13/01/2021

Hướng đi nào cho công trình xanh Việt Nam

(TCKTVN 231) – Năm 2020 là một năm khủng hoảng của thế giới về thảm họa môi trường. Từ cháy rừng diện rộng xảy ra khắp các lục địa đến các trận siêu bão nối tiếp nhau dẫn đến lụt lội, lở đất kinh hoàng trên nhiều châu lục.

Nhiều nhà khoa học cho rằng nguyên nhân của các thảm họa nêu trên là sự phản ứng lại của thiên nhiên đối với sự tàn phá môi trường từ con người kéo dài suốt nhiều thế kỷ qua. Kể cả đại dịch Covid-19 đang bao phủ toàn cầu suốt năm 2020, cướp đi sinh mạng trên 1,5 triệu người và gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế toàn thế giới với mức tăng trưởng âm 4-5% trong năm qua cũng được xem là một thảm họa thiên nhiên. Trong tình hình đó, Việt Nam đang là một trong những điểm sáng của thế giới khi kiểm soát rất tốt đại dịch, giữ được mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Một điểm sáng khác ở Việt Nam tuy nhỏ nhưng đáng kể đối với việc bảo vệ môi trường chính là tuần lễ Công trình xanh (CTX) Việt Nam diễn ra vào trung tuần tháng 12/2020 tại Hà Nội, do Bộ Xây dựng tổ chức. Đây là sự kiện đã đánh dấu một cột mốc mới cho thấy sự quan tâm thực sự của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước đối với phát triển CTX tại Việt Nam. Đã có nhiều bài phát biểu, bài trình bày liên quan đến phát triển CTX tại Việt Nam trong sự kiện này. Tuy nhiên, sau khi tham dự sự kiện, vẫn có nhiều đại biểu, nhiều khách mời, khán giả có những băn khoăn, trăn trở về nhiều vấn đề.

Toà nhà Liên hợp quốc tại Hà Nội là công trình đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) 1

Toà nhà Liên hợp quốc tại Hà Nội là công trình đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC)

Việt Nam sẽ phát triển CTX như thế nào?

CTX trên thế giới đã trở thành một trào lưu phát triển mạnh mẽ gần 3 thập kỷ qua. CTX được định nghĩa một cách đơn giản là những công trình ít gây hại cho môi trường. Thế giới hiện đang tập trung nhiều đến các giải pháp bảo vệ môi trường trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như: công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, giao thông vận tải xanh, xây dựng xanh… Trong đó CTX là một trong những giải pháp hạn chế tác động đến môi trường của ngành Xây dựng.

Để tránh nhầm lẫn với các công trình được quảng cáo là CTX nhưng thực chất không phải, vẫn gây hại rất nhiều cho môi trường, từ thập niên 1990, các nước tiên tiến đã xây dựng bộ công cụ (hay hệ thống) đánh giá CTX bao gồm rất nhiều các tiêu chí xanh khác nhau. Chỉ những công trình đạt đủ các tiêu chí xanh cần thiết thông qua một tổ chức chuyên nghiệp xem xét, đánh giá nghiêm ngặt mới được cấp chứng nhận là CTX thực sự.

Nếu xem qua tất cả các tiêu chí đánh giá công CTX của nhiều nước trên thế giới sẽ thấy một CTX thực sự sẽ luôn đáp ứng được 5 tiêu chí xanh cơ bản sau:

(1) Sử dụng năng lượng hiệu quả
(2) Sử dụng nước hiệu quả
(3) Sử dụng hiệu quả và bảo tồn nguyên vật liệu
(4) Bảo tồn hệ sinh thái, môi trường sống tự nhiên
(5) Tạo dựng một môi trường trong nhà an toàn và tiện nghi

Các CTX khi đáp ứng tiêu chí 1 sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giúp giảm áp lực cho ngành năng lượng quốc gia; Ở tiêu chí 2 là tiết kiệm nước giúp ngành cấp nước giảm tải đồng thời bảo tồn nguồn nước sạch; Sử dụng vật liệu hiệu quả (tiêu chí 3) giúp bảo tồn các nguồn tài nguyên vật liệu dưới lòng đất, giảm thiểu tác hại của rác thải đến môi trường; Bảo tồn hệ sinh thái (tiêu chí 4) giúp duy trì rừng tự nhiên, hạn chế được lũ lụt và bảo tồn các loài động vật thực vật nằm trong danh sách đỏ,…

Nói cách khác CTX sẽ giúp tiết kiệm ngân sách quốc gia rất nhiều bên cạnh việc đóng góp với thế giới để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ngoài ra, với tiêu chí thứ 5, CTX giúp bảo vệ sức khỏe người sử dụng, giúp giảm tải cho ngành y tế. Đặc biệt là giúp giảm bớt các “bệnh nền”, là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 1,5 triệu người trong năm qua khi bị lây nhiễm Covid-19.

