22/11/2021

Khu vườn sinh thái cho ngôi nhà đô thị

Từ bao đời nay trong các ngôi nhà truyền thống Việt Nam, khu vườn luôn luôn là một cấu trúc không thể tách rời, đóng vai trò như một lá phổi, mang đến sự xanh mát, bầu không khí trong lành, đồng thời làm tôn lên giá trị cảnh quan thẩm mỹ cho ngôi nhà.

Xu hướng đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay đã và đang dần làm cho diện tích các khu vườn ngày càng thu hẹp và có nguy cơ biến mất. Màu xanh của thiên nhiên không còn làm cho môi trường sống đô thị trở nên khô khan, bí bách và ngột ngạt, gây các tác động tiêu cực và làm giảm đi chất lượng – tiện nghi cuộc sống của người dân.

Vườn truyền thống Việt Nam

Do chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố địa lý, khí hậu, vườn truyền thống mang nhiều dấu ấn đặc trưng của kiến trúc nhiệt đới. Gần như là một bộ phận không thể tách rời với không gian sống, khu vườn ngoài vai trò tạo cảnh quan sinh động, che mưa che nắng, tạo bóng mát, bổ sung nguồn lương thực, thực phẩm, nó còn phản ánh được cuộc sống thanh bình, tô điểm cho những ngôi nhà truyền thống cho dù ở đô thị hay làng quê, góp phần lưu giữ lại những giá trị cổ xưa.

Những hình ảnh thường thấy trong sân vườn truyền thống là những gì rất gần gũi với cuộc sống thường ngày của người dân thôn quê như: cây đa, bến nước, lũy tre làng, cây cau lá trầu, giếng nước, ao sen, hòn non bộ, sân lát gạch tàu, bình phong… hay đã đi vào văn hóa dân gian, ca dao, thành ngữ: “Trước trồng cau sau trồng chuối”, hoặc như:

“Anh về cuốc đất trồng cau,

Cho em giâm ké dây trầu một bên,

Chừng nào trầu nọ bén lên,

Cau kia ra trái lập nên cửa nhà”.

Vườn nhà ở truyền thống với hồ sen gần gũi mộc mạc

Cho dù ở bất kì vùng miền nào, từ Bắc-Trung-Nam thì khu vườn Việt vẫn thể hiện nét đẹp tự nhiên của sự mộc mạc, giản dị và thân thuộc. Quá trình hình thành và phát triển của vườn truyền thống Việt Nam luôn gắn liền với điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế, xã hội, tạo thành một hệ sinh thái thống nhất và đậm nét đặc trưng so với sân vườn các quốc gia khác trên thế giới.

Trải qua những thăng trầm của thời gian, sân vườn truyền thống dù có nhiều thay đổi và cải tiến cho phù hợp với cuộc sống mới hiện đại nhưng nhìn chung vẫn mang được hơi thở, dấu ấn của văn hóa và nét đẹp tâm hồn người Việt.

Khu vườn sinh thái đương đại

Cùng với sự phát triển của công nghệ cùng với ý thức về bảo vệ môi trường sinh thái, khu vườn ngày nay cũng được phát triển và cải tiến cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Có khá nhiều giải pháp sinh thái mới cho các cấu trúc trong khu vườn đương đại đang được áp dụng hiện nay như: vườn mưa, hồ cá sinh thái, hồ bơi sinh thái, vườn trên tường, vườn trên mái…

Vườn mưa “rain garden”

Vườn mưa là một trong nhiều giải pháp được thiết kế để xử lý nước mưa ô nhiễm chảy tràn, nó có thể thu và lọc dòng chảy của nước mưa từ trên mái nhà, ban công, đường đi, bãi đậu xe,… và những bề mặt khác xung quanh nhà.

Nguyên lý thiết kế vườn mưa là tạo ra một vùng trũng có diện tích phù hợp và dựa vào thảm thực vật giữ nước mưa, đồng thời xử lý và lọc các chất bẩn gây ô nhiễm do dòng chảy mang theo. Vườn mưa tích trữ một lượng nước cung cấp cho cây giúp tiết kiệm việc tưới cây, gia tăng độ ẩm, làm giảm nhiệt độ môi trường xung quanh, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (Urban heat island).

Nguyên lý vườn mưa

Cây trồng trong vườn mưa bao gồm thảm thực vật chịu ngập như: lan nước, dương xỉ, thủy trúc, lá dứa, sen, súng… Những loại cây này được lựa chọn có đặc tính trong quá trình phát triển sinh học sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng tự nhiên kéo xuống bởi dòng chảy của nước mưa, lọc các chất ô nhiễm đồng thời bộ rễ cây giữ đất cũng giúp ngăn chặn sự xói mòn.

