15/02/2017

Mật độ và sức sống đô thị Hà Nội: Sức sống mới phá vỡ quy hoạch

Mỗi khu vực của Hà Nội, trước thì theo địa hình, địa mạo hoặc thuận tiện giao thông, thuận bề sinh sống, sau này bài bản thì tùy theo sự phân bổ, hoạch định chức năng trong cấu trúc, quy hoạch tổng thể chung mà có mật độ và sức sống khác nhau. Và cũng theo đó mà mối liên quan giữa mật độ và sức sống cũng khác.


Có những khu vực mật độ xây dựng cao, chất lượng cuộc sống, tiện ích đô thị, nhà cửa chưa hẳn đã đáp ứng tốt cho điều kiện sống nhưng lại có sức sống mãnh liệt, buôn bán, tấp nập tạo ra kinh tế sung túc như trong Khu phố cổ hoặc trên các tuyến phố thương mại, tuyến phố chính Hà Nội. Vì vậy mà giá trị đất cũng ở mức cao – đắt nhất.

Tuy nhiên, khu phố cũ liền kề với khu phố cổ được xây dựng theo quy hoạch bài bản, với mục tiêu kiến tạo nên một đô thị “thành phố vườn”, hệ thống giao thông ô bàn cờ mạch lạc, đồng bộ các chức năng, mật độ xây dựng công trình vừa phải, trong đó các công trình nhà ở quy mô thấp tầng (biệt thự, nhà ở hàng phố…) được sắp xếp trong tổng thể cảnh quan cây xanh mặt nước… lại vẫn có sức sống mãnh liệt, giá trị đất và chất lượng sống cao nhất.

Vậy lý do gì góp phần tạo nên sức sống của đô thị, của khu vực?

Đó trước hết phải là yếu tố địa điểm, tạo nên vị thế khu vực. Chất lượng đất tốt cho xây dựng và vị trí thuận tiện giao thông, kết nối đồng bộ với các chức năng hoạt động, dịch vụ tiện ích chất lượng cao trong phạm vi, khoảng cách ngắn nhất. Và chắc chắn, khu vực trung tâm của đô thị thường bao giờ cũng có mật độ cao nhất (kể cả dân cư và xây dựng) vì thuận lợi, dễ có điều kiện để tạo nên sức sống mãnh liệt. Dân gian có câu “nhất cận thị, nhị cận giang” cũng là đã nêu lên những tiêu chí khi lựa chọn vị trí xây dựng công trình tại khu vực tập trung đông đúc, hanh thông buôn bán và thuận lợi giao thông, dễ dàng tiếp cận.

Với quy hoạch thời kinh tế tập trung, việc xác định chủ thể, chủ đề, cấp độ chức năng cũng tạo nên sức hấp dẫn trong việc đầu tư xây dựng của cả khu vực như các khu vực xung quanh trung tâm mới, khu các trường đại học, khu nhà máy sản xuất, bệnh viện lớn… tạo nên các dịch vụ tiện ích “ăn theo” như nhà ở cho sinh viên, công nhân, cán bộ, các dịch vụ khám chữa bệnh, hiệu thuốc, dịch vụ ăn uống…

Từ khi đất nước thực hiện chính sách đổi mới, đặc biệt từ khi có chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, nhiều công trình cao tầng, khu đô thị mới xuất hiện và được xây dựng với mật độ tưởng như đậm đặc nhưng đã đem lại diện mạo, Sức sống mới, thậm chí mãnh liệt. Biểu hiện lớn nhất của sức sống là giá trị mét vuông sàn ở các khu vực này đều ở mức “ngất ngưởng”, kể cả nhà cao hay thấp tầng.

Việc xây dựng cao tầng thì là điều dễ hiểu và là yếu tố tất yếu của đô thị phát triển với tốc độ đô thị hóa cao và quỹ đất hạn chế, nhất là trước thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính tháng 8/2008 với chỉ vỏn vẹn 921km2. Với tính đặc thù là Thủ đô, trung tâm chính trị kinh tế văn hóa… của cả nước thì sự hấp dẫn về điều kiện sinh sống, làm việc lại thu hút dân số vào Hà Nội sinh sống và làm việc ngày càng gia tăng và giá trị đất càng được đẩy lên cao gấp bội.

KTS Nguyễn Phú Đức/Báo Xây dựng