CTX càng nhiều, hiệu quả mang lại càng cao, tiết kiệm được nhiều nguồn lực cho đất nước. Do vậy, việc phát triển CTX đang là một giải pháp mà nhiều quốc gia theo đuổi. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, kinh tế còn ở mức chưa cao thì cần thiết phải đi theo con đường này.

Con đường nào để phát triển nhanh nhất, đuổi kịp các nước về phát triển CTX?

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên cần nhìn lại xem CTX Việt Nam đang đứng ở đâu so với thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực.

Để phát triển CTX ở mỗi quốc gia thì trước tiên cần phải có một hệ thống đánh giá CTX chính thức. Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia có hệ thống đánh giá CTX cho riêng mình, trong đó hệ thống đánh giá CTX của Mỹ – LEED – là phổ biến hơn cả, có mặt ở rất nhiều nước với gần 100 ngàn dự án được chứng nhận LEED chính thức trên khắp thế giới (trong đó ở Mỹ đã có hơn 70 ngàn CTX).
Sự phổ biến của LEED rộng đến mức nhiều quốc gia đã sử dụng nguyên bản (hoặc chỉ điều chỉnh chút ít cho phù hợp với điều kiện địa phương) của LEED làm công cụ đánh giá CTX của nước mình. Với các quốc gia có hệ thống đánh giá CTX riêng biệt (tạm gọi là chứng nhận xanh của địa phương) thì trên thực tế trong số các CTX tại các quốc gia này bên cạnh các công trình đạt chứng nhận xanh của địa phương vẫn có nhiều công trình lấy chứng nhận xanh của LEED.

Việt Nam bắt đầu có CTX đầu tiên vào năm 2010 và cũng không nằm ngoại lệ khi đến nay sau 10 năm phát triển, đã có 31 công trình đạt chứng nhận xanh chính thức của LOTUS (hệ thống đánh giá CTX riêng của Việt Nam) và 91 công trình đạt chứng nhận xanh chính thức của LEED. Ngoài ra còn có một vài công trình đạt chứng nhận xanh của quốc gia khác như Green Mark – Singapore, DGNB – Đức,…
Bên cạnh đó một số lượng không nhỏ các công trình đạt chứng nhận EDGE – theo các chuyên gia là chứng nhận ở mức “bán xanh” (chỉ đạt 3/5 tiêu chí cơ bản của CTX).

image001
Biểu đồ 01 cho thấy tính về tổng số lượng công trình đạt chứng nhận xanh của LEED và chứng nhận xanh địa phương (LOTUS), Việt Nam đang xếp sau Philippines, Thái Lan, Malaysia, và đặc biệt còn cách rất xa so với Singapore, một đảo quốc có diện tích chỉ bằng 1/3 diện tích TPHCM nhưng hiện đã có trên 2.500 CTX. Có nghĩa mục tiêu trước mắt của Việt Nam sẽ là làm sao phát triển CTX theo kịp các nước trong khu vực trước khi nghĩ đến đuổi kịp các nước tiên tiến khác trên thế giới. Kinh nghiệm phát triển CTX của các nước cho thấy chỉ khi hình thành được “thị trường CTX” thì tốc độ phát triển CTX mới đẩy nhanh được.

Việt Nam đã hình thành “thị trường CTX” hay chưa?

Để xác định một thị trường đã hình thành hay chưa thì thường phải căn cứ vào một số yếu tố. Ví dụ trước đây, khoảng đầu thập niên 2000, người dân Việt Nam quen ở nhà phố, biệt thự – nhà trên mặt đất nên chưa có nhu cầu ở nhà chung cư cao tầng. Vì vậy một số nhà đầu tư xây dựng chung cư giai đoạn này đã không bán được dù giá rẻ, có nghĩa khi đó thị trường nhà chung cư chưa hình thành. Sau đó một thời gian, người dân quen dần với các tiện ích có được từ nhà chung cư và nhu cầu ở nhà chung cư dần hình thành khiến nhà chung cư phát triển nóng trong thập niên tiếp theo, giá nhà chung cư tăng cao liên tục. Nói cách khác, giai đoạn này “thị trường nhà chung cư” đã hình thành.

