17/08/2020

Không gian mặt nước đặc trưng trong hình thái & cấu trúc làng xã truyền thống vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng

Người Việt Nam có ngạn ngữ “làng nước”, như để ám thị mối quan hệ có tính biện chứng giữa “làng” và “nước”, đại diện cho đất nước, con người – tinh thần dân tộc, có nền sản xuất nông nghiệp và văn minh lúa nước truyền thống. Văn minh lúa nước là nền tảng căn bản của văn hoá đồng bằng châu thổ sông Hồng (ĐBSH), cái nôi và là tiền đề để hình thành các làng nghề. Từ khi bắt đầu thiết lập làng nghề, mặt nước đã gắn liền lễ hội văn hóa, hoạt động sản xuất nghề và môi trường sinh thái của làng.

Không gian mặt nước (KGMN) được xem là một trong những bộ phận của kết cấu hạ tầng quan trọng của làng nông thôn Việt Nam. Chúng mang yếu tố cốt lõi của hệ thống hạ tầng xanh, điều chỉnh khí hậu, phản ánh cách bố trí và mối quan hệ giữa các khu vực chức năng, đảm bảo sự liên kết có hình thái cấu trúc KGMN một cách hợp lý[3]. KGMN được cấu thành bởi 03 yếu tố: (1) Thành phần chức năng; (2) Mối quan hệ, liên kết giữa các chức năng; (3) Loại hình KGMN (vật thể hóa cấu trúc ở cấp độ vùng, làng, điểm).

DCIM100MEDIADJI_0028.JPG

Thực trạng KGMN

Trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa (từ 1986 đến nay), đời sống kinh tế ở làng ngày càng phát triển, ngược lại, vai trò KGMN đối với cộng đồng dân cư nông thôn dần bị suy giảm. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, nhiều hồ ao trong và ngoài làng đã bị chuyển đổi thành khu vực đất xây dựng (đất xây dựng các công trình sản xuất, dịch vụ, đất ở mới, tái định cư, đấu giá…). Những ao hồ còn sót lại bị kè cứng bờ bao trở thành các “bể nước mưa” làm đảo lộn chu trình sinh địa hóa tự nhiên vốn có [8]. Một số mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái làng xã đã bị biến mất, cây trồng ven bờ bị chặt phá, mức độ ô nhiễm mặt nước tăng cao…. Điều đó đã làm đứt đoạn các chu trình chuyển hóa của các hệ sinh thái tự nhiên.

Kết quả điều tra khảo sát hiện trạng tại các xã cho thấy diện tích KGMN từ năm 2010 đến năm 2020 đã bị thu hẹp đáng kể. Diện tích sông bị thu hẹp là 15%; trong khi đó, diện tích ao hồ bị thu hẹp là 30%; diện tích mặt nước sản xuất bị thu hẹp là 45%.

IMG_1476

Qua đánh giá khảo sát thực tế có thể thấy thực trạng KGMN như sau:

  • Các con sông tự nhiên bị chết dần, do bê tông hóa bờ sông, dòng chảy bị thu hẹp và đứt đoạn, mặt nước ô nhiễm rất nặng nề.
  • Ao hồ trong và ngoài làng mất dần vai trò văn hóa và giá trị sinh thái. Một số ao bị lấp để xây nhà văn hóa, vườn hoa, chia lô bán nền…
  • Ao hồ cho sản xuất nuôi trồng thủy sản không đóng góp nhiều cho sự cân bằng sinh thái làng xã và cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
  • Khai thác ao hồ cho các hoạt động dịch vụ du lịch như ẩm thực truyền thống, dã ngoại,.. một cách tự phát, manh mún thiếu quản lý. Dẫn đến, hệ thống KGMN bị phân nhỏ, giảm tính liên kết về sinh thái chung.
  • Ao hồ gắn với công trình công cộng như UBND xã, nhà văn hóa, trường học… bị khoanh vùng, chiếm dụng thành không gian riêng.
  • Ao hồ gắn với công trình hạ tầng đầu mối kỹ thuật như là khu vực thoát nước, cấp nước và xử lý nước thải, làm môi trường bị ô nhiễm rất nghiêm trọng (trạm bơm nước, kênh thoát nước thải).

