10/04/2018

Hợp tác quốc tế – 60 năm đồng hành cùng ngành Xây dựng

Ngày 29/4/1958, theo Nghị quyết của kì họp thứ VIII Quốc hội khoá I do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa đã quyết định thành lập Bộ Kiến trúc nay là Bộ Xây dựng. Từ đó đến nay, ngày 29/4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Xây dựng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên trong suốt chặng đường 60 năm phát triển, ngành Xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu góp phần vào những thắng lợi to lớn của cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó phải kể đến đóng góp của công cuộc hợp tác quốc tế trong ngành Xây dựng. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng có buổi trò chuyện với TS. Phạm Khánh Toàn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng Cuba ký Bản ghi nhớ hợp tác trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Raul Castro.

PV: Xin ông có thể cho biết về những thành tựu đạt được của ngành Xây dựng trong những năm qua?

TS. Phạm Khánh Toàn: Trong suốt thời gian 60 năm trưởng thành và phát triển, đồng hành cùng cả nước, ngành Xây dựng đã nỗ lực hội nhập vào xu thế chung của thế giới. Công tác hợp tác quốc tế đã luôn đi đầu đánh giá những thách thức, nắm bắt những cơ hội, tìm kiếm các đối tác để cùng hợp tác và phát triển. Việt Nam đã lần lượt tham gia vào các cộng đồng, tổ chức đa phương quốc tế quan trọng như ASEAN (1995), APEC (1998), WTO (2007). Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán tham gia khoảng 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Một số hiệp định giữ vai trò quan trọng, tác động nhiều đến nền kinh tế đất nước, trong đó có ngành Xây dựng là Hiệp định AFTA (ASEAN), gia nhập WTO, Hiệp định FTA Việt Nam – EU, Hiệp định CPTPP, Hiệp định RCEP…

Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực và nỗ lực trong công tác hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế của ngành: Chủ động mở rộng phạm vi hợp tác song phương và đa phương theo hướng nâng cao hiệu quả hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng của công tác quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng; đánh giá và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ và thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ ký với các đối tác; tăng cường chuyên nghiệp hóa trong công tác quản lý, điều phối các chương trình, dự án hợp tác. Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát các luật và các văn bản dưới luật liên quan do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đánh giá tác động của Hiệp định tự do thương mại FTA khu vực và song phương đối với hệ thống pháp luật ngành Xây dựng để tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện chính sách pháp luật cho phù hợp.

Quan hệ hợp tác giữa Bộ Xây dựng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã được củng cố và phát triển thông qua việc xây dựng và triển khai các chương trình hành động cụ thể. Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã thực hiện các cuộc trao đổi đoàn, trao đổi chuyên gia, học tập kinh nghiệm quản lý Nhà nước, triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực ngành Xây dựng. Với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ngày càng có nhiều doanh nghiệp xây dựng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như: Phát triển khu đô thị và nhà ở, khu du lịch, phát triển hạ tầng kỹ thuật, khu công nghệp, khu công nghệ cao, cải thiện vệ sinh môi trường, sản xuất vật liệu xây dựng. Một số doanh nghiệp xây dựng Việt Nam không chỉ xuất khẩu vật liệu xây dựng sang các nước trên thế giới mà còn bắt đầu triển khai các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại nước ngoài.

Xin điểm lại một số kết quả nổi bật trong hợp tác quốc tế Ngành Xây dựng như sau:

Công tác hội nhập trong ASEAN: Về thương mại hàng hóa, từ 2006, ngành Xây dựng đã hoàn thành việc thực hiện chương trình giảm thuế nhập khẩu CEPT/AFTA đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng chính gồm: clinker xi măng, xi măng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát và kính xây dựng với mức thuế giảm còn 5%. Về thương mại dịch vụ, ngành Xây dựng đã cam kết mở cửa thị trường và đối xử quốc gia trong ASEAN cho 6 ngành/phân ngành dịch vụ gồm: Dịch vụ Kiến trúc (CPC 8671), Dịch vụ Tư vấn kỹ thuật (CPC 8672), Dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng bộ (CPC 8673), Dịch vụ Quy hoạch và Kiến trúc cảnh quan đô thị (CPC 8674), Dịch vụ Xây dựng (CPC 511-518). Có bổ sung mở cửa 02 phân nhánh của dịch vụ bất động sản (CPC 82201 và 82202). Về thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong hành nghề, từ năm 2003, Bộ Xây dựng đã tham gia cùng các nước thành viên ASEAN xúc tiến đàm phán xây dựng các Thoả thuận Thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA) về các dịch vụ nghề nghiệp gồm: MRA về Dịch vụ tư vấn kỹ thuật (Engineering) và MRA về Dịch vụ kiến trúc. Thoả thuận MRA về Dịch vụ tư vấn kỹ thuật (Engineering) đã được các Chính phủ 10 nước ASEAN ký kết vào 9/12/2005 và Thoả thuận MRA về Dịch vụ kiến trúc đã được ký kết vào 9/11/2007. Bộ Xây dựng được sự uỷ thác của Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập các Uỷ ban Giám sát (MC) của Việt Nam để thực hiện các thoả thuận.