Nhìn lại thực tiễn CTX tại Việt Nam như các chung cư, nhà ở, văn phòng đã đạt chứng nhận xanh thì đa phần giá mua, giá thuê vẫn vậy, không có biến động, không khác biệt so với các chung cư, nhà ở, văn phòng bình thường. Có nghĩa “thị trường CTX” tại Việt Nam chưa có.

Một cách xác định khác về sự hình thành “thị trường CTX” là nhìn vào các tập đoàn đa quốc gia đang khai thác thị trường địa phương ứng xử thế nào với CTX.

Nếu xem trên danh sách CTX của Thái Lan sẽ thấy tập đoàn xe hơi Toyota đã có tổng cộng 36 showroom, văn phòng, trung tâm bảo hành đạt chứng nhận xanh của Thái Lan – TGBI (chưa kể 14 dự án khác của Toyota đã đăng ký chờ xét cấp chứng nhận xanh). Tập đoàn café Starbucks đã có 52 cửa hàng đạt chứng nhận xanh của LEED tại Thái Lan. Trong khi đó tại Việt Nam, các tập đoàn này chưa hề có ý định đăng ký chứng nhận CTX cho bất kỳ dự án nào trong số rất nhiều showroom, văn phòng, trung tâm bảo hành, hay cửa hàng của họ đang và sẽ mở cửa hoạt động tại Việt Nam.

Lý giải cho điều này là “thị trường CTX” tại Thái Lan đã hình thành, nhu cầu của xã hội Thái Lan đã có, do vậy các tập đoàn cần có chứng nhận xanh cho các công trình để tăng thêm sự tin tưởng của khách hàng, nâng cao giá trị thương hiệu của mình. Đối với Việt Nam, các tập đoàn này chưa có động tĩnh gì có thể được hiểu là “thị trường CTX” tại Việt Nam chưa hình thành.

Hướng đi nào để Việt Nam có thể hình thành “thị trường CTX”?

Thông thường sẽ có 2 cách:

Cách thứ nhất: Chính phủ sẽ truyền thông mạnh mẽ để cộng đồng nâng cao được nhận thức về bảo vệ môi trường. Khi đã có nhận thức cao về môi trường thì nhu cầu sống, làm việc, sinh hoạt trong các CTX của người sử dụng sẽ dần hình thành. Khi có cầu ắt có cung, các nhà đầu tư sẽ theo đó hướng đến đầu tư cho các dự án xanh nhiều hơn do giá trị của CTX sẽ cao hơn công trình bình thường.

Cách làm trên tương đối dễ với các nước Âu – Mỹ khi nhận thức về môi trường của cư dân các quốc gia này đã được hình thành từ rất lâu. Còn đối với Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhận thức cộng đồng còn thấp thì có thể sẽ lâu hơn rất nhiều, bởi việc thay đổi nhận thức cho một số lượng đông đảo người sử dụng đòi hỏi thời gian không chỉ vài năm mà có thể phải vài thập kỷ.

Cách thứ hai: Để rút ngắn thời gian, nhiều quốc gia sẽ chọn cách thứ 2 là tác động trực tiếp vào nhóm nhỏ các nhà đầu tư thay vì lượng lớn người sử dụng. Làm sao để nhà đầu tư thấy được các lợi ích trước mắt thông qua các chính sách ưu đãi bên cạnh các yêu cầu bắt buộc từ Chính phủ để họ quyết định đầu tư CTX.

Tại Singapore, bên cạnh các ưu đãi cho CTX, Chính phủ đã đưa các tiêu chuẩn xanh vào Quy chuẩn xây dựng quốc gia, dẫn đến chỉ sau hơn 10 năm Singapore trở thành quốc gia dẫn đầu về số lượng CTX không chỉ ở Đông Nam Á và còn có thứ hạng cao trên toàn thế giới.

Đài Loan cũng là quốc gia quy định các công trình vốn ngân sách phải đạt chứng nhận xanh giúp đảo quốc này phát triển CTX khá tốt hiện nay. Với các “ép buộc” đi kèm các ưu đãi của Chính phủ về xây dựng CTX chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn và đầu tư nhiều hơn vào loại hình công trình này, từ đó “thị trường CTX” tự nhiên được hình thành.

