29/05/2018

Lựa chọn đầu tư an toàn trong cơn “sốt” đất

Giá đất nền tăng cao tại các đô thị đang phát triển có các công trình hạ tầng đồng bộ; các khu vực đã hình thành hoặc có quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng…

Mối lo ngại về những hệ lụy của hiện tượng “sốt” đất đang trở nên rõ nét. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, đằng sau sự sôi động đến chóng mặt vẫn có những phương thức để lựa chọn đầu tư an toàn nhất có thể.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, không chỉ có 3 địa phương được quy hoạch thành đặc khu, tình hình giao dịch đất đai ven TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh khác như Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Đà Nẵng, TP Nha Trang – Khánh Hòa… cũng diễn ra sôi động.

Chiêu trò tạo cơn “sốt” đất

Phân tích về thực trạng này, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, phương thức đẩy giá đất tăng cao thường diễn ra như sau: khởi nguồn do một nhóm các nhà đầu tư ở Hà Nội, TPHCM có tiềm lực tài chính mạnh đến các khu vực có quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, khu kinh tế, khu công nghiệp… để  tạo ra thị trường bằng cách mua một số lô đất với giá thấp lúc thị trường chưa sôi động.

Một thời gian sau, nhóm này tìm cách mua tiếp các lô đất gần đó hoặc mua đi bán lại chính các ô đất đã mua trước đó với giá cao hơn rất nhiều so với giá mua, đồng thời tung tin thị trường khu vực đã bắt đầu sốt để lôi kéo các nhà đầu tư khác.

Lợi dụng tâm lý đầu tư theo hiệu ứng “đám đông”, nhiều nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào mua đất chờ lên giá kiếm lời, nhóm này đã tạo lên những cơn sốt ảo đẩy giá lên cao để trục lợi.

Một thời gian sau nhóm này sẽ rút đi, tạo làn sóng bán ra ồ ạt và hệ quả là nhiều nhà đầu tư sau mua đất với giá cao của nhà đầu tư trước phải bán đi để cắt lỗ, nhiều nhà đầu tư không bán kịp sẽ bị mắc kẹt.

Hậu quả để lại cho thị trường rất nặng nề, người có nhu cầu thực không thể có đủ tiền để mua do giá đất bị đẩy lên cao, người đầu cơ không có nhu cầu ở nhưng lại không bán được, vì nếu bán thì lỗ nặng.

Tuy nhiên, theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, mức tăng giá trong thời gian vừa qua có rất nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, trong đó có sự đẩy giá của các thành phần môi giới. Còn ở góc độ người tiêu dùng thì nhu cầu ở thật cũng rất lớn.

“Bên cạnh việc tác động từ các vụ cháy chung cư khiến nhiều người dịch chuyển đầu tư sang nhà gắn liền với đất, và nhà đất đang trở thành một loại hình “của để dành” đáng giá, bên cạnh vàng và tiết kiệm ngân hàng”, ông Khương nói.

Người mua cẩn trọng trước những tin đồn

Trước thực trạng này, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tư vấn, Savills TPHCM khuyến cáo, các nhà đầu tư có thể cân nhắc, lựa chọn những khu vực có vị trí và quy hoạch tốt, pháp lý rõ ràng, tránh mua theo tâm lý đám đông hoặc tin đồn để tránh sự trục lợi từ các đối tượng đầu cơ.

Không nên ưu tiên lợi nhuận, xem nhẹ giá bán và tính pháp lý dẫn đến rủi ro cao. Đòn bẩy tài chính không nên sử dụng trong lúc thị trường đang tăng giá, hoặc chỉ nên hạn chế ở mức thấp nhất.

Đối với người mua để ở, lựa chọn kỹ lưỡng về vị trí, sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tính pháp lý đảm bảo. Nếu không có nhu cầu sử dụng ngay, có thể trì hoãn để quan sát, thăm dò, định giá, tìm chuyên gia tư vấn pháp lý, sau đó mới đưa ra quyết định.

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng cho biết đã có văn bản gửi các thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền.

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thổi giá, tạo nên các giao dịch ảo để kiếm lời; chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường bất động sản; kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển hạ tầng và đô thị, định hướng, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương để minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ tăng giá bất động sản…

Phan Nam/Vneconomy