Nhóm tác giả đã nghiên cứu về các làng truyền thống với 3 nhóm chính là làng nghề, làng thuần nông và làng đô thị hóa cao. Trong đó đi sâu khảo sát 6 làng: Làng Chuông (nón), Làng Nha Xá (dệt), Ước Lễ (giò chả) đại diện cho nhóm làng nghề với các nghề có hoạt động sản xuất gắn bó với KGMN, làng Hành Thiện, Hội Yên đại diện cho các làng thuần nông, làng Hạ Hồi đại diện cho các làng Đô thị hóa cao.

Đối tượng nghiên cứu cụ thể: Mặt nước tự nhiên (sông, hồ), mặt nước gắn với công trình di tích (ao đình, ao chùa, giếng cổ), nhà ở (ao phục vụ tưới tiêu, nuôi thả cá), dịch vụ du lịch vui chơi giải trí (ao hồ tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch), sản xuất nông nghiệp (đồng ruộng, kênh mương tiêu thoát nước).

KGMN trong Cấu trúc làng xã truyền thống tại Đồng Bằng châu thổ Sông Hồng

Hình thái KGMN làng Nha Xá, Hà Nam

Hình thái KGMN làng Nha Xá, Hà Nam

Cấu trúc KGMN trong làng xã

KGMN luôn là một thành tố quan trọng trong nghệ thuật kiến trúc cảnh quan, trong ngôn ngữ hình thái học cảnh quan. Việc phân bố, quy mô của KGMN định hướng hình thái cấu trúc của làng.

– KGMN nhỏ và phân tán trong làng (Nha Xá, Hà Nam): Làng có cấu trúc phân nhánh kiểu cảnh cây, lấy trục đường chính làm chủ đạo, sau đó phân nhánh ra các khu vực dân cư.

– KGMN nhỏ và nằm rìa làng (Ước lễ, Hà Nội): Làng có cấu trúc tập trung, các công trình trọng tâm được bố trí điểm cao nhất của làng, lấy đình, chùa làm không gian chủ đạo. Các tuyến giao thông từ ngoài làng kết nối với công trình trung tâm tạo thành cấu trúc không gian của làng.

– KGMN lớn, nằm ngoài làng (làng ven sông Đáy, Chuông, Hà Nội): Làng có cấu trúc răng lược, lấy tuyến giao thông (đê sông) làm trục chủ đạo, lấy khu vực giáp sông là hướng bố trí đình chùa.

– KGMN lớn, bao quanh làng (Hành Thiện, Nam Định): Mặt nước bao quanh làng, tạo nên hình thái độc đáo của làng (hình con cá chép), các vị trí công trình quan trọng của làng được bố trí tại các điểm quan trọng của “con cá” như mắt, đầu, lưng, đuôi,…

Bên cạnh đó, KGMN gắn với di tích tạo nên những tổ hợp không gian cảnh quan đặc trưng của làng như: (1) Tổ hợp cảnh quan đình, chùa ao làng; (2) Tổ hợp cảnh quan cổng làng, ao làng; (3) Tổ hợp cảnh quan vườn cây, ao cá trong nhà ở; (4) Tổ hợp cảnh quan ao làng, giếng làng và nhà ở truyền thống; (4) Tổ hợp cảnh quan bến nước, con thuyền.

KGMN có vai trò định hình cấu trúc cảnh quan các công trình công cộng (UBND xã, Trường học, Nhà văn hóa, Trạm y tế,…), giúp cho các công trình công cộng có cơ hội phô diễn và nhờ đó và nâng giá trị thẩm mỹ của các công trình.

KGMN với vai trò hạ tầng kỹ thuật của làng

KGMN là thành phần trong hệ thống thoát, chứa nước mưa của làng, gồm:

  • Ao hồ trữ nước mưa, hỗ trợ cho cấp nước sinh hoạt, sản xuất khi vào mùa khô, thiếu nước cấp từ sông (Hồ điều hòa).
  • Ao hồ thu gom và xử lý nước thải phân tán bằng ao hồ sinh học.
  • Hệ thống ao hồ xử lý nước thải phân tán cho nhóm gia đình, mỗi thôn. Bố trí trước khi nước thải ra ao hồ sinh học.
  • Hệ thống ao hồ chung gắn với xử lý nước thải bằng ao hồ sinh học, hình thức xử lý nước thải phân tán ở khu vực biên.

KGMN là thành phần không thể thiếu trong quy trình xử lý nước thải tại làng.

