03/11/2020

Loay hoay với phí bảo trì chung cư

Sở Xây dựng TP HCM vừa có báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến phí bảo trì chung cư 2%.

Chung cư (CC) Tân Mỹ (quận 7) đưa vào hoạt động chưa đến 10 năm nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Có mặt tại khu A, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy ông Nguyễn Xuân Dậu gồng mình vác bao xi-măng đi cầu thang bộ. Ông Dậu cho biết phải mất 30 phút vừa di chuyển vừa dừng nghỉ mới lên tới căn hộ của ông ở tầng 11.

Không tiền bảo trì, cư dân tự xoay xở

Tại khu A hiện nay 2 thang máy hỏng, 2 thang còn lại hoạt động lúc được lúc không. Thang máy ở các khu còn lại của tòa CC mỗi lần di chuyển xuống là rung lên như xe máy chạy qua ổ gà, có khi bấm tầng này thang lại dừng tầng khác. Từ năm 2015 đến nay đã có ít nhất 4 lần bị rớt thang và có trường hợp gãy chân.

Ngoài thang máy, CC có nhiều hạng mục xuống cấp, công ty vận hành rất sốt ruột và báo giá việc bảo trì, sửa chữa lại tòa nhà. Thế nhưng, chủ đầu tư (CĐT) là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8 không bàn giao quỹ bảo trì CC với số tiền hơn 4,7 tỉ đồng. CC hư hỏng triền miên không tìm ra nguồn kinh phí để sửa chữa. Nếu yêu cầu cư dân đóng góp thì mỗi hộ phải mất vài chục triệu đồng.

Chung cư Tân Mỹ (quận 7, TP HCM) không có phí bảo trì khiến thang máy hư hỏng liên tục, cư dân phải đi thang bộ

Chung cư Tân Mỹ (quận 7, TP HCM) không có phí bảo trì khiến thang máy hư hỏng liên tục, cư dân phải đi thang bộ

Tương tự, tại CC An Lạc (quận Bình Tân) từng bị Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện ban quản trị (BQT) giai đoạn 2011-2016 sử dụng và kê sai phí bảo trì CC 2%. Đến khi cư dân phản ánh, lực lượng chức năng vào cuộc thì số tiền chỉ còn vài chục triệu đồng. Trong khi đó, thang máy, thiết bị đường ống dẫn nước, vách tường bị thấm… cần phải có chi phí trùng tu. Để cuộc sống không bị xáo trộn, cư dân phải tự gom góp tiền để chung tay sửa chữa.

CC Ngô Gia Tự (quận 10) xây dựng trước năm 1975 nên xuống cấp nghiêm trọng. Do CC không có phí bảo trì, mỗi khi muốn sửa chữa phải tập hợp tất cả chủ hộ để thống nhất mức chi phí. Ông Nguyễn Sơn – tổ trưởng khu phố lô K, CC Ngô Gia Tự – cho biết vài tháng trước CC bong tróc sơn, sợ trời mưa thấm dột gây ảnh hưởng kết cấu nên đã kêu gọi cư dân đóng góp từ 200.000- 400.000 đồng/hộ. Dù số tiền không lớn nhưng cũng nhận lại sự phản ứng gay gắt từ các hộ dân vì nhiều chủ hộ không sinh sống, cho người khác thuê nên không đóng. “Nếu trùng tu lại lan can, nóc CC hoặc kết cấu móng thì tốn số tiền rất lớn, thu tiền từ cư dân rất khó khăn. Vì vậy, cứ xem xét cái nào cấp thiết nhất mới dám kêu gọi chung tay sửa chữa” – ông Sơn kể.

Đề xuất chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra

Thời gian qua, xuất hiện nhiều phản ánh của người dân, BQT… trong việc tranh chấp phí bảo trì CC với CĐT hoặc CĐT, BQT sử dụng không đúng, không công khai tài chính trong việc sử dụng kinh phí bảo trì. Đặc biệt, không ít CĐT cố tình chây ì, không chịu trả quỹ bảo trì; nhiều CC chưa lập quy trình bảo trì, CĐT không bàn giao đầy đủ hồ sơ bảo trì và lắp đặt thiết bị vào CC khiến cho các tranh chấp ngày càng gay gắt.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, khi nhận được các đơn thư phản ánh của BQT, cư dân trong việc CĐT không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc CĐT, BQT sử dụng không đúng, không công khai tài chính trong việc sử dụng kinh phí bảo trì, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND quận, huyện tiến hành kiểm tra hoặc lập đoàn thanh tra để kiểm tra. Trường hợp phát hiện vi phạm trong việc bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì Thanh tra Sở Xây dựng sẽ tiến hành xử lý vi phạm theo quy định tại điều 66 Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Bất cập là Nghị định 139/2017/NĐ-CP lại không quy định rõ chế tài xử lý đối với CĐT không bàn giao kinh phí bảo trì. Do đó, Sở Xây dựng đề xuất nội dung chế tài đối với hành vi vi phạm nêu trên, có thể chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hành vi chiếm dụng tài sản của cư dân.

Sở Xây dựng TP HCM cũng vừa có báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến phí bảo trì CC 2%; đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội TP kiến nghị Quốc hội xem xét, hướng dẫn để thống nhất trong công tác triển khai thực hiện và kịp thời xử lý các hành vi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Mặt khác, đầu tháng 10-2020, Bộ Xây dựng cũng có báo cáo Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ sửa đổi quy định liên quan đến quản lý, vận hành nhà CC, trong đó chú trọng đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của CĐT, BQT, doanh nghiệp quản lý, quy trình vận hành và bảo trì nhà CC.

Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng và UBND TP HCM, Sở Xây dựng TP kiến nghị bỏ cơ chế giao CĐT thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà CC như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng CC sẽ do BQT CC thu của cư dân trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỉ lệ % do hội nghị nhà CC quyết định.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, trong 44 nhà chung cư có tranh chấp do Sở Xây dựng đang thụ lý, giải quyết, có 34 vụ việc liên quan đến kinh phí bảo trì chung cư.

Lê Phong/Người lao động