31/07/2017

Kiến trúc sư có trách nhiệm tạo không gian tốt, định hướng văn hóa ở

 Trong khuôn khổ cuộc thi thiết kế “Ngôi nhà mơ ước” do Tạp chí Kiến trúc phối hợp với Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ, ngày 29/7, Tập đoàn Thạch Bàn tổ chức cuộc trò chuyện giữa Kiến trúc sư (KTS) – Nhà báo và Doanh nghiệp với chủ đề “Nhà ở và văn hóa ở” đã diễn ra tại Hà Nội.


Cuộc trò chuyện có sự tham gia các KTS uy tín.

Cuộc trò chuyện có sự tham gia của Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Quốc Thông, Giám đốc Cty Kiến trúc Avant KTS Đoàn Kỳ Thanh, Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội Hoàng Thúc Hào, Giám đốc Cty CP Kiến trúc Xây dựng và Thương mại Queen Bùi Bình Minh; KTS, nhà văn Trương Quý…

Tại buổi trò chuyện, KTS Đoàn Kỳ Thanh, Giám đốc Cty Kiến trúc Avant, chia sẻ câu chuyện về một người nông dân mới học hết lợp 12 ở Hội An (Quảng Nam), khi chuyển từ nghề đánh cá sang làm du lịch, anh đã tự tay vẽ, xây dựng và vận hành công trình homestay. Điều đáng nói là công trình được khách nước ngoài đặc biệt yêu thích và trở thành công trình có giá cao thuê cao nhất ở Hội An.

KTS Thanh tự đặt câu hỏi cho mình cũng như mọi người, vì sao một người không qua trường lớp nghề nghiệp lại làm được một sản phẩm tốt, một ngôi nhà hội tụ các yếu tố hồn nhiên, tình cờ và bất ngờ.

KTS Bùi Bình Minh thì chia sẻ một câu chuyện ở Trung Quốc. Tại một làng hẻo lánh bên sông, KTS đã thiết kế xây dựng công trình trường học và gắn kết ngôi trường với các khu vực ở có cao độ khác nhau trong vùng bằng các con đường. Để rồi công trình không chỉ là nơi cho trẻ con học tập mà còn trở thành nơi để người làng sinh hoạt cộng động. KTS đã suy nghĩ cho người sử dụng, thiết kế công trình hoà quyện với thiên nhiên. Theo nữ KTS, các KTS thành danh luôn hướng đến người sử dụng. Nói cách khác, người sử dụng mới là trái tim của ngôi nhà.


Thạch Bàn mong muốn chắp cánh cho những ý tưởng, sáng kiến độc đáo trong thiết kế kiến trúc không gian sống hiện đại.

KTS Hoàng Thúc Hào thì bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của chủ đầu tư khu đô thị (KĐT) Ecopark tại Hà Nội khi tạo dựng được một khu ở trong rừng, trong ngôi làng của người Việt. Ở đó, các không gian ở tràn ngập ánh sáng và hòa nhập với thiên nhiên. Chủ đầu tư Ecopark không chỉ bán những căn hộ mà “bán” cả một văn hóa ở.

Theo KTS Hào, khác với văn hóa ở nông thôn lâu đời, văn hoá ở đô thị đang từng bước hình thành. Tại các KĐT như Ecopark, chủ đầu tư cùng các KTS đang cùng tạo ra văn hóa ở đô thị.

KTS Nguyễn Quốc Thông thì cho rằng văn hoá ở khắp nơi. Nhà ở không chỉ là nơi ở mà còn là nơi để người ta sống. Trách nhiệm của KTS khi làm công trình nhà ở là cùng với việc thỏa mãn nhu cầu ở, đồng thời phải góp phần nâng cao trình độ văn hóa ở. Ở Việt Nam đang hình thành văn hóa ở từ thấp, rộng sang cao…

Tổng Giám đốc Cty THHH Thạch Bàn Nguyễn Trọng Kiên bày tỏ sự quan tâm đối với nhà ống. Theo đó, nhà ở Việt Nam từ lâu không phát triển theo kiến trúc truyền thống nữa mà phát triển rộng rãi mô hình nhà ống. Đây phải chẳng là do tác động của việc định hướng và quản lý đô thị của chính quyền chứ bản thân các KTS cũng như các nhà sản xuất vật không muốn làm nhà giá rẻ hào nhoáng, bắt mắt nhưng chất lượng chưa tốt.

