15/09/2021

HoREA Đề nghị giữ nguyên ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội

Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đề nghị giữ nguyên quy định cho khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Ảnh minh hoạ.

Về vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2015/TT-NHNN (“Dự thảo Thông tư 25”), Ngân hàng Nhà nước cho biết “loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội” là “theo quy định của Luật nhà ở”.

Tuy nhiên, HoREA nhận thấy đề xuất của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở năm 2014 và luật này không cấm cho vay ưu đãi đối với các đối tượng quy định tại Điều 49 để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Hiệp hội này cũng cho rằng, trong giai đoạn 2015-2020 có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội do thiếu dự án nhà ở xã hội và do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm, quá ít.

Trong khi đó, Nhà nước đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng thương mại lớn nhất. Về thời hạn cho vay ưu đãi, trong giai đoạn 2006-2015 tối đa là 10 năm; giai đoạn 2015-2020 tối đa là 15 năm. Và mới đây, nghị định 49/2021 đã nâng thời hạn tối đa lên đến 25 năm cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

HoREA cho rằng, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ “tước bỏ” chính sách cốt lõi của Nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

HoREA thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về việc bổ sung quy định: ”Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay”.

Theo Bộ Xây dựng, có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Cụ thể, tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng,… dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt mức thấp, khoảng 2.163/9.000 tỉ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội).

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam