27/11/2018

Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cần bảo đảm hài hòa giữa giá trị văn hóa và kinh tế

Sáng 27-11, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp Công ty Minerva tổ chức Hội thảo về không gian di sản, với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP Hồ Chí Minh”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, UBND các quận 1, 3, 5 cùng gần 40 chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn di sản trong nước và ngoài nước.

Chuyên gia nước ngoài phát biểu tại hội thảo

Chuyên gia nước ngoài phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung, phân tích, thảo luận để tìm giải pháp bảo tồn hiệu quả các công trình kiến trúc cổ tại TP Hồ Chí Minh. Các đại biểu đều cho rằng, bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là một công việc cấp thiết trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, đặc biệt đối với TP Hồ Chí Minh. Từ năm 1993, thành phố đã xác định bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là một công việc quan trọng cần được tiến hành một cách nghiêm túc, thận trọng và phải được làm ngay.

Vì thế, UBND thành phố đã ra thông báo số 46/TB-UB-QLĐT ngày 17-5-1996, chỉ đạo thực hiện và ban hành kèm theo danh mục 108 đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tại TP Hồ Chí Minh được phân loại theo mảng, tuyến, cụm, điểm. Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc cho biết, dù được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, việc bảo tồn các giá trị về kiến trúc cảnh quan đang đứng trước nhiều thách thức như: kinh tế, pháp lý, xã hội…

Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đến từ Pháp, Italy, Thượng Hải (Trung Quốc), Singarpore cũng đã trình bày những kinh nghiệm trong công tác bảo tồn di sản. Các đại biểu phân tích kỹ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản. Đồng thời, hội thảo tập trung thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Tiến sĩ Tô Kiên, chuyên gia cao cấp kiêm Quản lý Dự án Tập đoàn Tư vấn phát triển hạ tầng Eight – Japan cho rằng, bảo tồn di sản ngoài việc giữ gìn các giá trị văn hóa đồng thời phải bảo đảm lợi ích kinh tế. “Tuy bảo tồn và phát triển thường có mâu thuẫn với nhau, nhưng nếu chúng ta có cách đi khéo léo, hiệu quả thì sẽ giúp hai yếu tố trên giảm thiểu “tương khắc”, tăng cường “tương sinh”, Tiến sĩ Tô Kiên ý kiến.

Mạnh Hảo/Báo Nhân dân