MC về Dịch vụ tư vấn kỹ thuật (Engineering) đã trình Quy chế đánh giá kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN của MC Việt Nam lên Uỷ ban Điều phối Kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPECC) xem xét và đã được Uỷ ban cho phép thành lập Đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN. MC của Việt Nam đã đăng ký cho 204 kỹ sư có danh hiệu kỹ sư chuyên nghiệp Tiêu chuẩn ASEAN (trong tổng số 2876 Kỹ sư ASEAN).

MC về dịch vụ kiến trúc cũng đã trình Quy chế đánh giá kiến trúc sư ASEAN của Việt Nam lên Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN (AAC) xem xét và đã được Hội đồng cho phép thành lập Đăng bạ Kiến trúc sư ASEAN. MC của Việt Nam đã tiến hành triển khai thủ tục đăng ký cho 17 kiến trúc sư Việt Nam là kiến trúc sư ASEAN (trong tổng số 475 Kiến trúc sư ASEAN). Trong nhiệm kỳ 2018 – 2019, Việt Nam được giao đảm nhận Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN, điều hành các phiên họp của Hội đồng.

Hoạt động của Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam – Cuba: Với vai trò là cơ quan chủ trì Phân ban Việt Nam trong UBLCP Việt Nam – Cuba, Bộ Xây dựng luôn chủ động phối hợp tốt với đối tác Cuba là Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba trong thúc đẩy hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật giữa hai nước nhằm nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của cơ chế hợp tác này.

Năm 2014, hai bên đã ký kết Chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy kinh tế thương mại đầu tư song phương. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cuba có tăng trưởng qua các năm, đạt khoảng 250 – 400 triệu USD/năm nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và quan hệ hợp tác chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước. Hai bên phấn đấu nâng kim ngạch thương mại lên 500 triệu USD trong vòng 5 năm tới. Hiện tại, Việt Nam là nước xuất siêu sang thị trường Cuba. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cuba chủ yếu là: gạo, cà phê, sản phẩm hoá chất, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng… Trong đó mặt hàng gạo có ý nghĩa quan trọng đối với Cuba, không chỉ đảm bảo cung cấp lương thực trong nước mà còn giúp đảm bảo ổn định xã hội.

Về hợp tác đầu tư, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Cuba tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và ký nhiều thỏa thuận hợp tác. Cty Thái Bình đã được cấp phép đầu tư và đang tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất tã lót tại tại Đặc khu kinh tế Mariel Cuba với tổng vốn đầu tư là 9,3 triệu USD. Tổng Cty Viglacera và đối tác Cuba là tập đoàn Geicons đã ký hợp đồng liên doanh sản xuất vật liệu xây dựng để sản xuất gạch lát và sứ vệ sinh.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch Ricardo Cabrisas cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Cuba thăm gian hàng của Tổng Cty Viglacera tại Lễ khai mạc Hội chợ quốc tế Xây dựng Cuba tổ chức tại La Habana.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cuba từ ngày 28 – 30/3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Cty Viglacera đã ký thỏa thuận hợp tác với Văn phòng quản lý Đặc khu Mariel thỏa thuận về đầu tư phát triển Khu công nghiệp của Viglacera tại Đặc khu Mariel với diện tích 160ha, có đầy đủ cơ sở hạ tầng về đường bộ, viễn thông, mạng lưới điện nước để phục vụ các cơ sở công nghiệp và được quyền khai thác khu công nghiệp này trong 50 năm; Viglacera ký thỏa thuận hợp tác đầu tư Tổ hợp du lịch khách sạn Neptuno – Triton tại La Habana với Tập đoàn Gran Caribe. Tập đoàn Tín Thành đã được Chính phủ Cuba cấp phép đầu tư cho Dự án sản xuất điện sinh khối và dự án phát triển nông nghiệp sạch tại Cuba. Cty Hanel đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại thủ đô La Habana. Ngoài ra, Tập đoàn Tín Thành đã nộp hồ sơ xin cấp phép đầu tư cho 02 dự án khác là dự án đắp lốp xe ô tô, xe máy và dự án hợp tác sản xuất xăng dầu và đang chờ Chính phủ Cuba cấp phép. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư, Bộ Xây dựng hai nước cũng đã ký Biên bản hợp tác để thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai trong lĩnh vực xây dựng.

