Kinh nghiệm trong việc lựa chọn và sử dụng sàn gỗ bền đẹp
Sàn gỗ là một loại vật liệu hoàn thiện phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt trong công trình nhà ở. Với nhiều ưu điểm, sàn gỗ là sự lựa chọn của nhiều chủ nhà. Tuy vậy, để lựa chọn sàn gỗ phù hợp và sử dụng vật liệu này hiệu quả, phải cần một chút kiến thức và kinh nghiệm.
Các loại sàn gỗ và lựa chọn sàn gỗ
Có thể phân nhóm ván sàn trên thị trường thành hai loại chính: Ván sàn gỗ tự nhiên và sàn gỗ công nghiệp. Các loại ván sàn có nhiều nguồn gốc khác nhau, từ sản xuất trong nước tới nhập khẩu từ các nước châu Âu (Đức, Thụy Điển…), trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia…) và nhiều nhất là ván sàn gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sàn gỗ tự nhiên giá ngày càng cao do nguồn nguyên liệu khan hiếm và xu hướng sử dụng sàn gỗ công nghiệp là tất yếu.
Để lựa chọn sàn gỗ tự nhiên, có thể xem 1 vài thanh ngẫu nhiên trong lô hàng để đánh giá sản phẩm. Sản phẩm sàn gỗ tự nhiên tốt cho bề mặt phẳng, lì, ít có mắt gỗ; các cạnh hèm không bị sứt, xước, thanh không có vết nứt…; thử ghép các thanh vào với nhau thấy vừa tay, không quá chặt cũng không lỏng. Ngoài ra, có thể bày một số thanh ra mặt phẳng để đánh giá độ đồng đều của vân gỗ và màu sắc. Gỗ tự nhiên được khai thác từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau nên rất dễ cho sản phẩm hoàn thiện khác nhau (dù là cùng chủng loại gỗ). Nếu người dùng muốn sử dụng gỗ tự nhiên cho một mặt phẳng lớn và liền thì cần xem xét kỹ yếu tố này để có một bề mặt hoàn thiện đồng đều.
Với gỗ công nghiệp, hiện có rất nhiều mẫu mã trên thị trường nên khó chọn. Về cơ bản cách phân biệt không giống như đối với gỗ tự nhiên vì ván sàn gỗ công nghiệp “trăm thanh như một”; mà quan trọng là phải biết nguồn gốc xuất xứ. Các loại ván sàn gỗ công nghiệp đảm bảo chất lượng thường có in chìm tên hãng ở mặt dưới, và có dòng chữ “Made in… (tên nước)” (VD: Made in Germany), hình in rõ ràng, sắc nét.
Sàn gỗ công nghiệp có những đặc tính kỹ thuật khác nhau liên quan đến giá thành. Ví dụ nếu chọn sàn gỗ cho những không gian công cộng như nhà hàng, siêu thị… thì lựa chọn loại sàn có khả năng chống xước cao, có độ nhám hơn (để đáp ứng được đi giày dép lên trên với tần suất đi lại nhiều). Các không gian sử dụng thích hợp thường được ghi trên bao bì của sản phẩm. Cần kiểm tra cả mép các thanh có dễ bị sứt bề mặt hay không. Cần xem trước giá của công ty phân phối (nếu có) và tham khảo giá của một số đại lý trên một sản phẩm để tránh mua hàng với giá đắt, không hợp lý.
Bên cạnh đó, có thể kể thêm một số vật liệu lát sàn có công năng, tính chất, quy cách, quy trình thi công tương đồng sàn gỗ nhưng bằng vật liệu khác như sàn tre, sàn nhựa compsite. Các loại này có những điểm chung giống sàn gỗ nhưng sản xuất bằng những vật liệu khác, cho bề mặt, hình thức vân khác nhau và có những đặc tính cơ lý khác nhau. Ví dụ như sàn tre có độ cứng khá cao, sàn nhựa có khả năng chịu nước có thể dùng để lát ban công, logia, hiên… Các loại vật liệu này có thể thay sàn gỗ trong từng hoàn cảnh cụ thể để khai thác được tính năng tối ưu của vật liệu.