KGMN trong hệ sinh thái làng xã

Không gian mặt nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn và cảnh quan của làng xã truyền thống người Việt.

KGMN trong hệ sinh thái đô thị và nông thôn: Là hệ sinh thái nhân tạo, trong đó, hành lang xanh bám theo dòng sông là vùng đệm chuyển tiếp từ hệ sinh thái tự nhiên sang hệ sinh thái nhân tạo. Chức năng của KGMN vùng ngoại thành: Cung cấp lương thực, thực phẩm cho đô thị; Khắc phục ô nhiễm môi trường nước, không khí; Dự trữ quỹ đất cho sự phát triển đô thị; Tạo ra khu vực dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí phục vụ đô thị.

KGMN trong hệ sinh thái làng: Hệ sinh thái làng xã truyền thống là hệ sinh thái có tính độc lập, nhiều chu trình khép kín. Trong làng xã thuần nông, khu dân cư và đồng ruộng là những hệ sinh thái cơ bản, mặt nước vừa là yếu tố trung gian, kết nối vừa là chức năng chính trong hệ sinh thái.

KGMN trong hệ sinh thái hộ gia đình gắn với mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) có thể coi là một đơn vị cân bằng sinh thái, là các chu trình khép kín về dinh dưỡng, chất thải [1].

Giá trị văn hóa của KGMN

KGMN là yếu tố cấu thành lên giá trị văn hóa truyền thống làng xã, gắn liền với truyền thuyết, giá trị lịch sử văn hóa.

Về khía cạnh không gian, KGMN là bộ phận của quần thể các di tích lịch sử văn hóa làng xã. Từ ngàn đời xưa, cộng đồng dân cư Việt cổ đã xây dựng đình làng với lối kiến trúc gắn liền với ao (hay còn gọi là ao đình) để tạo cảnh quan đẹp cho ngôi đình làng và cũng gắn liền với ý nghĩa tâm linh.

KGMN gắn với các hoạt động lễ hội của làng hàng năm là được tổ chức trên mặt nước như hát quan họ, thổi cơm thi trên thuyền, đua thuyền, thi bơi, thi bắt vịt

KGMN gắn với các hoạt động của nghi thức tâm linh làng xã của Phật giáo như phóng sinh các loại thủy sinh cá, lươn, trạch, ốc… Trong ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường mua cá chép về làm lễ sau đó thả ra ao, ngòi, sông, hồ…

Cấu trúc KGMN làng Ước Lễ

Cấu trúc KGMN làng Ước Lễ

KGMN trong vai trò kinh tế – sản xuất

KGMN trong phát triển nông nghiệp theo hướng xanh bền vững: trong mô hình sinh thái VAC, ao để nuôi cá, nuôi vịt, nuôi ngan, kết hợp với chăn nuôi gà, nuôi lợn, nuôi bò; Và những chỗ đất cao (tận dụng đất ao đào lên) để trồng những cây ăn quả lâu năm như chuối, xoài, cam canh, bưởi và một số cây ăn quả theo mùa vụ như đu đủ, dưa lê…

KGMN trong phát triển hoạt động kinh tế tiểu thủ công nghiệp: Nước là cội nguồn nuôi dưỡng vật liệu làng nghề (tre, lứa, gỗ, tơ tằm, đất, kim loại…), là loại vật liệu không thể thiếu trong suốt quá trình sản xuất của làng nghề như ngâm tre (làng mây tre đan), nhào nặn đất (làng gốm sứ), nhuộm vải (làng dệt lụa), đánh bóng (làng sơn mài)…

KGMN trong hoạt động dịch vụ du lịch: Phát huy giá trị cảnh quan và các giá trị văn hóa truyền thống gắn với KGMN làng xã để hình thành dịch vụ du lịch khác như câu cá, vui chơi giải trí du lịch sinh thái.

