đô thị có đủ địa hình đồng bằng, biển, đầm phá và cả vùng núi, có đầy đủ tất cả lợi thế để phát triển. Việc này cũng đã làm hàng chục ngàn người dân ở nông thôn của các huyện, thị trở thành cư dân của TP.

Phần lõi của TP sẽ phải giữ những giá trị văn hóa di sản. Những di sản ở những địa phương mới nhập vào chúng ta phải tăng cường bảo tồn tạo ra những kết nối giữa các di sản để khi nhìn vào tổng thể TP vẫn là một đô thị di sản. Đồng thời tạo ra những không gian hoạt động nghiên cứu, quy tụ lực lượng trí thức để hướng đến sự phát triển công nghệ cao.

Huế đẹp là nhờ những làng mạc xung quanh TP, nếu không chú ý mà biến cả khu vực này thành đô thị như nhau thì sẽ phá vỡ cái đẹp đó, có những cái văn hóa của kinh đô nhưng có những cái là văn hóa của làng mạc. Đó cũng là một cái đặt ra bài toán quy hoạch.

Ông PHAN THIÊN ĐỊNHBí thư Thành ủy TP Huế

Thiếu tá Lê Quang Huy, Trưởng Công an xã Hương Vinh, cho biết toàn xã có diện tích 7,14 km2 với tám thôn được sáp nhập vào TP Huế. Những ngày qua, lực lượng công an xã đã tập trung rà soát lại địa bàn, nắm kỹ từng hộ dân, từng nhân khẩu trên địa bàn.

“Khi biết thông tin xã sắp lên TP, người dân rất phấn khởi và hồi hộp. Trong khi đó, cán bộ xã cũng đã có sự chuẩn bị, trang bị thêm kiến thức công nghệ thông tin để khi lên TP Huế sẽ làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn” – Thiếu tá Huy nói.

Những ngày này về thị trấn biển Thuận An (huyện Phú Vang), đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về việc sắp trở thành công dân TP. Bà Huỳnh Thị Sương (47 tuổi) nói: “Làng chài nơi tôi đang sống nằm cạnh bãi biển Thuận An không ngờ chỉ còn vài ngày nữa đã lên phố. Người dân luôn nguyện sẽ cố gắng, nỗ lực làm ăn để đời sống ngày càng đi lên. Lên TP chúng tôi mong muốn được Nhà nước đầu tư tốt hơn về cơ sở hạ tầng để phát triển như đúng kỳ vọng của chính quyền, người dân ở đây”.

Phát triển gắn với bảo tồn đô thị di sản

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng việc mở rộng TP Huế là tất yếu, thậm chí là phải diễn ra sớm hơn.

“Thực ra thời kỳ trước TP Huế đã có 44 phường, xã, đất đai còn rộng hơn bây giờ. Nhiều nơi tôi nghĩ họ là cư dân TP từ năm 1977 cho đến khi tái lập tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Lần mở rộng này là chuyển dịch địa giới hành chính phù hợp với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế, trong đó có nội dung quan trọng là đưa Thừa Thiên-Huế lên TP trực thuộc trung ương” – ông Hoa nói.

Phố cổ Bao Vinh thuộc xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà) sẽ được sáp nhập vào TP Huế. Ảnh: ND

Theo ông Hoa, cần phải nhìn nhận đô thị di sản Huế không chỉ là di tích cố đô, gắn với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đa dạng trên địa bàn, mà đây là một kinh đô lịch sử sống động, một thành tựu của nền kiến trúc cảnh quan Việt Nam. Đô thị di sản với mật độ các công trình kiến trúc và danh thắng chiếm hầu hết vị trí đắc địa, đã không còn chỗ cho các ý tưởng đầu tư bất động sản trong lòng một TP Huế nhỏ nhoi, quy mô chỉ 70,99 km2.

