11/01/2016

“Hồi sinh tính nhân văn trong Kiến trúc “Kiến trúc – Quy hoạch và việc xanh hóa thành phố”

Sáng 06/01/2016 tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế phối hợp cùng Khoa Kiến trúc tổ chức buổi seminar khoa học với chủ đề “Hồi sinh tính nhân văn trong kiến trúc” do Kiến trúc sư người Áo – Peter Lorenz trình bày.

Ngày nay, khi cuộc sống đô thị ngày một ngột ngạt, thiên nhiên thường được chọn đưa vào các không gian sống, mặt bằng chung của các thiết kế thường lấy mảng xanh làm điểm nhấn, đưa bản ngã mỗi con người quay về với sự khởi nguồn – đó là thiên nhiên. Tuy nhiên, những “phiên bản xanh” của thiên nhiên này liệu đã đủ để giúp người sử dụng tận hưởng cuộc sống? Theo các kiến trúc sư, để có được một không gian sống hoàn hảo là điều khó nói, bởi mỗi giai thời là một phong cách kiến trúc phù hợp với đặc điểm xã hội đó. Nếu những năm trước, kiến trúc đi từ cổ điển đến tinh giản hình khối, thì những năm trở lại đây lại là trào lưu kiến trúc xanh. Nhưng dù trong trào lưu kiến trúc nào thì mục đích của công trình cũng là phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của người sử dụng, họ chính là sự kết nối giữa người kiến trúc sư và công trình. Những nhà thiết kế nội thất và kiến trúc sư dù theo đuổi trào lưu nào cũng cần tính toán kỹ lưỡng yếu tố nhân trắc học, xã hội học, và cá tính của người sử dụng. Vì vậy, con người luôn  là yếu tố trên hết, con người quyết định kiến trúc với những nhu cầu về mặt vật chất, tình cảm và tình thần khác nhau.

Theo KTS. Peter Lorenz : “Chúng ta thường suy nghĩ nhiều về nền tảng triết học của nghề nghiệp của mình. Và tôi tin rằng, khi chúng ta quan tâm đến Chủ nghĩa vị nhân sinh – nghĩa là con người phải được đặt vị trí trung tâm trong mọi hoạt động (thiết kế) của chúng ta. Như vậy, khác với các định hướng khác, ví dụ như “tạo hình ấn tượng”, “phong cách dễ nhận biết”, “ưu tiên đại diện” (representation first), “hiệu quả cho nhà đầu tư” và tương tự…Chúng tôi đối lập với nhiều quan điểm khác bởi hiển nhiên là không phải ai cũng chia sẻ chung một triết lý. Nhưng về lâu dài, qua quá trình làm thiết kế trên 35 năm, có lẽ tôi đã nhận được một sự “tưởng thưởng”. Có thể có tiền bạc ít hơn, nhưng quan trọng hơn là sự thỏa mãn tinh thần bởi rất nhiều dự án của chúng tôi đã và đang đáp ứng được tốt nhu cầu của những người sử dụng.

Cũng tại buổi thuyết trình, KTS. Peter Lorenz đã trình chiếu một loạt các dự án của LORENZATELIERS –  nơi mà người ta đã xây một trường học trên nóc siêu thị. Theo ông, nguyên nhân bởi đất đai hiện nay trở nên đắt đỏ và việc xây dựng nhà giá thành hạ cho sinh viên trở nên ngày càng khó khăn. Kiến trúc sư là những người mang sứ mệnh tạo ra một không gian lý tưởng cho cộng đồng, nơi mọi người có thể vui chơi, trao đổi và tương tác với nhau nhằm nuôi dưỡng các mối quan hệ gia đình và xã hội, phát huy những giá trị tốt đẹp và truyền cảm hứng sáng tạo cho nhau.

Peter Lorenz là kiến trúc sư nổi tiếng đến từ công ty kiến trúcLORENZATELIERS (Cộng hòa Áo). Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam. Buổi thuyết trình của ông với giảng viên, học viên và sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là một sự kiện thú vị góp phần trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước tiên tiến trên thế giới.

*Cũng trong khuôn khổ chương trình giao lưu hợp tác giữa sinh viên Kiến trúc với các Kiến trúc sư nổi tiếng; chiều 05/01/2016, tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã diễn ra buổi nói chuyện giữa KTS. Võ Trọng Nghĩa – Giám Khảo SPEC 2015; thành viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Nhật Bản (JIA), Hội Kiến trúc sư Hoàng Gia Anh (RIBA);  Giám đốc Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa (Vo Trong Nghia Architects) với chủ đề: “Kiến trúc – Quy hoạch và việc xanh hóa thành phố.”

KTS. Võ Trọng Nghĩa là một kiến trúc sư nổi tiếng, là người hoạt động tích cực trong phong trào xanh hóa các đô thị ở Việt Nam và gặt hái được nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế. Ông được kênh truyền hình Mỹ CNN vinh danh là một trong những kiến trúc sư xuất sắc của thế giới.

KTS. Võ Trọng Nghĩa cho rằng: “Nghề kiến trúc và xây dựng phát triển, những khối bê tông sắt thép mọc lên ngày càng nhiều, chúng đã tàn phá môi trường, tàn phá thế giới nên tôi mong muốn làm ra những công trình có thể trả lại mảng xanh cho trái đất này”. Ông được vinh danh là Kiến trúc sư tiêu biểu cho thế kỷ 21 của WAN (World Architecture News) và nhiều giải thưởng cho các công trình kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái tại Việt Nam và thế giới.

Theo ĐH Kiến trúc HN