29/08/2019

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng: Đảm bảo tính thống nhất, phù hợp thực tiễn

Đây là vấn đề tiên quyết được đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội đất nước nói chung cũng như phân cấp quản lý của ngành Xây dựng nói riêng. Kể từ khi được thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2015, Luật Xây dựng 2014 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp thực tiễn. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo dòng chảy phát triển của đất nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng đã có một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp thực tiễn.

Góp phần quan trọng trong quản lý nhà nước về xây dựng

Luật Xây dựng 2014 góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng

Luật Xây dựng 2014 góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng

Thực tế này được xác định rõ kể từ khi Luật Xây dựng 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Luật đã có nhiều nội dung đổi mới quan trọng về quản lý đầu tư xây dựng, cụ thể: Quy định rõ nội dung quản lý đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác nhau; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng; Đổi mới mô hình quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp hóa…

Sau khi Luật được thông qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện thi hành Luật, các Bộ, ngành cơ quan Trung ương, chính quyền các cấp và các chủ thể liên quan khác đã chủ động, khẩn trương triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành, phổ biến Luật Xây dựng 2014, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của Luật và đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể là: Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng đã được nâng cao hơn, các hoạt động xây dựng ngày càng đi vào trật tự, nền nếp, bảo đảm và nâng cao chất lượng công trình xây dựng và hiệu quả đầu tư xây dựng, góp phần tạo lập thị trường xây dựng ngày càng công khai, minh bạch.

Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng đã cơ bản bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng, cơ bản thể chế hóa kịp thời định hướng, chỉ đạo, chủ trương, chính sách… của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tế; quy định rõ nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước; trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật có liên quan, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn; đã thể hiện phân cấp mạnh hơn, làm rõ hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành và các chủ thể…

Đã đến lúc cần được sửa đổi Luật

Quá trình triển khai thực hiện Luật cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xây dựng 2014 còn bộc lộ nhiều bất cập,hạn chế cần thiết phải được sửa đổi. Trao đổi với PV Báo Xây dựng, bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết, Luật Xây dựng năm 2014 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn. Việc ban hành Luật Xây dựng 2014 và kết quả triển khai thi hành Luật đã có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay đã có một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật. Cụ thể: Yêu cầu phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xây dựng 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Luật.

Cùng với đó, sau khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: Luật Quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch; Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14; Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14; các Luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai… Do vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng đưa quan điểm: HoREA nhận thấy Luật Xây dựng về tổng thể đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội và phát triển thị trường BĐS, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, nhà ở. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Xây dựng đã bộc lộ một số chế định không còn phù hợp hoặc cần được xây dựng mới, nên rất cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Hiệp hội nhận thấy các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Trên cơ sở đó, Hiệp hội nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, như: Quy định hiện nay về thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng; các trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng; về điều kiện khởi công xây dựng công trình dự án nhà ở thương mại…

Kỳ vọng lớn

Chia sẻ về những điểm mới của dự án Luật, ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, với nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi, DN và người dân mang kỳ vọng rất nhiều vào việc sửa đổi luật lần này.

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và DN…

Luật Sửa đổi sẽ phân tách trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; phân tách trách nhiệm thẩm định của chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong thẩm định thiết kế xây dựng; đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng tích hợp việc thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng.

Theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, phạm vi sửa đổi, bổ sung gồm 3 nhóm: Nhóm chính sách 1 “Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng”; Nhóm chính sách 2 “Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng”; Nhóm chính sách 3 “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan”.

Tại Tờ trình Chính phủ về dự án Luật, những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014, trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 5 về xác định loại, cấp công trình xây dựng, Điều 49 về phân loại dự án theo hướng phân biệt công trình và dự án; làm rõ các tiêu chí phân loại dự án để xác định các phương thức quản lý phù hợp và phân cấp quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng…

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7; khoản 2 Điều 9; Điều 25…; Sửa đổi, bổ sung nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại các Điều 54, 56, 57, 58, 59, 60, 61, 71, 72… Phân tách trách nhiệm thẩm định để phê duyệt dự án của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và trách nhiệm kiểm soát các vấn đề thuộc quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn về xây dựng bao gồm kiểm soát phù hợp quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp giấy phép xây dựng tại các Điều: 89, 91, 94, 95, 96, 102, 103, 106, 107 theo hướng: rà soát đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng cho phù hợp với việc tích hợp; mở rộng đối tượng công trình được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng…

Có thể nói, dự án Luật Sửa đổi đã mang tính tập trung những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, các chuyên gia cũng kỳ vọng, dự án Luật sửa đổi sau khi được thông qua sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào quá trình hội nhập, phát triển kinh tế xã hội của đất nước; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Kim Thoa – Thân Nam