Bên cạnh đó, nhiều khu vực là một thành tố của đô thị di sản Huế lại ngủ quên trong khung cảnh hoang vắng của các huyện (gần đây mới chuyển thành thị xã). Không gian phát triển đô thị mới của tỉnh chưa có điều kiện gắn kết với không gian đô thị di sản truyền thống, chưa hình thành nổi khu vực đô thị mới năng động hòa hợp với đô thị di sản.

“Vì vậy đã nhiều năm trước đây, TP Huế không thể thu hút nổi những dự án đầu tư bất động sản có quy mô lớn; trong lúc khu vực các đô thị mới manh nha chưa gắn kết được với đô thị trung tâm như một tổng thể để hấp dẫn nhà đầu tư” – ông Hoa nói.

Theo ông Hoa, mở rộng TP nhưng khu vực không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị di sản cần được bảo vệ và quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt các hình thái kiến trúc, cảnh quan. Tập trung quy hoạch lại các vùng dân cư, giải tỏa các khu vực xâm lấn di tích; làm sống lại không gian sinh hoạt, không gian văn hóa của cố đô; tạo ra các sản phẩm, các dịch vụ tạo nguồn thu cho người dân và tăng giá trị kinh tế của vùng di sản.

Ngoài ra, khu vực không gian cảnh quan đặc biệt của Huế dọc hai bờ sông Hương, ít nhất từ khu vực lăng Gia Long về cửa biển Thuận An phải thực hiện quản lý không gian cây xanh, công viên, mặt nước và hệ thống công trình kiến trúc cảnh quan hai bên bờ.

Ông Hoa cũng cho rằng ngoài trục giao thông, đồng thời là trục phát triển kết nối đô thị di sản Huế với các đô thị động lực của các huyện, thị xã, tỉnh nên mạnh dạn đầu tư mở trục phát triển mới theo hướng đông – tây, kết nối Huế – Thuận An và tuyến giao thông ven biển, ven đầm phá.

Đồng thời, nó mở ra không gian kiến trúc cảnh quan của một vùng đô thị mới, góp phần bồi đắp làm sang trọng thêm vẻ đẹp của di sản cảnh quan vùng biển và đầm phá Tam Giang nhiều tiềm năng, lâu nay chưa được đánh thức để đô thị Huế có thêm hướng phát triển ra biển Đông.

Nhiều lần mở rộng TP Huế

Theo TS Nguyễn Quang Trung Tiến, Khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế, năm 1975, đô thị Huế là TP tỉnh lỵ tỉnh Thừa Thiên. Khi tỉnh Bình – Trị – Thiên được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình vào tháng 5-1976, đô thị Huế thành TP cấp 2. Quá trình sáp nhập vùng ven vào đô thị Huế trong giai đoạn này diễn ra liên tục, dẫn đến sự thay đổi nhiều lần về địa giới hành chính.

Giữa năm 1976, bốn xã gồm Thủy Phước, Thủy Trường, Thủy Xuân, Thủy Phú (huyện Hương Thủy) được tách ra để sáp nhập vào TP Huế. Tháng 7-1976, xã Hương Lưu (huyện Phú Vang), xã Xuân Long (huyện Hương Trà) được sáp nhập vào TP Huế. Lúc này TP Huế có 11 phường và sáu xã.

Từ tháng 9-1981, thêm tám xã và năm thôn thuộc huyện Hương Điền, chín xã và năm thôn thuộc huyện Hương Phú được sáp nhập vào TP Huế. Huế lúc này có 10 phường và 24 xã. Đến ngày 6-1-1983, đơn vị hành chính đô thị Huế lại thay đổi bằng việc tách một số đơn vị cấp xã chia thành phường mới, TP Huế lúc này có 18 phường, 22 xã.

Năm 1989, tỉnh Bình – Trị – Thiên được chia thành ba tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình thì địa giới hành chính TP Huế một lần nữa được thay đổi. TP Huế có tám xã chuyển về huyện Hương Phú, chín xã chuyển về huyện Hương Điền. Phần lớn các xã sáp nhập vào TP Huế từ năm 1981 được tách trở lại các huyện cũ.

Nguyễn Do/Pháp luật TPHCM