05/07/2021

HoREA kiến nghị chú trọng công tác cải tạo xây dựng chung cư cũ

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa đưa ra nhiều nhận xét và kiến nghị để hoàn thiện đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Xây dựng.

Theo lý giải của Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, trong lịch sử, đô thị có thể hình thành tự phát, nhưng các đô thị hiện đại bao giờ cũng phát triển dựa trên nền tảng quy hoạch. Quy hoạch đúng và chuẩn sẽ tạo tiền đề để phát triển đô thị bền vững, phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế đô thị.
Phát triển đô thị phải bao gồm cả phát triển các khu đô thị mới, phát triển thành phố mới, đi đôi với chỉnh trang, tái thiết, tái phát triển khu đô thị hiện hữu. Trên thực tế, có địa phương muốn xóa bỏ khu đô thị cũ hiện hữu trong quy hoạch.

Nhiều năm qua, việc cải tạo, xây lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn, chậm trễ

“Sẽ rất thiếu sót nếu không coi trọng chỉnh trang, tái thiết các khu vực đô thị cũ, hiện hữu, đặc biệt coi trọng công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các nhà chung cư cũ. TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công các dự án chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch hoặc chỉnh trang các khu nhà lụp xụp ở nội thành, xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ hư hỏng nặng, nhờ đó làm thay đổi diện mạo đô thị, kinh tế đô thị của TP” – ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Vì vậy, HoREA đề nghị phê phán mạnh mẽ tình trạng sử dụng quỹ đất chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả trong phát triển đô thị, chưa chú trọng phát triển “đô thị nén”, “đô thị thẳng đứng” với các loại nhà cao tầng, nhà chung cư cao tầng.
Theo HoREA, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn yếu kém; thiếu đường cao tốc kết nối các vùng, miền, các đường vành đai xung quanh các đô thị, đường sắt vận chuyển người, hàng hóa kết nối các đầu mối giao thông lớn. Đến nay, vẫn chưa có đường cao tốc Bắc – Nam (đang triển khai thi công một số đoạn) và đường sắt cao tốc Bắc – Nam, thiếu đường cao tốc liên vùng dẫn đến tình trạng đường đô thị gây ùn tắc, xung đột, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Do vậy, cần phải tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển mạnh hơn nữa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông đô thị và hệ thống giao thông kết nối Bắc – Nam, kết nối vùng và liên vùng trong những năm tới đây.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, năm 2017 TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Kết quả có 15 chung cư cấp độ D hư hỏng nặng, nguy hiểm.
Đối với 15 chung cư này, đến nay TP đã di dời toàn bộ 6 chung cư (chung cư 128 Hai Bà Trưng, chung cư 23 Lý Tự Trọng, quận 1; chung cư 6Bis Nguyễn Tất Thành, quận 4; chung cư 40/1 Tân Phước, chung cư 47 Long Hưng và chung cư 170-171 Tân Châu, quận Tân Bình), di dời dở dang 5 chung cư (chung cư 11 Võ Văn Tần, quận 3; chung cư 119B Tân Hòa Đông, quận 6; chung cư 155-157 Bùi Viện, quận 1; chung cư Trúc Giang, chung cư Vĩnh Hội (lô A, B, C), quận 4). TP cũng đã tháo dỡ 4 chung cư: chung cư 47 Long Hưng, chung cư 170-171 Tân Châu và chung cư 40/1 Tân Phước, quận Tân Bình; chung cư 23 Lý Tự Trọng, quận 1. 
Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, muốn chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ đạt hiệu quả, giải pháp duy nhất là sửa luật để xử lý toàn bộ các vấn đề phát sinh từ thực tế.
Tiểu Thúy/Kinh tế Đô thị