Một số loại cây trồng bản địa phù hợp cho vườn mưa

Vườn mưa có thể cải thiện chất lượng nước và bổ sung vào nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, tạo cảnh quan tự nhiên và thúc đẩy sự đa dạng sinh học trong khu vườn.

Một vườn mưa điển hình

Trong các đô thị vườn mưa có thể được bố trí linh hoạt trong công viên của thành phố hoặc sân vườn thuộc các tiểu khu nhà ở, khu công nghệ, khu công nghiệp…

Hồ bơi sinh thái – Hồ cá sinh thái “Bio pool, Ecological pool”

Các hồ bơi nhân tạo thường được sử dụng hóa chất để làm sạch là chlorine, chất này có chức năng diệt khuẩn mạnh nhưng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nếu liều lượng quá nhiều có thể gây kích ứng cho cơ thể. Mặt khác lượng nước thải ra do thay nước định kỳ trong hồ cũng làm ảnh hưởng có hại đến môi trường xung quanh. Chính vì thế hồ bơi sinh thái ra đời như một giải pháp khả thi để khắc phục được những hạn chế của hồ bơi truyền thống.

Hồ bơi sinh thái

Hồ bơi sinh thái có hệ thống lọc vi sinh tương đương hệ sinh học trong tự nhiên nhờ thảm thực vật ngập hoặc bán ngập nước. Chất thải được lọc và hấp thụ bởi rễ của các loài cây bản địa được lựa chọn, không để lại các chất dinh dưỡng có sẵn cho tảo và vi khuẩn phát triển. Khi cây phát triển, hệ thống lọc tách các tạp chất, tạo ra nguồn nước sạch.

Nguyên lý hồ sinh thái

Thiết kế của hồ bơi tự nhiên ngoài những yêu cầu cơ bản của một hồ bơi truyền thống còn cần thêm các khoảng không gian hồ phụ trồng các cây tự nhiên bán ngập hoặc sống dưới nước bên cạnh hồ chính để làm nhiệm vụ lọc nước. Tất cả dựa trên nguyên tắc dựa vào cơ chế xử lý sinh học như một hồ nước trong tự nhiên để thay thế cho hệ thống lọc nhân tạo hoặc xử lý bằng hóa chất.

Hồ bơi sinh thái không chỉ tạo cảnh quan tự nhiên đẹp mắt trong sân vườn mà còn tạo ra nguồn nước trong lành giúp cho con người có thể bơi lội, ngâm tắm mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt có chi phí vận hành thấp, tiết kiệm năng lượng do sử dụng ít điện năng cho hệ thống lọc nhân tạo cũng như không cần phải duy tu bảo dưỡng quá nhiều.

Cơ chế lọc tự nhiên này cũng có thể áp dụng cho các thể loại hồ nước khác trong khu vườn như hồ cá cảnh sinh thái, hồ ngâm sinh thái…

Hồ cá koi sinh thái ©K-Villa Space+

Các giải pháp cho khu vườn trong không gian nhà ở đô thị

Các đô thị ở Việt Nam hiện nay đa số có mật độ dân số cao, đất ở thường phân lô chia nhỏ, nhà ở đô thị chủ yếu phát triển về chiều cao và các khoảng không gian phía trên, diện tích dành cho mảng xanh không còn nhiều, lại thêm tác động của hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” (Urban heat island), gây nên sự ngột ngạt làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Nhà ở trong các đô thị này phần lớn là các ngôi nhà ống với diện tích nhỏ, thiếu các khoảng sân vườn trước và sau nhà như nhà vườn truyền thống. Vì vậy việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp nào có thể tích hợp mảng xanh vào các không gian nhỏ này một cách hợp lý, thẩm mỹ và phù hợp với lối sống đô thị là vấn đề đặt ra cho người làm thiết kế.

Giải pháp sân trong – giếng trời – vườn trong nhà “Courtyard garden, patio”

Sân trong là khoảng không gian được ví như “lá phổi xanh”, đặc biệt đối với những ngôi nhà ống điển hình trong đô thị là dài sâu và hẹp, sân trong là nơi có thể lấy ánh sáng ban ngày và hỗ trợ thông gió tự nhiên theo phương đứng giúp ngôi nhà không bị ẩm thấp, ngột ngạt mà trở nên thoáng mát dễ chịu.

