07/12/2016

Miêu Nha – Điểm nhấn của Thủ đô trong tương lai

Với hình thức kiến trúc xanh, hiện đại và không gian quảng trường cùng với các công trình cao tầng được kết hợp hài hòa với các công trình thấp tầng tạo không gian sinh động cho khu vực, Miêu Nha được coi là điểm nhấn thú vị của quận Nam Từ Liêm nói riêng của Thủ đô Hà Nội nói chung trong tương lai không xa.


Phối cảnh quy hoạch chi tiết khu vực Miêu Nha.

Theo quy hoạch, khu vực Miêu Nha thuộc địa giới hành chính phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), là một điểm nhấn mang phong cách kiến trúc xanh, hiện đại và không gian quảng trường cùng với các công trình cao tầng được kết hợp hài hòa với các công trình thấp tầng tạo không gian sinh động cho khu vực.

Bố cục không gian kiến trúc cảnh quan được chú trọng hàng đầu, các khu vực xây dựng mới là các công trình nhà trẻ, công cộng, nhà ở cao tầng và thấp tầng, các công trình cơ quan, trụ sở làm việc. Công trình cơ quan, trụ sở được bố trí nằm sát đường quy hoạch, có mặt cắt ngang B=20m, cao từ 3-5 tầng. Trong khu vực được bố trí nhà trẻ, mẫu giáo cao 3 tầng đảm bảo bán kính phục vụ khu vực.

Công trình công cộng đơn vị ở với chiều cao 3-7 tầng được xác định tại các vị trí ngã 3 giáp hai tuyến đường quy hoạch B=20m và B=30m, là không gian dẫn hướng đi vào khu vực công viên cây xanh ven sông Cầu Ngà và trục nhấn công trình nhằm tạo bộ mặt kiến trúc xanh, hiện đại cho tuyến đường và khu vực. Các công trình nhà ở cao tầng được bố trí dọc theo tuyến đường có mặt cắt ngang B=30m và B=40m với chiều cao từ 9-19 tầng, được tổ chức thấp dần về cụm công trình điểm nhấn cao 19 tầng, có hình thức kiến trúc hiện đại và không gian quảng trường là điểm kết của trục cảnh quan đón hướng từ đường vành đai 3,5. Các công trình cao tầng được kết hợp hài hòa với công trình thấp tầng tạo không gian sinh động cho khu vực.

Công trình nhà ở thấp tầng có hình thức đa dạng, hình thức kiến trúc chủ đạo, ánh sáng, vật liệu hoàn thiện, màu sắc công trình phù hợp và hài hòa. Thống nhất hàng rào có kiến trúc nhẹ, không bịt kín, cao độ và chiều cao các tầng nhà đảm bảo đồng đều trên mặt đứng các dãy nhà, tuyến phố. Độ vươn của mái đón, mái hè phố, bậc thềm, ban công, ô văng và các chi tiết kiến trúc có mối tương quan với các công trình lân cận. Các nhà ở cao tầng có hình thức kiến trúc hiện đại, thống nhất về phong cách, có khoảng lùi từ 6-10m hoặc 10-20m tùy ô đất để tạo không gian mở, tổ chức quảng trường kết hợp cây xanh tạo điểm nhấn cho trục đường và khu vực.

Quy chuẩn về cổng ra vào, biển hiệu, biển quảng cáo trong các dãy nhà cũng cần có mối tương quan về kích thước và hình thức. Hệ thống cây xanh được bố trí phân tán để tạo cảnh quan cho nhóm nhà ở cao tầng, thấp tầng và các công trình công cộng, trường học. Trong khu vực nhà ở thấp tầng tổ chức thành mạng lưới các dải cây xanh gắn kết với nhau và liên kết với hệ thống cây xanh khu vực.

Các khu cây xanh tập trung được bố trí sân vườn cảnh quan, không gian vui chơi, nghỉ ngơi, tiện ích cộng đồng tạo môi trường sống chất lượng cao cho người dân đô thị. Trong khu vực có sông Cầu Ngà chảy qua, được kết hợp hài hòa với hệ thống khu cây xanh hai bên bờ sông và cây xanh, vườn hoa trong các công trình tạo nên 1 không gian kiến trúc xanh gắn kết, cải tạo điều kiện vệ sinh môi trường cho khu vực.

Bố cục cây xanh vườn hoa, cây xanh đường phố hợp lý, kích thước chỗ trồng cây được quy định khá cụ thể, cây hàng trên hè, lỗ để trống lát hình tròn đường kính tối thiểu 1,2m, hình vuông tối thiểu 1,2 x 2m. Chủng loại cây và hình thái lỗ trống phải đồng nhất trên tuyến đường, hình thành hệ thống cây xanh liên tục và hoàn chỉnh. Không trồng quá nhiều cây trên 1 tuyến phố.

Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại văn minh như công nghệ không dây để hạn chế các đường dây, đường ống ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Hà Đào/Báo Xây dựng