Cách thứ 2 chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả nhanh hơn so với cách thứ nhất. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp bền vững bởi khi chính sách của Chính phủ không còn nữa thì nhà đầu tư sẽ quay lưng ngay hoặc nhiều trường hợp nhà đầu tư sẽ lách luật, chỉ đáp ứng lúc đầu để nhận ưu đãi rồi sau đó thay đổi, không tuân thủ nữa, khi đó Chính phủ phải tổ chức thêm bộ máy kiểm soát chặt chẽ các CTX cả trước và sau khi xây dựng xong đi vào hoạt động.

Đối với Việt Nam, giải pháp tốt nhất là cần tiến hành song song theo 2 cách, vừa xây dựng chính sách ưu đãi các nhà đầu tư CTX để đẩy nhanh tiến trình phát triển CTX trong giai đoạn trước mắt nhưng vẫn phải xây dựng kế hoạch đường dài nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường vì đó mới là giải pháp bền vững nhất.

Trong năm 2019 dự án đề xuất lên Chính phủ cơ chế thúc đẩy phát triển CTX tại Việt Nam do TS.KTS Phạm Thúy Loan nghiên cứu và soạn thảo là một nỗ lực không nhỏ của Viện Kiến trúc Quốc gia thuộc Bộ Xây dựng theo cách làm thứ 2, trong đó có đề xuất công trình vốn ngân sách phải đạt chứng nhận xanh và khuyến khích các công trình tư nhân tham gia đăng ký chứng nhận xanh để được hưởng nhiều ưu đãi từ Chính phủ như: giảm thuế, ưu đãi vay vốn, tăng thêm hệ số sử dụng đất, rút ngắn thủ tục,… Vấn đề đặt ra là nếu Chính phủ áp dụng các đề xuất nêu trên thì cần thực hiện ra sao?

Công trình xây mới cần đạt chứng nhận xanh nào để được nhận các ưu đãi từ chính phủ?

Hiện nay tại Việt Nam đang có 3 nhóm công trình đạt chứng nhận xanh từ 3 hệ thống đánh giá khác nhau (xem chi tiết bảng 02): LEED (91 công trình), LOTUS (33 công trình) và EDGE (41 công trình) và đang có nhiều ý kiến từ các chuyên gia với nhiều lựa chọn khác nhau:

image003

(1) Chọn 1 trong 3 hệ thống: Theo cách này Chính phủ phải thành lập một hội đồng xét chọn để quyết định chọn hệ thống đánh giá CTX nào phù hợp.

Nếu chọn LEED – Hệ thống đánh giá CTX của Mỹ, các nhà đầu tư tư nhân, nhất là các dự án công nghiệp sẽ hoan nghênh bởi khi họ có được chứng nhận xanh của LEED thì ngoài việc nhận được ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam, công trình hay sản phẩm của họ cũng dễ tiếp cận với thị trường thế giới do LEED đang là hệ thống phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, các công trình vốn ngân sách sẽ phải tốn chi phí cao do bản thân phí đăng ký và cấp chứng nhận xanh của LEED đã cao hơn so với LOTUS hay EDGE. Ngoài ra toàn bộ hồ sơ đăng ký sẽ phải dịch sang tiếng Anh cũng sẽ tốn thêm chi phí chưa kể khác biệt về ngôn ngữ sẽ làm chậm tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó một số tiêu chí xanh của LEED chưa phù hợp hoàn toàn với điều kiện Việt Nam mà không thể bổ sung hay chỉnh sửa.

Nếu chọn LOTUS – Hệ thống đánh giá CTX dành riêng cho Việt Nam, chắc chắn sẽ thuận tiện hơn cho công trình vốn ngân sách bởi chi phí thấp hơn, hồ sơ đơn giản hơn vì có thể sử dụng tiếng Việt. Quá trình xem xét, đánh giá và cấp chứng nhận diễn ra trong nước nên thuận tiện hơn và nhanh hơn. Các tiêu chí xanh của LOTUS đã được hiệu chỉnh nhiều lần, khá phù hợp với điều kiện Việt Nam và cũng dễ dàng tiếp tục chỉnh sửa khi nhận được góp ý từ các ý kiến trong nước. Riêng đối với nhà đầu tư tư nhân, nhất là các dự án công nghiệp có sản phẩm tham gia thị trường quốc tế thì chứng nhận của LOTUS không mang lại nhiều lợi ích cho sản phẩm của họ.

