19/07/2018

Hoàn thiện quy trình quản lý an toàn PCCC chung cư cao tầng

Bên cạnh công tác thiết kế đạt chuẩn, thực hiện đúng các quy trình quản lý an toàn PCCC chung cư cao tầng là một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế các thiệt hại do tai nạn cháy nhà chung cư xảy ra. Thực tế cho thấy phần lớn các tai nạn cháy nổ gây thiệt hại lớn là do việc vận hành quản lý an toàn PCCC chung cư cao tầng còn thiếu đồng bộ.

29633287_10209826154925391_1168692731_o

Cư dân sử dụng để xe lấn chiếm không gian thoát hiểm, gây mất an toàn PCCC tại chung cư cao tầng

Theo các nội dung quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có tối thiểu các phòng hoặc bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm kỹ thuật; bảo vệ, an ninh; dịch vụ, lễ tân và vệ sinh, môi trường. Bên cạnh đó, tất cả nhân sự các phòng ban đều phải có trình độ chuyên môn tương ứng với vị trí công việc và phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng. Nội dung quy định này sẽ giúp đảm bảo được các tòa cao tầng bao gồm chung cư cao tầng được vận hành một cách chuyên nghiệp, giảm thiểu các rủi ro bao gồm cả rủi ro cháy nổ không đáng có.

Tuy nhiên, trong thực tế, triển khai thực hiện các nội dung trên không dễ dàng bởi yêu cầu sự thực hiện đồng bộ và thống nhất giữa chủ đầu tư – đơn vị quản lý tòa nhà – các hộ gia đình.

Các vụ cháy chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian gần đây đã cho thấy rõ một thực tế Dù công trình chung cư cao tầng được thiết kế đạt tiêu chuẩn về an toàn PCCC, được đầu tư lắp đặt thiết bị an toàn PCCC đồng bộ nhưng các vụ cháy chung cư vẫn luôn xảy ra trong quá trình sử dụng vận hành, gây ra các thiệt hại lớn cả về người và tài sản. Ví dụ như trường hợp cháy chung cư CT4 Xa La (Hà Đông, Hà Nội) ngày 11/10/2015, đám cháy lan từ khu vực hộp kỹ thuật tầng hầm, từ nguyên nhân bảo trì vận hành hộp các hệ thống kỹ thuật chưa hợp lý gây chập cháy.

Hay như trường hợp cháy tầng mái chung cư cao cấp Golden Westlake Hà Nội ngày 25/12/2017 do thi công sửa chữa cải tạo không đảm bảo an toàn, cháy căn hộ Chung cư Rainbow khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) ngày 31/10/2016, khi đám cháy xảy ra hoàn toàn không có thông tin và tín hiệu báo cháy để cảnh báo cho người dân thoát nạn. Điều này đang cho thấy rõ vẫn còn những lỗ hổng lớn trong công tác quản lý vận hành an toàn PCCC nhà chung cư cao tầng cần được sớm hoàn thiện theo sát các yêu cầu thực tế.

Chuẩn hoá nghiệm thu an toàn PCCC
Theo quy định, nghiệm thu an toàn PCCC chữa cháy là một nội dung bắt buộc để chủ đầu tư công trình có thể được bàn giao căn hộ cho người dân đến sinh sống. Tuy nhiên thực tế qua rà soát của sở PCCC công an Hà Nội cho thấy, nhiều chủ đầu tư dự án dù đã bàn giao căn hộ cho người dân và vận hành công trình nhưng vẫn còn “nợ” nghiệm thu hạng mục an toàn PCCC. Công trình dù có đông người sinh sống nhưng các hạng mục thiết bị phục vụ an toàn PCCC như cửa chống cháy, bể nước chống cháy, họng cứu hỏa tầng, đầu báo khói, đầu chữa cháy tự động, thiết bị tăng áp buồng thang vẫn không vận hành đúng yêu cầu khi có cháy xảy ra. Trong một số trường hợp, các chủ đầu tư còn cố tình vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn PCCC (Theo thông báo của UBND TP Hà Nội tới Bộ Xây dựng, tính đến tháng 03/2018, qua kiểm tra 1.075 nhà, công trình cao tầng, chung cư cao tầng, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 17 chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của tiêu chuẩn hiện hành gồm: Nhà ở chung cư cao tầng kinh doanh (Số 46/230 Lạc Trung), chung cư 89 Phùng Hưng (Phúc La, Hà Đông), trung tâm thương mại và nhà ở cao tầng (số 27 Lạc Trung), tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 (ngõ 102 Trường Chinh), nhà CT1 – CT2 – CT3 – CT4 Xa La… Trong 17 công trình trên, có những chung cư nằm trong ngõ nhỏ, xe chữa cháy không thể tiếp cận; Công trình chỉ có 1 thang bộ hở trong nhà; Công trình không có khả năng thi công hệ thống tăng áp cho buồng thang bộ; Công trình không thể thi công hệ thống hút khói hành lang…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số tồn tại trong nhận thức về an toàn PCCC của chủ đầu tư, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng với thẩm duyệt thiết kế PCCC còn chưa đồng bộ. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn PCCC cho chung cư cao tầng trong thời gian tới, cần chuẩn hóa công tác nghiệm thu an toàn PCCC cho công trình chung cư cao tầng.