Hợp tác với Nhật Bản: Quan hệ hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) trong những năm qua đã phát triển tốt đẹp, mở rộng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng như: Quản lý đầu tư xây dựng; hoạt động xây dựng; quy hoạch phát triển đô thị; phát triển hạ tầng đô thị; tăng cường năng lực; tăng cường trao đổi các đoàn công tác của lãnh đạo và các đơn vị liên quan. Các hoạt động hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Bộ MLIT được thúc đẩy thông qua việc ký kết và thực hiện các Biên bản Hợp tác trong các lĩnh vực ngành Xây dựng và tổ chức các cuộc họp cấp Thứ trưởng hai năm một lần và Hội nghị Xây dựng Việt Nam – Nhật Bản về các chủ đề hai bên cùng quan tâm.

Hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng ngày càng phát triển với các dự án hợp tác kỹ thuật do JICA tài trợ về tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị tại Việt Nam, nâng cao năng lực quản lý thoát nước và xử lý nước thải – thành lập Trung tâm đào tạo và phát triển thoát nước Việt Nam, tăng cường năng lực trong dự toán chi phí, quản lý hợp đồng chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng; tổ chức các khóa đào tạo, hội nghị hội thảo, trao đổi các đoàn công tác chuyên môn cấp trung ương và địa phương…

Họp Ban chỉ đạo kết thúc dự án JICA về tăng cường năng lực trong dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng và trao tặng danh hiệu cao quý ngành Xây dựng cho các chuyên gia JICA.

Hợp tác với Hàn Quốc: Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực xây dựng giữa Bộ Xây dựng với các đối tác Hàn Quốc liên tục được đẩy mạnh và ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là hợp tác với cơ quan chủ quản chuyên ngành là Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT). Hàn Quốc đã hỗ trợ hiệu quả và tích cực Bộ Xây dựng thông qua các hoạt động như: Xây dựng thể chế chính sách cho ngành Xây dựng, giúp sửa đổi và hoàn thiện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quản lý phát triển đô thị; đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho cán bộ Bộ Xây dựng; cung cấp các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị xanh, phát triển nhà ở xã hội với kết quả tích cực mà hai bên cùng mong đợi, giúp Bộ Xây dựng xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách về lập quy hoạch đô thị xanh, góp phần đạt mục tiêu phát triển đô thị xanh, bền vững.

Hướng tới phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa hợp tác chuyên ngành Xây dựng giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ngày 23/3/2018 Bộ Xây dựng và Bộ MOLIT Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về phát triển đô thị và công nghệ xây dựng dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao hai bên.

Bộ Xây dựng Việt Nam ký Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Moon Jae-in.

Bản ghi nhớ này tạo dấu mốc cho giai đoạn hợp tác mới, là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên xác định và triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới, tạo nền tảng đưa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực xây dựng giữa Bộ Xây dựng và Bộ MOLIT lên tâm cao mới, góp phần phát triển hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Hợp tác với Lào: Là quốc gia láng giềng với quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, hợp tác giữa Bộ Xây dựng với Lào ngày càng phát triển. Tổng Cty Sông Đà-Bộ Xây dựng đã tham gia vào Cty CP điện Việt Lào (VLP) và được Chính phủ Lào giao đầu tư 03 dự án thủy điện, đó là Dự án Xê-ca-mản 1 (322 MW), Xê-ca-mản 3 (250MW), Xê-ca-mản 4 (70MW). Dự kiến 80% lượng điện sản xuất sẽ được xuất sang Việt Nam, còn lại dùng cho nhu cầu nội địa của Lào.

Tiếp đón và làm việc với Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Tiến sĩ Bounchanh Sinthavong.

Các trường Đại học thuộc Bộ Xây dựng như Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Miền Trung và Đại học Xây dựng Miền Tây liên tục tiếp nhận sinh viên kiến trúc đến từ Lào. Nhân kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt – Lào, Hiệp định giữa hai Chính phủ về Dự án xây dựng Nhà Quốc hội Lào đã được ký kết vào ngày 19/12/2017 trong chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào đến Việt Nam.

