14/03/2022

Hội KTS Việt Nam với vấn đề chuyển đổi số: Hòa tụ – Kết nối – Đổi mới – Hội nhập

Giờ đây, nhân tố thay đổi cuộc chơi ngành kiến trúc xây dựng về mặt công cụ – công nghệ đã hiển hiện và đang tạo thành con sóng mạnh mẽ cuốn phăng mọi thành trì cố hữu trì trệ của lĩnh vực, trên phạm vi toàn thế giới. Đó chính là công nghệ số. Dĩ nhiên, cùng với công nghệ số, Xã hội số, Kinh tế số… trong tổng thành chuyển đổi số sẽ đưa cả xã hội loài người tiến những bước dài về phía trước, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, dù muốn hay không, ngành Kiến trúc nước nhà không còn con đường nào khác là phải “nhập cuộc”. Tự xoay xở cùng nhau, để đóng con thuyền thật vững chãi, có sức lướt, căng buồm vươn khơi. Với sự tương hỗ dìu đẩy của con sóng đó tiến nhanh, mạnh để cập bờ bến mới, phát triển bình đẳng và hội nhập bác ái với thế giới. Hội KTS Việt Nam – Ngôi nhà chung của giới nghề hơn bao giờ hết, cần phải thức tỉnh và hành động hữu hiệu.

Nói như vậy, không phải là giới kiến trúc Việt Nam đi trên một con thuyền đơn độc vươn sóng cả! Nền tảng phát triển toàn diện đất nước trong lĩnh vực chuyển đổi số đã có trong chủ trương đường lối của Đảng và các quyết định của chính phủ. Mới đây nhất, văn kiện đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Quyết định phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030’’ số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 nêu rõ: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Tại quyết định 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đưa mục tiêu cụ thể: “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc, đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc quốc gia”, kèm theo đó là phê duyệt riêng một chương trong thực hiện nhiệm vụ triển khai “chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc”. Nền tảng pháp lý đã đầy đủ, lực lượng chuyên môn đã sẵn sàng, cánh cửa thế giới rộng mở, giới Kiến trúc cần trở thành nòng cốt hành động triển khai một cách thiết thực.

Chuyển đổi số, như định nghĩa của hãng Microsoft: “Là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới”, hay như FPT, là doanh nghiệp hàng đầu về IT, cho rằng: “Đó là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Bic Data), Internet vạn vật (IoT), điiện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo AI… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hoá tổ chức”. Rõ ràng, soi cập với những nội dung trình bày tại khái niệm này, việc tiếp cận với chuyển đổi số trong lĩnh vực Kiến trúc đã được tiến hành từ khá lâu, hàng chục năm trước. Tuy nhiên, cái còn thiếu là việc triển khai mang tính hệ thống, liên kết sâu rộng toàn khắp và khai thác hỗ trợ hiệu quả chung toàn giới nghề. Do đó, đặt ra vấn đề và tiến hành bài bản thực sự tại thời điểm này là một yêu cầu cần thiết đối với Hội. Nhất là khi cả nước đang hướng tới chương trình phát triển đột phá, bước thẳng vào xã hội hậu công nghiệp, nơi mà nguồn lực chủ yếu là tri thức, cơ sở dữ liệu là nền tảng tài nguyên rất căn bản của nền kinh tế.

Công nghệ VR/AR ứng dụng trong kiến trúc

Những nội dung cụ thể về chuyển đổi số do Hội triển khai trong lĩnh vực Kiến trúc sẽ được bàn thảo trong những chương trình nghị sự, các kỳ hội thảo, hình thành hệ thống chuyên gia chuyên sâu, để bàn thảo chốt chọn các vấn đề triển khai và quy mô, tiến trình triển khai. Cách thực hành sẽ mang tính toàn diện, tổng phổ. Cũng sẽ xác định trọng tâm trọng điểm trong trật tự và khối lượng chung. Chọn đột phá để tiến hành thử, rút kinh nghiệm, rồi nhân rộng. Tất cả cũng sẽ phụ thuộc vào nguồn tài chính được hỗ trợ và huy động tài trợ. Nhưng chúng ta cần thống nhất sẽ tập trung vào những dòng mạch khung sau đây:

Một là, tập trung tổ chức xây dựng và tổ chức cơ sổ dữ liệu về kiến trúc:

  • Tài nguyên dữ liệu về kiến trúc được xem là tài sản quan trọng, phục vụ chung cho cộng đồng kiến trúc Việt Nam. Tài nguyên đó được thu thập, tích lũy, xây dựng sắp xếp một cách khoa học và quản lý bởi tổ chức Hội. Nó là tổ hợp định dạng, có phân nhánh, đồng thời liên kết với các tổ chức cá nhân trong ngành theo đa hướng;
  • Các dữ liệu về kho tàng tri thức đa dạng lĩnh vực kiến trúc, có khả năng sẵn sàng phục vụ học hỏi, hỗ trợ cho KTS tìm hiểu làm nghề;
  • Các dữ liệu về mặt kỹ thuật kiến trúc, kiến trúc kết hợp đa ngành. Dữ liệu về mặt cấu tạo, vật liệu, thông tin về phương cách kết ráp cấu kiện trang – thiết bị;
  • Công tác quản lý tổ chức con người, hoạt động sáng tác, thiết kế. Triển khai công tác giám sát, thi công, hệ thống quản lý chất lượng quá trình. Quản lý vận hành khai thác bảo dưỡng;
  • Dữ liệu về truyền thống bản địa, di sản và công trình kiến trúc giá trị tại từng địa phương trong toàn lãnh thổ Việt nam.
  • Cơ sở dữ liệu công tác tổ chức và hội viên theo hệ thống liên kết tầng bậc từ cơ sở đến trung ương. Có khả năng khai thác đa diện, nhất thống.

