25/01/2019

Hội thảo “Phát triển Nhà ở Xã hội tại Việt Nam – Giải pháp và kinh nghiệm quốc tế”

Sáng 23/01, tại Hà Nội, Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị (AMC), Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) phối hợp với Compass Housing (Úc) – một công ty tư nhân hoạt động thành công trong lĩnh vực cung cấp nhà ở xã hội tổ chức Hội thảo và khóa đào tạo “Phát triển Nhà ở Xã hội tại Việt Nam – Giải pháp và kinh nghiệm quốc tế”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đến dự và phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo và khóa đào tạo được tổ chức trong hai ngày 23-24/01/2019 đã thu hút đông đảo đại biểu đến từ các địa phương, khu vực doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Chương trình của Hội thảo và khóa đào tạo nhằm giới thiệu các mô hình cung cấp nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, trên cơ sở đó tìm kiếm các giải pháp tiềm năng cho Việt Nam trong bối cảnh còn nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay. Hội thảo là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp phát triển nhà ở và các tổ chức xã hội thảo luận và tìm ra những biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhà ở là nhu cầu thiết yếu của bất kỳ đối tượng nào trong xã hội, tùy vào từng nhóm đối tượng khác nhau sẽ có những nhu cầu về nhà ở khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân, năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Một trong những mục tiêu chính của Chiến lược là đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn NƠXH hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị; đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500 nghìn hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển NƠXH cả về chính sách và thực tiễn, như Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015NĐ-CP của Chính phủ năm 2015 đã nêu chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện NƠXH, trong đó đã đề cập đến nhiều vấn đề như quy hoạch, đất đai, tài chính, tiêu chuẩn, thuế và đối tượng được hưởng chính sách NƠXH.

Giám đốc Học viện AMC Trần Hữu Hà tham luận tại Hội thảo

Giám đốc Học viện AMC Trần Hữu Hà tham luận tại Hội thảo

Ông Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện AMC cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có 70% dân số trong đội tuổi lao động (từ 15-19 tuổi). Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là một áp lực không hề nhỏ đối với nhà ở. Nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng trở nên bức thiết. Công tác phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở an sinh xã hội những năm vừa qua đã được ngành Xây dựng triển khai rất tốt. Riêng trong năm 2018, đã hoàn thành khoảng 58 triệu m2 nhà ở, đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên 24 m2 sàn/người (tăng 0,6% so với năm 2019).

Theo ông Nguyễn Quang – Giám đốc Un-habitat tại Việt Nam, trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, mục tiêu thứ 11 là sự thúc đẩy phát triển bền vững, bao dung, thích ứng và  an toàn của các thành phố và cộng đồng. Tiêu chí 11.1 là tiếp cận nhà ở an toàn, phù hợp với khả năng chi trả của mọi người (phù hợp với khả năng chi trả, hưởng dụng đúng mức, phù hợp với điều kiện văn hóa). Trong 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội đã đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên Việt Nam đang đối mặt với thách thức trong việc tiếp cận nhà ở phù hợp (giá nhà ở quá cao).

 

Giám đốc UN-Habitat Việt Nam Nguyễn Quang tham luận tại Hội thảo

Giám đốc UN-Habitat Việt Nam Nguyễn Quang tham luận tại Hội thảo

Đại diện Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các chuyên gia trong nước, quốc tế đã thảo luận về kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam và các quốc gia khác như Úc, Thái Lan; về kiến thức và nâng cao năng lực triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam; về cách thức xây dựng mạng lưới đối tác với các tổ chức chính phủ (cấp Trung ương và địa phương)…

Tại Hội thảo có sự thảo luận tích cực về các giải pháp tăng cường phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam trong tương tai, đặc biệt là huy động từ khối kinh tế tư nhân. Hội thảo đưa ra các giải pháp định hướng cho các nhà quản lý, quy hoạch đất đai, phát triển bất động sản và doanh nghiệp tư nhân phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam, trong đó có thể áp dụng các kinh nghiệm quốc tế tại các địa phương; là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp thảo luận, tìm ra “tiếng nói chung”, trong quản lý, đầu tư thị trường bất động sản phân khúc thấp như nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại Việt Nam.

Minh Tuấn/moc.gov.vn