12/07/2018

Lo ngại PCCC, phí bảo trì… đẩy thị trường chung cư Hà Nội chững lại

Đánh giá tổng quan thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội quý II/2018 cho thấy, đứng trước những lo ngại về an toàn PCCC, những vấn đề về Ban quản trị, quỹ bảo trì… khiến cho thị trường căn hộ nhà chung cư chững lại.

Thị trường nhà chung cư chững lại
Ngày 11/7, tại buổi Báo cáo tổng quan thị trường BĐS Hà Nội quý II/2018 của Công ty Savills Việt Nam, đại diện của đơn vị này cho biết, ngược với những phân khúc đang chững lại trong thời gian vừa qua, nguồn cung thị trường nhà ở đang tăng vọt với các chỉ số tốt.
bóng bóng bđs - ảnh 1
Bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu (Savills Hà Nội) chia sẻ tại buổi Báo cáo tổng quan thị trường BĐS Hà Nội quý II/2018.
Lượng cung mới ra thị trường quý II/2018 đang đạt khoảng 9.700 căn hộ tăng 77% so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung thị trường sơ cấp đang đạt khoảng 28.000 căn tăng 17% so với quý trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ hấp thụ cho căn hộ để bán đang đạt 27%. Lượng căn bán được trong quý II tăng hơn so với quý trước là 7.500 căn tương đương với 31%. Tuy nhiên thị trường đang bán chậm, lượng tồn đọng đang còn nhiều.
Đơn cử khu vực Bắc, Nam Từ Liêm đang dẫn đầu thị trường tại Hà Nội với nguồn cung khoảng 6.000 căn, trong đó những dự án có giá khoảng 27-35tr/m2. Khu vực Hà Đông cũng đóng góp khoảng 4.000 căn chủ yếu với giá khoảng 18-22tr/m2.
Theo đại diện của đơn vị Savills, dự án nhà ở có giá trên 40tr/m2 đang “chật vật”, bán chậm, tỷ lệ hấp thụ không tốt, nguyên nhân do thị trường hiện nay là thị trường của người mua với nhiều lựa chọn, khách hàng sẽ chọn những sản phẩm tốt, giá cả tốt… những dự án có tầm nhìn triển vọng trong lâu dài.

bóng bóng bđs - ảnh 3
Lo ngại PCCC, phí bảo trì… đẩy thị trường chung cư Hà Nội chững lại.
Đứng trước những lo ngại về an toàn PCCC, những vấn đề về ban quản trị, quỹ bảo trì… khiến cho thị trường căn hộ nhà chung cư chững lại. Tuy nhiên, theo bà Hằng, thị trường căn hộ chung cư vẫn là sự lựa chọn của đông đảo khách hàng. “Với tốc độ phát triển đô thị hóa của Hà Nội và TP.HCM thì lựa chọn nhà chung cư là xu hướng tất yếu. Nhà chung cư nhiều dịch vụ, hợp lý về giá phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân hiện nay”, Bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu (Savills Hà Nội) cho biết.
Thực tế, trong thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra các vụ tranh chấp chung cư từ cao cấp đến bình dân mà chủ yếu xoay quanh vấn đề quỹ bảo trì, an toàn PCCC, thành lập Ban quản trị… Mới đây Hà Nội liên tiếp công khai danh sách hàng trăm tòa nhà chung cư tồn tại, vi phạm an toàn PCCC. Điều này khiến người mua dè chừng với phân khúc nhà ở chung cư hiện nay.

Thị trường BĐS lung lay, nguy cơ vỡ bong bóng?

Trước nhiều lo ngại không chỉ ở phân khúc nhà chung cư mà ở các phân khúc khác như căn hộ Condotel bị tồn kho trên 90%, giao dịch cầm chừng và thị trường BĐS đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng theo chu kỳ 10 năm.
Trên thực tế, bong bóng BĐS đã diễn ra vào các năm 1989, 1999 và 2009. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu (Savills Hà Nội) thì đến nay vẫn chưa có dấu hiệu của bong bóng BĐS.
Cũng theo bà Hằng, nếu tính chu kỳ 10 năm thì phải tính từ lúc thị trường phục hồi từ quý IV/2014. “Chúng ta nên tính mốc từ IV/2014, khi thị trường bắt đầu phục hồi ổn định, theo đó, thị trường đang đứng giữa chu kỳ 10 năm chứ không phải cuối chu kỳ nên không đáng quan ngại”, bà Hằng chia sẻ.
bóng bóng bđs - ảnh 4Chưa thấy dấu hiệu cụ thể xảy ra tình trạng bong bóng BĐS vào năm 2019 theo chu kỳ 10 năm.
Đại diện của đơn vị Savills cũng cho biết thêm, hiện chưa thấy dấu hiệu của bong bóng BĐS theo chu kỳ 10 năm; không thấy hiện tượng các phân khúc “vượt” giá khỏi khả năng chi trả của người mua, đặc biệt là phân khúc đất nền. “Qua nhiều lần xảy ra bong bóng BĐS, mọi người cũng hiểu thế nào là sự suy thoái, thế nên cũng đã có tâm lý, sự chuẩn bị đón nhận và có cách nhìn nhận tích cực hơn”, vị này phân tích.
Đơn vị này cũng cho rằng, ở góc độ quản lý vĩ mô, Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp điều chỉnh nhằm ngăn chặn khủng hoảng từ bài toán về tài chính, tín dụng đến pháp lý. Tất cả nhằm điều chỉnh sự phát triển của thị trường BĐS theo hướng ổn định và bền vững, tránh để kịch bản khủng hoảng của 10 năm trước bị lặp lại.
Duy Phạm/Tiền Phong