Kiến trúc dữ liệu hỗ trợ tầm nhìn của các KTS. Mục tiêu kiến trúc dữ liệu là chuyển các nhu cầu thành yêu cầu về dữ liệu và hệ thống, đồng thời quản lý dữ liệu và dòng chảy của nó thông qua hoạt động. Với 6 nguyên tắc hoạt động: Dữ liệu là tài sản được chia sẻ; người dùng có thể truy cập đầy đủ vào dữ liệu; bảo mật là điều cần thiết; thống nhất các chuyên ngành sâu về kiến trúc và liên quan được sử dụng; dữ liệu được sắp xếp theo kênh, khóm, nhánh; luồng vào ra dữ liệu được tối ưu hoá.

Hai là, tập hợp, chọn lọc, hướng dẫn, phổ biến các phần mềm tốt:

  • Nhằm phục vụ phân tích đánh giá giữ liệu phục vụ cho các chức năng và nhiệm vụ xác định;
  • Kết nối hợp tác liên ngành, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và hợp tác của chính giới kiến trúc sư. Nhằm cộng hưởng tiến tới giải pháp tối ưu hoá;
  • Việc thực hiện thường xuyên tại đầu mối Hội do bộ phận chuyên trách tuần gác trên hệ thống quốc tế, phát hiện sớm nhất, khả thi để kịp thời triển khai;
  • Quá trình triển khai cần xác lập tính thích ứng vùng miền và hỗ trợ tương thích. Vì phần mềm không khai thác được tối đa sẽ lãng phí, kém hiệu quả;

Yếu tố kinh tế khi khai thác phần mềm phải chú ý hài hòa yếu tố bản quyền và vận dụng, cũng cần được đặt ra tại mọi thời điểm với tính thực tiễn cao (Ví dụ như phần mềm real-time (thời gian thực), công cụ kết xuất đi kèm với công nghệ diễn hoạ 3D như thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), đang trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng, nhưng lại mới chỉ thích hợp áp ứng ở các thành phố lớn, công trình có quy mô và độ phức tạp cao. Kiến trúc microservice với phương pháp phát triển hệ thống phần mềm đặc biệt cố gắng tập trung vào việc xây dựng các mô-đun đơn chức năng với các giao diện và hoạt động được xác định rõ ràng thì lại có khả năng thích dụng cao với mọi vùng miền…).

Ba là, tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức về chuyển đổi số:

  • Bắt đầu từ bộ phận chuyên trách đến các đối tượng trực tiếp thực triển vận hành sử dụng, để thay đổi phương thức quản lý điều phối Hội ở các cấp từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số – số hoá;
  • Bao gồm tất cả các nội dung theo chức năng – vai trò – nhiệm vụ. Kết nối mọi hoạt động mang tính tương tác hỗ trợ liên hoàn qua điện toán đám mây, kết nối internet… ;
  • Phổ cập Kiến trúc nhất là sáng tác thường niên, liên ngành nhằm tạo khả năng khai thác thành tựu tối đa trong toàn giới hành nghề. Cùng giải quyết những vấn đề lớn và cần thiết, liên quan về Quy hoạch, Kiến trúc, Hoạt động liên đới khác;

Việc đào tạo của hệ thống hội các cấp là khá nhiều thuận lợi về mặt cấu trúc, do mạng lưới hội phủ rộng khắp bộ, ban ngành và 63 tỉnh thành. Đồng thời khi thực hiện nghị định 85 hướng dẫn thi hành luật kiến trúc thì hội đóng vai trò là một trong những đầu mối đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD), nên dễ kết hợp. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải khai thác được yêu cầu đặc thù của lĩnh vực chuyển đổi số thì mới đề ra và thực hiện có hiệu quả các giải pháp. Nội dung thực hiện đào tạo cũng cần nhấn mạnh là không phụ thuộc vào tính tầng bậc từ trên xuống, mà cần theo sát nhu cầu thực tiễn từng vùng miền.

Bốn là, kết nối nhịp nhàng, thường xuyên, liên tục:

  • Kết nối trong nội bộ nghề kiến trúc;
  • Kết nối trong liên nghành xây dựng;
  • Kết nối đa ngành (Giao thông, tài nguyên, môi trường, văn hóa, nghệ thuật…);
  • Kết nối ngoài ngành liên đới (Xã hội học, Kinh tế, Công – Nông nghiệp…);
  • Kết nối xã hội (Truyền thông, Quảng bá, Chính sách, Pháp luật…);
  • Đề xuất những vấn đề chuyên môn mang tính thực tiễn cao trong hệ thống định hướng phát triển chuyên ngành gắn với chuyển đổi số quốc gia.