Bộ Xây dựng, được Chính phủ giao làm Chủ đầu tư, đã ký với Ban quản lý dự án phía Lào Thỏa thuận về cơ chế phối hợp, phạm vi công việc của từng bên liên quan đến Dự án xây dựng Nhà Quốc hội Lào. Ban quản lý dự án Việt Nam cũng chủ động, thường xuyên trao đổi công việc, cử cán bộ làm việc trực tiếp với Ban quản lý dự án Lào. Bộ Xây dựng và Bộ Công chính và Vận tải Lào cũng thường xuyên phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ tiếp xúc của lãnh đạo hai Bộ nhằm thắt chặt tình hữu nghị nồng thắm và lên tầm cao mới.

PV: Trong quá trình hợp tác, ngành Xây dựng Việt Nam có gặp những khó khăn và thuận lợi nào?

TS. Phạm Khánh Toàn: Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng ta, là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Trong suốt hơn 30 năm đổi mới vừa qua, từ Đại hội VI đến Đại hội XII, Đảng ta đã đưa ra chủ trương đúng đắn trong việc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”.

Ngày 7/7/2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế. Ngành Xây dựng đặt mục tiêu đạt trình độ hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vùc; nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực của Ngành, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.

Ý chí quyết tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành là tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác quốc tế phát triển, mang lại những hiệu quả thiết thực đóng góp cho ngành Xây dựng.

Khó khăn thách thức đặt ra trong quá trình hợp tác, hội nhập quốc tế của ngành Xây dựng là hài hòa hóa các mục tiêu, quan điểm và phương thức hợp tác giữa các đối tác. Trong khi ngành đặt ra các yêu cầu phát triển, tăng trưởng bền vững trong các chuyên ngành cụ thể, thì các đối tác song phương, đa phương lại hướng tới các mục tiêu tổng quát của nền kinh tế, của thị trường, của yêu cầu bảo vệ môi trường. Do vậy cần phải có những nỗ lực lồng ghép, liên kết, phối hợp để các bên có thể đến được với nhau trong các dự án hợp tác cụ thể.

Bên cạnh đó một số hạn chế về tính chủ động và năng lực triển khai hợp tác của những cơ quan, đơn vị trong ngành cũng là những khó khăn, rào cản trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế. Hạn chế trong ngôn ngữ, trong hiểu biết luật pháp và thông lệ quốc tế, trong tiếp cận thông tin đang là những mặt yếu cần được khắc phục để tăng cường hiệu quả của hợp tác quốc tế.

PV: Ông có thể cho biết về xu hướng hội nhập của ngành Xây dựng Việt Nam trong thời gian tới?

TS. Phạm Khánh Toàn: Là cơ quan quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng về: Quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch kiến trúc, phát triển đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển vật liệu xây dựng, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản hiện nay đang được các đối tác quốc tế song phương và đa phương quan tâm, ngành Xây dựng đang đứng trước những cơ hội hợp tác to lớn trong hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chính sách và đầu tư.

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trọng tâm là hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị; xây dựng mới Luật Kiến trúc, Luật Cấp nước; sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng trong một số Nghị định liên quan. Trước mắt, Bộ tập trung cải cách thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước ngành Xây dựng, đặc biệt trong đầu tư xây dựng; thực hiện việc cấp phép xây dựng, chứng chỉ năng lực trực tuyến; bảo đảm đơn giản, công khai, minh bạch, giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp, người dân; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp; tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Nâng cao chất lượng công tác thống kê và phân tích, dự báo về tình hình trong các lĩnh vực của Ngành. Nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện và có phương án, giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong ASEAN, WTO, APEC, CP-TPP, tăng cường hợp tác song phương toàn diện với các đối tác truyền thống, xúc tiến và mở rộng thị trường các sản phẩm xây dựng, sản phẩm vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng tiến hành rà soát, tái cấu trúc, sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp theo hướng khai thác tối đa lợi thế so sánh của mình, đồng thời mau chóng cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới nhất trong ngành Xây dựng từ các nước tiên tiến, nâng cao năng suất lao động của công nhân, phương thức quản lý xây dựng.

Kỷ niệm 60 năm truyền thống Ngành Xây dựng là dịp nhìn lại chặng đường phát triển, hội nhập quốc tế của Ngành. Với những thành tựu của Ngành đóng góp cho nền kinh tế quốc dân và triển vọng phát triển tích cực của Ngành và của đất nước, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo và cán bộ công nhân viên ngành Xây dựng, chắc chắn sự nghiệp hội nhập và hợp tác quốc tế của ngành Xây dựng sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Khánh Phương/BXD