25/10/2016

Kiến trúc nào cho người khuyết tật?

Kiến trúc là nghệ thuật vị nhân sinh, tính xã hội của kiến trúc là ở đó. Và, trách nhiệm cao cả của KTS với xã hội trong đó có người khuyết tật cũng là ở đó. Nhưng hiện nay, rất ít công trình kiến trúc do KTS sáng tạo nên hướng đến và phục vụ người khuyết tật. Đây là điều rất đáng suy nghĩ.

Trên thế giới, người khuyết tật (NKT) chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Theo báo cáo của tổ chức dân số thế giới của Liên Hợp Quốc, thì hiện nay có khoảng 700 triệu đến 1 tỷ NKT chiếm tỷ lệ từ 10 – 15% dân số toàn cầu. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ NKT vào khoảng từ 5 – 10% dân số cả nước, tức vào khoảng hơn 6,5 triệu người. Nhận thấy vai trò và sự ảnh hưởng của NKT đối với xã hội, nên ngày 13/12/2006, tại New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước quốc tế về các quyền của NKT (CRBD) trên cơ sở Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, và Công ước này có hiệu lực từ ngày 03/5/2008. Việt Nam là nước thứ 118 trên tổng số hơn 150 nước tham gia ký Công ước này. Ngày 28/11/2014, Quốc hội khóa XII đã phê chuẩn Công ước với tỷ lệ tán thành 100%. Trước đó, năm 1998, Pháp lệnh về NKT đã được Quốc hội khóa V thông qua và ngày 17/6/2010 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật NKT và có hiệu lực từ 01/01/2011. Điểm qua vài nét như vậy để thấy NKT ở Việt Nam đã được Nhà nước ta rất quan tâm và sự quan tâm đó đã thể hiện bằng pháp luật.

Hiện nay, cái nhìn của cộng đồng, của xã hội đối với NKT đã có nhiều thay đổi, nhưng không phải lúc nào, ở đâu, NKT cũng được tạo điều kiện tốt nhất để họ hòa nhập thuận lợi với xã hội. Luật NKT của Việt Nam hay Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của NKT đã đề cao vai trò, quyền của NKT trong xã hội. Nó làm thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng vốn thường coi NKT như một bộ phận yếu thế, cần sự trợ giúp của y tế, giáo dục… là đối tượng hướng đến của hoạt động từ thiện, bằng cách xác lập cách tiếp cận của xã hội với NKT theo hướng nhân đạo và nhân quyền. Trong lĩnh vực xây dựng, chúng ta cũng đã có những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể bắt buộc khi thiết kế, xây dựng công trình để thuận tiện cho NKT sử dụng. Luật Xây dựng cũng đề cập đến vấn đề kiến trúc công trình phải bảo đảm cho NKT tái hòa nhập với cộng đồng. Ví dụ như, vỉa hè, lối lên các trụ sở, công trình thương mại, công cộng, nhà ở đều phải có độ dốc thích hợp cho việc sử dụng xe lăn, thiết bị trong phòng tắm, nhà vệ sinh phải bố trí thích hợp để NKT sử dụng tiện lợi và an toàn… Đó là những quy định có tính pháp lý thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm xã hội đối với NKT của ngành Xây dựng trong đó có các KTS. Tuy nhiên, từ những văn bản, quy định đến thực tế cuộc sống lại là cả một vấn đề khác. Không dễ nhận ra, trong muôn nghìn công trình kiến trúc hiện đại, hoành tráng đã và đang mọc lên ngày càng nhiều trong các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hỏi có bao nhiêu công trình đảm bảo hoạt động cho NKT? Đã có nhà ở nào kể cả nhà ở xã hội, được thiết kế hướng đến cuộc sống của NKT? Nhiều trường học hầu như không có lối lên xuống thuận tiện cho học sinh, sinh viên là NKT. Trong hoạt động giao thông công cộng, rất ít xe buýt có thiết bị nâng hạ bậc lên xuống cho xe lăn, cho NKT khi tham gia giao thông. Ngay cả vỉa hè, không gian dành cho hoạt động đi bộ cũng bị lấn chiếm không còn chỗ cho xe lăn và an toàn cho NKT. Trong các Trường đào tạo KTS, hầu như vắng bóng giáo trình giảng dạy thiết kế cho NKT. Nếu có, chỉ là những điều có tính lưu ý, thoáng qua. Hầu hết các đồ án tốt nghiệp của sinh viên kiến trúc đều không hướng đến NKT.

Kiến trúc là nghệ thuật sáng tạo không gian sống cho con người, từ ngôi nhà, bệnh viện, trường học, công viên… cho đến một khu đô thị, một thành phố, một vùng lãnh thổ. Kiến trúc là nghệ thuật vị nhân sinh. Tính xã hội của kiến trúc là ở đó. Và trách nhiệm cao cả của KTS với xã hội trong đó có NKT cũng là ở đó. Nhưng hiện nay, rất ít công trình kiến trúc do KTS sáng tạo nên hướng đến và phục vụ NKT. Đây là một điều rất đáng suy nghĩ. NKT là những người thiệt thòi nhất (dù bất kỳ trường hợp nào, kể cả là thương binh), khó khăn nhất trong tiếp cận với học tập, trong hòa đồng xã hội, trong việc làm và tái hòa nhập cộng đồng. Chính vì thế NKT là những người nghèo nhất, dễ tổn thương nhất tróng số người nghèo của xã hội. Sự quan tâm của xã hội đối với NKT ở Việt Nam đã có rất nhiều cải thiện. NKT cũng đã đoàn kết, nương tựa vào nhau để vươn lên làm chủ cuộc sống và thoát nghèo. Rất nhiều gương điển hình của NKT xuất hiện trong lao động, trong thể thao và hoạt động nghệ thuật làm xã hội cảm phục. Vận động viên Việt Nam đã đem lại vinh quang cho Tổ quốc tại các kỳ Olympic thể thao thế giới và khu vực dành cho NKT. Vừa qua, tại Paralympic Rio 2016 tổ chức tại Brazil, bằng ý chí vươn lên mãnh liệt, bằng nghị lực phi thường và cả niềm kiêu hãnh, các vận động viên là NKT như Lê Văn Công (Huy chương Vàng), Võ Thanh Tùng, Cao Ngọc Hùng, Đinh Thị Linh Phương (Huy chương Bạc)… đã đem lại niềm tự hào cho Tổ quốc, mà không phải người bình thường nào cũng làm được.

Tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của F.L.Wright, một KTS lừng danh của nước Mỹ, cây đại thụ của kiến trúc thế kỷ XX: “Một KTS có thể rất lớn trong một công trình nhỏ, và ngược lại có thể rất nhỏ trong một công trình lớn!”. Vậy thì, xin các nhà kiến trúc đáng kính của nước ta hãy dành một chút sáng tạo cao cả của mình để thiết kế những công trình hướng đến NKT, để họ có điều kiện được sống, được làm việc thuận tiện, thoải mái cho dù đó chỉ là những công trình rất nhỏ nhưng cũng đủ ấm áp tình người và hạnh phúc. Kiến trúc vì cộng đồng trong đó có NKT cần được phát huy và phải được trân trọng từ sự quan tâm của chính quyền các cấp, các Bộ ngành, của các Hội nghề nghiệp mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam là tiên phong, góp phần làm cho cuộc sống của NKT được cải thiện hơn, khả năng tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Và đó cũng là để cho xã hội tốt đẹp hơn và cuộc đời này đáng sống hơn!

KTS Phạm Thanh Tùng/Báo xây dựng