16/07/2018

Hội thảo xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Chiều 13/7, UBND thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức Hội thảo chuyên đề 2: “Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” diễn ra tại tại Khách sạn quốc tế JW. Marriott, Hà Nội, do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo về phía Trung ương có đồng chí Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.
Về phía Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, các diễn giả trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp hiệp hội, Viện nghiên cứu…
Nội dung Hội thảo Chuyên đề 2 tập trung thảo luận về các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành đô thị thông minh trong đó có đề cập đến tình hình triển khai đô thị thông minh của thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Cũng như các siêu đô thị khác, Hà Nội cũng đang gặp phải nhiều thách thức như: Tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều người di cư về thành phố để sinh sống, các vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường… Do đó, nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh bền vững đảm bảo các yếu tố bền vững là một yêu cầu cấp thiết.
Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, quản lý xây dựng “Đô thị thông minh” gần đây là một xu thế đã được nhiều thành phố trên thế giới triển khai thành công. Thành phố Hà Nội cũng lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như in 3D, Thực tế ảo, Điện toán đám mây, Robot, Big data, Block Chain, Trí tuệ nhân tạo. “Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau tìm ra phương thức và các bước đi thích hợp nhằm xây dựng đô thị thông minh bền vững” – Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ được giải quyết ra sao? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đô thị thông minh bền vững của Hà Nội? Việc đào tạo nguồn nhân lực sao cho có hiệu quả? Việc khắc phục các mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào? Và đặc biệt các việc Thành phố cần xây dựng kế hoạch để triển khai như: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, Xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng; Đào tạo nguồn nhân lực số; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, xây dựng công nghiệp công nghệ số,… sẽ được thực hiện như thế nào?
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung chia sẻ: Mô hình đô thị thông minh bền vững mà thành phố Hà Nội mong muốn hướng tới phải mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0. Đồng chí hy vọng, tại hội thảo hôm nay, những thách thức, những vấn đề nêu trên sẽ phần nào được giải đáp thông qua các bài tham luận của các diễn giả là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, từ các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa, năng lượng,…
Các đại biểu dự Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, có phát biểu của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, trình bày từ các diễn giả quốc tế như: Bà Samia Melhem, Trưởng Ban Phát triển số, Ngân hàng Thế giới với một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng bộ tiêu chuẩn cho thành phố thông minh; Ông Martin C. Yates, Giám đốc Công nghệ, Đô thị số & An ninh nội địa, Dell EMC xu với hướng phát triển hạ tầng số cho đô thị thông minh tại Việt Nam trong CMCN 4.0; Ông Denis Brunetti, Đồng Chủ tịch, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam khuyến nghị chính sách cho xây dựng một số đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam…
Các bài tham luận, đặc biệt là phiên thảo luận làm nổi bật về những sáng tạo, ứng dụng và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai dự án xây dựng thành phố thông minh; góp phần hỗ trợ cho các cơ quan, ban, ngành; thành phố Hà Nội và các bên liên quan xây dựng hoàn thiện các chính sách thúc đẩy sự phát triển của các đô thị thông minh phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Từ đó, tham mưu giúp Chính phủ hoạch định các chính sách, cơ chế để phát triển nguồn lực, quy hoạch đầu tư và quản lý tốt, hướng tới xây dựng đô thị thông minh trong thời kỳ hội nhập và sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
* Trước đó, sáng 13/7, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư” đã khai mạc tại Khách sạn quốc tế JW. Marriott.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì sự kiện. Cùng tham dự có gần 2000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng trên 70 cơ quan thông tấn báo chí tham dự và đưa tin.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 là sự kiện đầu tiên thực hiện theo Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và Ban cán sự đảng Chính phủ, được phối hợp tổ chức bởi Văn Phòng Chính Phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn IEC.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 gồm có: Phiên Diễn đàn cấp cao với chủ đề: “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4” và 05 phiên hội thảo chuyên đề với các chuyên gia đến từ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), các doanh nghiệp và tổ chức tư vấn quốc tế hàng đầu về công nghiệp 4.0.
05 phiên Hội thảo chuyên đề, gồm:
Chuyên đề 1: Những xu hướng lớn của cuộc CMCN 4.0 – Nhận diện tác động và khuyến khích đối với Việt Nam.
Chuyên đề 2: Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4.
Chuyên đề 3: Phát triển nền sản xuất thông minh – Tầm nhìn và giải pháp công nghệ.
Chuyên đề 4: Bước tiến mới trong ngành tài chính – Ngân hàng trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4.
Chuyên đề 5: Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững.
Một số hình ảnh tại Triển lãm:

Nhóm PV/hanoi.gov.vn