Giải pháp nâng cao vai trò, giá trị của KGMN

Nguyên tắc tái cấu trúc KGMN

Tái cấu trúc KGMN là quá trình thực hiện 4 nội dung đồng thời:

– Khôi phục hệ sinh thái mặt nước tự nhiên nhằm tạo lập các trục không gian chủ đạo của KGMN: (1) Khôi phục các dòng chảy tự nhiên, hệ sinh thái của sông: Loại bỏ những đập ngăn nước, thay kết cấu kè bờ cứng bằng kè mềm; (2) Khôi phục hệ sinh thái mặt nước ao hồ: Thay thế kè bờ cứng bằng kè mềm;

– Duy trì không gian xanh đã có:

  • Duy trì KGMN gắn với di sản văn hóa dựa trên bảo tồn giá trị di sản văn hóa: Khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt di tích lịch sử văn hóa – tôn giáo tín ngưỡng và khu vực mặt nước.
  • Duy trì KGMN gắn với điểm dân cư nông thôn: Phát triển hệ thống các công trình nhà ở và hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng sinh thái, trên cơ sở bảo vệ diện tích ao hồ.
  • Duy trì KGMN gắn với khu vực dịch vụ – vui chơi giải trí: Khai thác phát triển hệ thống kinh tế dịch vụ dựa trên tài nguyên sinh thái, cảnh quan và tài nguyên di sản văn hóa gắn với mặt nước bao gồm bổ sung KGMN mới: Chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp có hiệu quả sử dụng thấp, đất bỏ hoang sang đất mặt nước, tạo tính kết nối liên tục của mặt nước có sẵn; Kiểm soát các chức năng khác: đảm bảo mật độ xây dựng, quy mô, tỷ trọng chiếm đất trong KGMN

DCIM100MEDIADJI_0023.JPG

Tạo lập và phục hồi các liên kết KGMN

Liên kết các hệ thông KGMN trên khía cạnh môi trường, sinh thái:

Tuân thủ nguyên tắc tạo tính khu vực và tính liên kết khu vực cho các KGMN, tránh bị chia cắt thành những khu vực nhỏ: Liên kết hệ thống mặt nước tạo sự phát triển đa dạng sinh học trong sinh thái mặt nước nông; Liên kết hệ thống cây xanh ven bờ tạo sự đa dạng phát triển của các loài chim, thú nhỏ, tăng cường hệ sinh thái trên cạn.

Tổ chức hoạt động du lịch:

Với hệ thống các chức năng đa dạng trong KGMN, có thể tổ chức rất nhiều hoạt động du lịch, tuyến du lịch như: (1) Du lịch làng xã truyền thống: Khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, hoạt động sản xuất gắn với KGMN, tổ chức các dịch vụ du lịch “homestay” gắn với mô hình “VAC”. (2) Du lịch văn hóa, tâm linh: Thăm quan các di tích, di sản văn hóa, lễ hội, các công trình tôn giáo tín ngưỡng gắn với mặt nước. (3) Du lịch nông nghiệp: Tìm hiểu văn hóa “Lúa nước” truyền thống, sản vật nông nghiệp địa phương đặc thù, giá trị cảnh quan nông nghiệp (mùa nước lũ, mùa lúa chín, mùa hoa cải…). (4) Du lịch sinh thái.

 Kết nối các hoạt động dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí, thể thao:

Tổ chức các hoạt động kết nối sau: Các tuyến đi xe đạp thể thao và các điểm cảnh quan, các điểm dịch vụ ẩm thực trong làng theo đường ven sông hồ; Tạo các tuyến mặt nước lớn để tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước như bơi lội, đua thuyền; Tạo lập các chuỗi dịch vụ ẩm thực đồng quê ven sông hồ, vui chơi giải trí gắn với mặt nước, thăm quan di sản – làng nghề thành tuyến du khảo đồng quê hấp dẫn; Cân nhắc việc đầu tư loại hình vui chơi giải trí sao cho phù hợp với các đặc trưng riêng, tránh trùng lặp với các trong làng.

Kết luận

KGMN là thành phần không thể thiếu được trong hệ sinh thái tự nhiên và giá trị văn hóa của làng truyền thống vùng ĐBSH. Tái cấu trúc KGMN làng truyền thống là một công việc mang tính thực tiễn góp phẩn cải thiện môi trường làng, thúc đẩy phát huy giá trị làng nghề. Với những phân tích đánh giá thực trạng bối cảnh hệ thống KGMN làng, bài tham luận đã đưa ra các giải pháp tái cấu trúc KGMN về nguyên tắc và giải pháp liên kết cấu trúc. Trên cơ sở các giải pháp này, chính quyền địa phương có thể đề xuất và triển khai các dự án, chương trình phát triển cụ thể để cải tạo KGMN làng.

Phùng Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Văn Tuyên, Phạm Anh Tuấn, Dương Quỳnh Nga – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng

ntm (2)