Kết nối cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong chuyển đổi số. Vì kết nối thì mới vận hành trơn tru được một cách đồng bộ tòan hệ thống. Phát huy được sức mạnh tối đa nguồn số hóa. Đặc biệt là tạo lập được tính liên ngành để tránh vấp ngã và mâu thuẫn trọng tạo lập sản phẩm và chương trình đa dạng.

Năm là hợp tác quốc tế nhịp nhàng hai chiều nhận và cho:

  • Bắt nhịp kịp dần các hoạt động quốc tế. Khai thác hiệu suất dữ liệu. học tập kịp thời chuyên môn, liên kết hoạt động hiệu quả;
  • Hợp tác quốc tế hướng tới khẳng định mình trong môi trường hoạt động quốc tế cho mọi đối tượng làm nghề quốc gia và xuyên quốc gia. Đóng góp dữ liệu cho nền kiến trúc thế giới. Hợp tác khai thác chung dữ liệu số;
  • Đối ngoại bao gồm liên kết ngoài giới trong nước bằng các hoạt động thực tiễn kết hợp theo hệ chuyển đổi số;
  • Tiếp nhận thông tin, tiến bộ khoa học công nghệ, lối tư duy, cách vận hành từ các nền kiến trúc tiên tiến và tương thích trên thế giới.

Hợp tác quốc tế trở thành yêu cầu bắt buộc. Vì công nghệ số và số hóa hiện nay, trong thời kỳ thế giới đã khá phẳng về sử dụng thành tựu tiên tiến khoa học, trở thành một yêu cầu sống còn. Chúng ta lại đang cần đi tắt đón đầu để có những bước nhảy vọt phát triển thời kỳ 4.0, việc kết nối hợp tác quốc tế trước hết là để nhận được những gì tinh túy, tiến bộ và phù hợp đang có trên toàn cầu. Cũng từ sự kết nối này, chúng ta cũng tự tin “cho” nững gì phù hợp mà thế giới lại đang cần từ Việt Nam, trong đó có vấn đề khai thác nguồn nhân lực tri thức.

Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng tại Việt Nam

Sáu là, kết nối truyền thông, định dạng mô hình tổ chức hành nghề thích ứng:

  • Chuyển đổi số chính là một cơ hội lớn cho mảng truyền thông. Lựa chọn những chương trình cụ thể thích ứng theo thời gia và tình hình để thực hiện;
  • Liên kết được chuỗi giá trị giữa hoạt động kiến trúc, cung cấp các sản phẩm giá trị cho người dân, doanh nghiệp, xã hội với các định hướng chuẩn mực;
  • Tham gia triển khai mạnh mẽ chương trình xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hoá của đất nước trong đó có công nghiệp văn hóa kiến trúc;
  • Hướng tới góp phần quan trọng, làm chỗ dựa nền tảng văn phòng kiến trúc, văn phòng kiến trúc ảo, với các giao dịch, dịch vụ mang tính toàn cầu;
  • Mô hình thích ứng linh hoạt về khoảng cách địa lý, quy mô nhân lực, tích hợp ngành nghề, tan hợp uyển chuyển kịp theo xu thế và nhu cầu.

Kết nối truyền thông hiện vẫn là một mặt yếu của giới kiến trúc. Thông qua lĩnh vực chuyển đổi số làm nền tảng kết nối, vấn đề này có thể được giải quyết khá triển vọng. Khi đó khoảng cách về địa lý, không gian và thời gian trở nên không còn nhiều ý nghĩa, với kiến trúc thì điều đó cũng rất quan trọng. Hội nhập tư vấn “bằng xương bằng thịt” với giải pháp “ảo””đối với lĩnh vực tư vấn kiến trúc cũng là một giải pháp có rất nhiều giá trị có thể khai thác vận hành khi thực thi hành nghề trên phạm vi ngoài biên giới quốc gia.

Hi vọng rằng, với sự nhập cuộc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả, Hội KTS Việt Nam và toàn giới KTS trong cả nước sẽ có những bước tiến mới, vững chắc và chủ động trong làm nghề ở môi trường nội tại. Đồng thời cũng tạo nên sức mạnh mới trong hội nhập mà không hoà tan trong môi trường quốc tế. Đây là những bước đi mang tính chiến lược quan trọng, kịp thời, dũng cảm, đúng thời điểm. Tuy việc chuyển đổi số sẽ gặp không ít khó khăn về cơ chế và nguồn lực. Chuyển đổi số cũng cần sự tiếp ứng của toàn hệ thống một cách mạnh mẽ hiệu quả. Hội mong rằng toàn giới nghề sẽ đồng lòng vượt qua, nhằm đích đi tới, dành nhiều thắng lợi. Con đường đã mở!

TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam/Tạp chí Kiến trúc