Sử dụng sàn gỗ trong không gian nội thất
Về cơ bản, sàn gỗ rất dễ tương đồng với không gian nội thất nhà ở, ngoài những đặc điểm ưu việt về công năng như sạch sẽ, gần gũi, ấm áp, thi công thuận tiện… Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm để sử dụng thích hợp và hiệu quả. Sàn gỗ nói chung không nên sử dụng ở tầng trệt vì rất dễ bị ẩm, gây biến dạng và hư hại, cũng như dễ bị côn trùng xâm nhập. Khu vực bếp cũng không nên sử dụng vì dễ có nước, cũng như có lửa là những yếu tố bất lợi với sàn gỗ. Sàn gỗ thích hợp sử dụng ở các không gian như phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, sảnh tầng, hành lang liền phòng… ít chịu những tác động tiêu cực trong sinh hoạt. Tầng áp mái cũng không nên dùng sàn gỗ vì thường tầng này là tầng ít sử dụng cho sinh hoạt, lại chịu nắng nóng, có thể bị nước chảy, mưa tạt…
Sàn gỗ có thể phù hợp với cả không gian kiến trúc – nội thất hiện đại hay cổ điển. Tuy nhiên cần lưu ý về màu sắc nội thất (màu sơn tường, trần, rèm cửa, đồ đạc nội thất…) để chọn chủng loại/ màu sắc cho phù hợp. Nếu dùng gỗ tự nhiên thì mỗi chủng loại gỗ có một màu sắc riêng. Ví dụ sàn lim có màu tối, sàn pơmu cho màu sáng… Sàn công nghiệp thì màu sắc đa dạng hơn và yếu tố vân gỗ, màu sắc chỉ là một phần thẩm mỹ, không quyết định chất lượng ván sàn. Có hai cách cơ bản phối màu sàn với đồ nội thất, đó là tương đồng và tương phản. Với cách phối tương đồng, lựa chọn sàn gỗ và đồ đạc có sắc tố giống nhau (có thể đậm nhạt hơn nhau một chút); còn cách phối tương phản thì có thể dùng sàn sẫm, đồ đạc màu sáng hoặc ngược lại (sàn sáng, đồ đặc màu sẫm). Cần tránh sàn màu sẫm và đồ cũng màu sẫm vì sẽ làm tối không gian và không tôn đươc đồ đạc nội thất trong không gian.
Nhiều hãng sàn gỗ công nghiệp quảng cáo những loại sàn gỗ siêu chịu nước. Tuy nhiên, cần phải hiểu là “chịu nước” ở đây là trong một giới hạn nhất định, chứ sàn gỗ – dù là loại gì đi chăng nữa cũng không thể chịu nước như gạch ốp lát ceramic hay đá tự nhiên.
Để không hoa mắt trước “rừng” sản phẩm trên thị trường
Sàn gỗ “trăm hoa đua nở” trên thị trường vật liệu xây dựng. Vì vậy, để lựa chọn sàn gỗ thực sự cũng không dễ dàng. Khách hàng nên chủ động tìm đến những công ty, đại lý cung cấp có uy tín, có chế độ bảo hàng tốt để tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm. Với sàn gỗ, chất lượng là quan trọng nhất.
Ngoài việc lựa chọn chủng loại ván sàn đảm bảo chất lượng, thì chọn mẫu mã (quy cách, vân, màu sắc…) cũng có ý nghĩa. Để có một không gian nội thất đẹp, cần phải có con mắt chuyên môn và tiếng nói chuyên môn tư vấn. Khi nhìn ở cửa hàng có thể thấy rất nhiều mẫu đẹp, nhưng chưa chắc mẫu đó “đi” vào nhà, vào không gian nội thất đã là phù hợp (và ngược lại). Các yếu tố cần tham khảo và chi phối là: phong cách nội thất, mặt bằng, bố trí nội thất, kiểu dáng – màu sắc chi tiết đồ nội thất, điều kiện ánh sáng … Thường thì những yếu tố này có trước và quyết định mẫu sàn phù hợp. Tốt nhất, hãy cung cấp các thông tin và nhu cầu như đề cập ở trên cho các kiến trúc sư, nhà tư vấn để họ hỗ trợ trong việc lựa chọn mẫu ván sàn phù hợp. Và đừng để người bán hàng tư vấn vì họ sẽ dẫn dắt theo mục đích của họ là bán được loại sản phẩm mà họ cần tiêu thụ, hơn là làm tốt cho ngôi nhà của mình, và thực tế chuyên môn về sàn gỗ và chuyên môn thiết kế là hoàn toàn khác nhau./.
KTS Hà Thành/VOV