Nếu chọn EDGE – Hệ thống đánh giá CTX của IFC thì có vẻ phù hợp với cả 2 đối tượng công trình vốn ngân sách và công trình tư nhân: chi phí lấy chứng nhận thấp nhất (so với LEED và LOTUS), thủ tục đăng ký, xét chọn cấp chứng nhận rất đơn giản, có thể thực hiện online hoàn toàn. Cũng vì các lý do này nên dù xuất hiện muộn hơn (2015) nhưng đến nay số CTX chứng nhận EDGE đã vượt qua LOTUS.
EDGE cũng đã bắt đầu phổ biến rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên so với LEED và LOTUS, hiệu quả từ các CTX chứng nhận của EDGE không nhiều đối với môi trường. Bởi công trình đạt chứng nhận EDGE chỉ cần đáp ứng 3 tiêu chí cơ bản (từ 1 đến 3) mà không bao gồm tiêu chí bảo tồn hệ sinh thái và đặc biệt là chất lượng môi trường bên trong công trình, 1 tiêu chí xanh mà sau đại dịch Covid-19 có vẻ mọi người đang rất quan tâm, và đòi hỏi cả các công trình bình thường cũng phải tuân thủ.

(2) Chọn LEED và LOTUS, không chọn EDGE: Từ những phân tích trong chọn lựa (1) có lẽ mọi người sẽ nghĩ đến chọn lựa (2): loại EDGE và giữ lại LEED và LOTUS. Theo cách này thì các công trình vốn ngân sách sẽ lấy chứng nhận xanh của LOTUS, các công trình tư nhân có thể tùy chọn, khi có nhu cầu tham gia thị trường thế giới thì có thể chọn LEED.

(3) Chọn cả LEED, LOTUS và EDGE là một lựa chọn khác. Chọn lựa này cũng hợp lý khi cả 3 nhóm CTX theo 3 hệ thống này đang phát triển thì Chính phủ nên thúc đẩy cho cả 3. Khi đó Chính phủ cần chia mức ưu đãi ra nhiều cấp tương ứng với mức đóng góp bảo vệ môi trường của từng nhóm CTX.

(4) Chọn tất cả, kể cả các chứng nhận xanh của nhiều công cụ đánh giá CTX khác như Green Mark – Singapore, DGNB – Đức, HQE – Pháp, TGBI – Thái Lan, GreenIndex – Malaysia, GreenShip – Indonesia, Berde – Philippines… Đây cũng là một giải pháp hỗ trợ cho cả các dự án có vốn đầu tư nước ngoài muốn tham gia thị trường CTX tại Việt Nam. Tuy nhiên cách này sẽ khiến Chính phủ khó quản lý do các chứng nhận xanh thuộc các nước đang phát triển sẽ không đồng đều về chất lượng nên sẽ khó phân định mức độ ưu đãi.

(5) Không chọn hệ thống nào, Chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đánh giá CTX riêng và các công trình muốn nhận ưu đãi phải đạt chứng nhận xanh của hệ thống đánh giá CTX mới này. Đây là chọn lựa có vẻ như được nhiều đại biểu trong nước tán thành bởi quan điểm độc lập, tự chủ đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt.

THVINC~1

Thư viện Công cộng Đài Bắc Chi nhánh Beitou là một tòa nhà thân thiện với môi trường, là tòa nhà đầu tiên ở Đài Loan đủ tiêu chuẩn xếp hạng kim cương cao nhất theo hệ thống chứng nhận EEWH của chính phủ

Cần bao lâu để có thể xây dựng 1 bộ công cụ đánh giá CTX riêng biệt cho Việt Nam?

Bộ công cụ LOTUS dành riêng cho Việt Nam đã được bắt đầu biên soạn từ năm 2005, do 2 KTS người nước ngoài (Melissa Merryweather và Yanik Millet) chủ trì, kết hợp với một số chuyên gia Việt Nam và quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau thực hiện. Bộ công cụ này được biên soạn dựa trên bộ công cụ LEED của Mỹ và một số các bộ công cụ của các nước khác.