Sân trong giúp ánh sáng tự nhiên tràn ngập không gian sống @3become1 House – Space+

Sân trong thường được bố trí ở giữa hoặc cuối nhà, những nơi mà thường bị vấn đề về thiếu sáng. Sân trong cũng được xem như là khoảng không gian đệm hay một khu vườn thu nhỏ, có thể bố trí cây xanh hồ nước, bàn ghế thư giãn, tiểu cảnh,…

Cây xanh sân trong thường được lựa chọn là các loại cây có khả năng sống và sinh trưởng tốt trong môi trường trong nhà, thiếu ánh sáng tự nhiên, ưa bóng như: lưỡi hổ, phát tài, lan ý… Những loại cây này còn có khả năng thanh lọc làm sạch không khí, hấp thụ các chất độc hại.

Vật liệu trang trí, ốp lát nền và tường cho sân trong giếng trời cũng đa dạng, từ thô mộc truyền thống cho đến hiện đại, tùy vào sở thích mà gia chủ có thể lựa chọn những loại chất liệu thể hiện được cá tính cho khoảng sân của mình cũng như phù hợp với ngôn ngữ kiến trúc chung của ngôi nhà.

Cảnh quan sân vườn trong nhà tạo môi trường vi khí hậu, tăng tiện nghi, giúp chúng ta tái tạo lại nguồn năng lượng sau một ngày làm việc vất vả hoặc đơn giản là giải tỏa áp lực cuộc sống trong đô thị bộn bề lo toan.

Sân trong thư giãn cân bằng cuộc sống đô thị @3become1 House – Space+

Giải pháp Vườn trên mái “Roof garden”

Việt Nam là đất nước có điều kiện tự nhiên nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều vì vậy vườn trên mái với hệ thảm thực vật được trồng trên mái nhà, tum, sân thượng, ban công,… vừa tạo ra thêm không gian cảnh quan xanh mát, thư giãn trong điều kiện diện tích thiếu thốn, đồng thời cũng là lớp cách nhiệt hiệu quả, hấp thụ bức xạ mặt trời, giúp làm mát các không gian bên dưới mái nhà.

Một khu vườn trên mái cho nhà phố đô thị ©3become1 House – Space+

Vườn trên mái có thể cung cấp bổ sung thêm nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình, đặc biệt hiệu quả trong các giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, thiên tai. Ngoài ra vườn trên mái còn giúp tiết kiệm nước cho việc tưới tiêu do lượng nước mưa được thấm và giữ lại trên các lớp đất trồng, qua đó còn có thể làm giảm áp lực thoát nước chung cho ngôi nhà và hệ thống thu gom nước trong khu vực xung quanh.

Giải pháp Vườn treo tường – Vườn đứng “vertical garden, green wall, living wall”

Là một hình thức thiết kế khu vườn theo chiều thẳng đứng, tận dụng phủ cây xanh lên các bức tường trống, không chiếm diện tích sàn, phù hợp với nhà ở đô thị. Vườn tường tạo ra hiệu ứng màu sắc, sự xanh mát trên mặt đứng công trình.

Cây xanh trên mặt đứng che nắng cho ngôi nhà ©Wave House Space+

Cũng giống như vườn trên mái, vườn thẳng đứng hấp thụ bức xạ mặt trời tác động trực tiếp lên bề mặt tường, giúp cho không gian bên trong nhà được mát mẻ, làm giảm các tác động của mặt trời lên mặt ngoài ngôi nhà, hạn chế sự nứt nẻ, co ngót, thấm dột do mưa nắng nhiệt đới.

Mảng xanh theo chiều đứng có thể hoạt động như một hàng rào cản và tiêu âm, hạn chế tiếng ồn từ bên ngoài tác động vào bên trong nhà. Bên cạnh đó nó cũng có chức năng lọc bớt khói bụi ô nhiễm từ môi trường, tạo độ ẩm, giảm nhiệt độ, cân bằng môi trường vi khí hậu.

Cây xanh cho vườn thẳng đứng thường là các loại cây lá bản địa, chịu nóng, chịu hạn tốt, chịu gió, không cần quá nhiều đất. Một số hình thức trồng cây trên vườn tường hiện nay được sử dụng như trồng trong các túi treo bằng vải địa, các loại dây leo thả như: cúc tần ấn độ, lan hoàng dương, hoặc đơn giản và tiết kiệm hơn có thể trồng các loại dây bám tường như: trầu bà, thằn lằn, thường xuân,… 

Một số lưu ý khi thiết kế và xây dựng khu vườn sinh thái

Hầu hết các khu vườn đều được cấu thành bởi các yếu tố: đất, nước, không khí, động thực vật… Do đó để tạo ra một khu vườn thân thiện với môi trường cần hướng đến mô hình thuận tự nhiên, cân bằng sinh học.