KTS Đoàn Kỳ Thanh thẳng thắn khi bảy tỏ quan điểm: Bản thân các phong cách kiến trúc không có lỗi. Chính quyền cũng không nên quy định phong cách kiến trúc để người dân theo mà chỉ đưa ra tiêu chí như diện tích ở, cây xanh, chất lượng ở… Các KTS cùng với người dân dựa theo các chỉ tiêu đó để tạo ra các không gian ở chất lượng.

KTS Lê Trương băn khoăn: Kiến trúc tạo dựng không gian ở mà ở trong đó người ở thấy sung sướng, thoải mái, hạnh phúc. Nhưng thực tế hiện nay, có những ngôi nhà, bước vào đấy chỉ thấy sự phô trương. Chủ nhà tâm đăc, nhưng người khác thấy nghẹt thở, thậm chí với KTS, công trình đó là thảm hoạ. Một bên là sự sung sướng, một bên là thảm hoạ, vậy KTS đóng góp gì?

Trả lời câu hỏi này, KTS Lê Trương cho biết anh đang tham gia những dự án nhà ở cao tầng hiện đại mà ở đó áp dụng các giải pháp được đúc kết trong kiến trúc truyền thống của người Việt như mái vươn dài, hiên không gian tiếp nối giữa không gian trong và ngoài nhà, tường mở… Anh tạo cho mỗi một căn hộ trên cao một khu vườn nhỏ, để chủ căn hộ hòa nhập với thiên nhiên và thư giãn…

KTS Bùi Bình Minh cho biết, trước khi thiết kế ngôi nhà cho khác, nữ KTS thường chơi để thực sự hiểu thói quen và mong muốn của họ. Để rồi khi thiết kế, cô không thiết kế ngôi nhà của mình mà thiết kế ngôi nhà thể hiện cá tính, tầm văn hoá, thoi quen của khách hàng. Kinh nghiệm của KTS Bùi Bình Minh là quan sát, lắng nghe để đưa ra cá thiết kế tối ưu.

Còn theo KTS Nguyễn Tuấn Anh (Cty Kiến trúc Atek), văn hoá ở xuất phát từ người sử dụng. Họ tạo ra lối sống, người thiết kế nếu không hiểu, áp đặt thì đều khiên cưỡng. Khi đó chỉ có những ngôi nhà phải ở chứ không phải ngôi nhà đáng để ở. KTS thiết kế nhà ở cho người sử dụng thì phải thực sự hiểu nhu cầu sống của khách hàng. Thế mới có chuyện, có những KTS luôn dành thời gian 3-6 tháng để chơi và hiểu khách hàng.

Sau cùng, KTS Đoàn Kỳ Thanh lưu ý cần phải chú trọng không gian gian cộng đồng trong không gian ở. KTS Nguyễn Quốc Thông đồng tình với quan điểm này. Theo ông, KTS không chỉ tạo ra ngôi nhà tốt mà cả không gian xung quanh. KTS có trách nhiệm tạo không gian ở tốt, đừng chạy theo sự dễ dãi. Mỗi người ở là một KTS, còn KTS là người cụ thể hóa ngôi nhà. KTS làm nghề cố gắng định hướng cách ở, phong cách sống cho người dân.

Thiết kế “Ngôi nhà mơ ước” được tổ chức, với mong muốn khơi gợi sự sáng tạo, thể hiện những mong muốn về kiến trúc nhà ở nói riêng và các không gian sống, làm việc nói chung. Bắt đầu từ những quan niệm mới về không gian ở, ban tổ chức hướng tới việc nâng cao chất lượng sống của người dân, xây dựng những không gian ở hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.

Với các hạng mục thi dành cho người chuyên nghiệp, bán chuyên và không chuyên, Cuộc thi dự kiến sẽ trở thành một hoạt động nghề nghiệp thường xuyên của giới KTS; một sân chơi thúc đẩy, hỗ trợ sự sáng tạo, huy động ý tưởng của mỗi người dân vì một nền kiến trúc phát triển, thân thiện với môi trường và chất lượng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Cuộc thi thiết kế “Ngôi nhà mơ ước” 2017 đã chính thức phát động hồi 4/2017, thời hạn nộp bài thi đến hết ngày 18/10 và sẽ được trao giải vào cuối năm.

Chủ tịch Tập đoàn Thạch Bàn, ông Nguyễn Thế Cường cho biết, với việc tài trợ cho cuộc thi, Tập đoàn mong muốn chắp cánh cho những ý tưởng, sáng kiến độc đáo trong thiết kế kiến trúc không gian sống hiện đại. Thạch Bàn hy vọng góp phần đóng góp những sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, hướng tới nâng cao chất lượng nhà ở, không gian ở theo xu hướng phát triển bền vững.

Quý Anh/BXD