Đến năm 2010, nhóm biên soạn mới phát hành phiên bản đầu tiên dành cho công trình xây mới mang tên LOTUS. Sau đó LOTUS được hiệu chỉnh nhiều lần, đồng thời cũng phát hành thêm nhiều bộ công cụ dành cho các nhóm công trình khác như nhà ở, công trình cải tạo, công trình nội thất,…

Đến nay, sau 15 năm tính từ khi bắt đầu biên soạn thì LOTUS cũng chưa có đủ các bộ công cụ cho các thể loại công trình như LEED đã có (7 của LOTUS so với 10 của LEED). Đi vào chi tiết sẽ thấy phần đề ra các tiêu chí xanh cho bộ công cụ LOTUS (Việt Nam) chỉ vài trang thì không mất nhiều thời gian nhưng phần biên soạn bộ hướng dẫn áp dụng (đến hơn 300 trang) thì tốn nhiều công sức hơn, đòi hỏi nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực như kỹ thuật, sinh học, y học, xã hội học… cùng tham gia.

Bộ Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam 09 áp dụng cho công trình hiệu quả năng lượng sau thời gian nghiên cứu, phiên bản đầu tiên ban hành năm 2005 (không sử dụng được), phiên bản thứ 2 ban hành năm 2013 (vẫn chưa sử dụng thuận tiện) và phải đến năm 2017 mới có phiên bản thứ 3 tương đối hoàn chỉnh và đang được áp dụng cho đến nay. Tổng cộng mất khoảng 15 năm để hoàn thành bộ quy chuẩn này.

Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn còn thiếu một số quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với chuẩn quốc tế và cần thiết cho các tiêu chí xanh. Ví dụ: Tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong nhà cần thiết cho tiêu chí xanh cơ bản thứ 5 – Chất lượng môi trường trong công trình, hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu; Hệ thống công trình chuẩn (baseline buildings) riêng của Việt Nam trên nhiều vùng khí hậu khác nhau từ Bắc đến Nam, làm cơ sở để so sánh, đánh giá mức độ hiệu quả năng lượng của CTX vẫn chưa được xây dựng sẽ rất khó để xác định rõ mức tiết kiệm năng lượng của mỗi công trình cụ thể là bao nhiêu vì không có gì để so sánh.

Để hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đã nêu sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa. Từ thực tiễn trên cho thấy thời gian để hoàn thành bộ công cụ đánh giá CTX riêng biệt cho Việt Nam đã không dưới 15 năm.

Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, kiến nghị của tôi là nên kết hợp giữa 2 lựa chọn (3) và (5). Lựa chọn (3) được áp dụng tạm thời cho giai đoạn trước mắt để thúc đẩy đều cho 3 nhóm CTX kể trên. Tuy nhiên sẽ ưu tiên cho bộ công cụ LOTUS với mức ưu đãi cao nhất. Với LEED, nhà đầu tư đã có được lợi ích từ thị trường quốc tế thì ưu đãi từ Chính phủ sẽ thấp hơn. Riêng EDGE có hiệu quả môi trường thấp hơn nên sẽ nhận được ưu đãi ít nhất.

Lựa chọn (5) sẽ được tiến hành song song, có nghĩa bộ công cụ mới dành riêng cho Việt Nam sẽ được biên soạn cùng lúc khi lựa chọn (3) bắt đầu áp dụng. Đến khi nào hoàn thành thì sẽ thay thế cho bộ công cụ LOTUS hiện nay. Với cách chọn lựa phối hợp này sẽ không phải phá vỡ tiền lệ của Chính phủ nhưng vẫn đẩy nhanh được tốc độ phát triển CTX trong cả nước.

Tng kết

Phát triển CTX là điều tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ, hướng đi của CTX Việt Nam là tiến thẳng về phía trước. Để tiến về phía trước, tăng tốc phát triển CTX theo kịp các nước, hình thành được thị trường CTX thì cần thiết có sự tham gia của Chính phủ ngay từ bây giờ. Kế hoạch thực hiện cần có cả bước dài lẫn bước ngắn.

Áp dụng chính sách ưu đãi cho CTX dựa trên các hệ thống đánh giá CTX có sẵn hiện nay là bước đi ngắn, bước đi tạm thời nhưng rất cần thiết. Xây dựng bộ công cụ đánh giá CTX riêng cho Việt Nam cũng như đẩy mạnh các biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, hình thành thị trường CTX xuất phát từ nội tại nhu cầu của cộng đồng được xem là bước đi dài và bền vững./.

KTS Trần Khánh Trung – Chủ nhiệm CLB Kiến trúc Xanh TPHCM