Việc sử dụng phân bón hóa chất và các loại thuốc diệt cỏ, trừ sâu có thể tiêu diệt hệ vi sinh vật và theo thời gian làm cho đất trở nên cằn cỗi, ảnh hưởng đến sự sống phát triển của cây cối trong khu vườn. Do đó chỉ nên kiểm soát sâu bệnh bằng các phương pháp hữu cơ truyền thống như gừng, ớt, tỏi, bồ hòn… hoặc các loại thiên địch, không ảnh hưởng đến môi trường và con người.

Nước cũng là một trong những thành phần thiết yếu trong một khu vườn sinh thái như ông bà ta có câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Có nhiều giải pháp để tạo ra nguồn nước bền vững cho khu vườn như tích trữ và sử dụng nước mưa, vườn mưa, hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước… Ngoài ra cây trồng được lựa chọn phù hợp với khí hậu địa phương, thổ nhưỡng để chúng có thể tự duy trì sự sống mà không cần tưới tiêu quá nhiều hàng ngày, phát triển tự nhiên theo chu kỳ các mùa trong năm.

Giải pháp khu vườn sinh thái cho ngôi nhà đô thị đạt chứng chỉ bền vững Lotus hạng Vàng
của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) ©K-Villa – Space+

Đặc biệt nên chú ý đến yếu tố bền vững của vật liệu trong vườn sinh thái, cần hạn chế tối đa việc sử dụng vật liệu nhựa vì chúng rất khó phân hủy vào môi trường, nên lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường như gỗ, đá, sỏi… Sự kết hợp của hệ thực vật phong phú cùng với những vật liệu hữu cơ sẽ làm cho khu vườn trở nên xanh mát, tự nhiên, đa dạng sinh học và góp phần bảo vệ hệ sinh thái.

Kết luận

Chia sẻ cùng Tạp chí Kiến Trúc Việt Nam, Kiến trúc sư Trần Công Danh (sáng lập Văn phòng Thiết kế Space+) cho biết: “Vườn sinh thái là một phần tất yếu của xu hướng phát triển bền vững của thời đại ngày nay. Các khu vườn sẽ góp phần gia tăng mảng xanh đô thị, là nơi tạo ra các không gian cảnh quan thư giãn, nâng cao đời sống tinh thần cho con người và vẫn đảm bảo được sự hài hòa với thiên nhiên, môi trường, định hướng – tác động về ý thức về bảo vệ môi trường tự nhiên, giảm thiểu sự tác động đến biến đổi khí hậu.

Phác họa về thành phố Melbourne trong tương lai nếu sử dụng các giải pháp vườn sinh thái cho đô thị © City of Melbourne

Vai trò của người thiết kế cần nghiên cứu ứng dụng các giải pháp thiết kế linh hoạt, thông minh để tích hợp khu vườn sinh thái vào các không gian kiến trúc đa dạng trong đô thị với các quy mô lớn nhỏ khác nhau, mà vẫn luôn đảm bảo được các yếu tố hài hòa, thuận tự nhiên, hiệu quả, tiết kiệm cũng như phát huy tối đa các giá trị truyền thống.

Tài liệu tham khảo:

  1. University of Minnesota Extension https://extension.umn.edu/landscape-design/rain-gardens
  2. https://www.motherearthnews.com/diy/natural-swimming-pool-zmaz02aszgoe
  3. Hội đồng công trình Xanh Việt Nam (VGBC)
  4. Wikipedia và các thông tin tổng hợp từ Internet

Giới thiệu Tác giả:

Thạc sỹ Kiến trúc sư Trần Công Danh tốt nghiệp bằng Kiến trúc sư Nhà nước tại Trường Kiến trúc quốc gia Paris La Villette, Paris, Pháp và Thạc sỹ Khoa học Kỹ thuật Kiến trúc tại Trường Kiến trúc quốc gia Bordeaux, Pháp.

Sau hơn 10 năm học tập – làm việc tại Pháp, anh đã trở về Việt Nam và hiện đang giảng dạy, nghiên cứu Kiến trúc Bền vững tại Khoa Kỹ thuật Xây dựng, trường Đại học Bách Khoa, thuộc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.

Anh cũng là người sáng lập và là Kiến trúc sư trưởng của văn phòng Tư vấn Thiết kế Space+ (https://spaceplus.design) với các công trình có xu hướng thiết kế bền vững áp dụng các giải pháp kiến trúc sinh thái và hiệu quả năng lượng như:
● K-Villa: công trình đầu tiên tại Cần Thơ có chứng chỉ Xanh hạng Vàng chứng nhận bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam;
● 3Become1: ngôi nhà cải tạo tại Sóc Trăng với thiết kế hiệu quả năng lượng;
● Trung tâm Nghiên cứu Nước và Biến đổi Khí hậu – Đại học Quốc Gia TPHCM;
● Và một số công trình trong và ngoài nước khác…

Ths.KTS Trần Công Danh