– Đối với các công trình mới, sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới đây, xây dựng đồng bộ cơ chế giám sát trên cơ sở có sự tham gia của đơn vị cấp phép an toàn PCCC – chính quyền địa phương và người dân. Cơ quan PCCC có trách nhiệm thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Khi có phản ảnh từ cư dân, cần thành lập các tổ chuyên gia, thanh tra, đánh giá các sai phạm. Kiên quyết giám sát việc khắc phục các thiếu sót trong lắp đặt thiết bị và hạng mục công trình về an toàn PCCC. Xử lý kiên quyết các trường hợp cố tình sai phạm hoặc cố tình kéo dài không khắc phục các lỗi thiếu sót.
– Đề xuất một số giải pháp khắc phục về an toàn PCCC cho các công trình nhà ở cao tầng đã đưa vào sử dụng, như với công trình không thể thi công hệ thống hút khói, TP Hà Nội đề xuất thay thế các cửa mở ra hành lang bằng cửa chống cháy có cơ cấu tự động đóng; Trang bị bổ sung hệ thống tăng áp trực tiếp vào các hành lang các tầng qua hệ thống tăng áp của buồng thang bộ. Với các công trình không có khả năng thi công hệ thống tăng áp cho buồng thang bộ, đề xuất mở ô cửa thoáng mặt sau các buồng thang bộ. Với các công trình tồn tại về hệ thống thu rác, TP Hà Nội đưa đề xuất giải pháp ống đổ rác làm bằng vật liệu không cháy, miệng ống đổ rác phải tự động đóng kín…

Hoàn thiện quy trình vận hành bảo dưỡng công trình 

KDT-Xa-La-Ha-Dong

Vận hành các tổ hợp chung cư phức hợp quy mô lớn cần đảm bảo các quy trình vận hành, kiểm tra và bảo trì đồng bộ

Thực tế theo quy định chung, ban quản trị của chung cư là đơn vị quản lý trực tiếp, có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hệ thống an ninh an toàn, PCCC… nhưng có đến 50% số chung cư hiện nay chưa lập được ban quản trị. Điều này đang gây trở ngại lớn cho quá trình vận hành bảo dưỡng công trình chung cư cao tầng. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, ý thức người dân cũng không chấp hành đầy đủ theo quy định. Điển hình tại vụ cháy Carina, toàn bộ hệ thống cửa cầu thang chống khói thoát hiểm do người dân tự ý mở, cơ chế tự đóng không hoạt động, khiến khói độc tràn vào, biến cầu thang thoát hiểm thành nơi tử nạn. Tại nhiều chung cư, tình trạng câu mắc điện chằng chịt, sử dụng các thiết bị điện không an toàn, lấn chiếm hành lang, vô hiệu hóa tác dụng của thang thoát hiểm, hay thậm chí là trộm cắp các thiết bị PCCC… đang xảy ra phổ biến, gây rất nhiều nguy cơ mất an toàn khi xảy ra sự cố. Do vậy, hoàn thiện quy trình vận hành bảo dưỡng công trình để đảm bảo an toàn PCCC hạn chế các thiệt hại về người và tài sản là điều cần làm.

– Xây dựng quy định, nội quy an toàn phòng cháy và chữa cháy. Trong quy định, nội quy phải xác định rõ nội dung công tác phòng cháy và chữa cháy, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc thực hiện các giải pháp, biện pháp phòng cháy và chữa cháy; quy định hình thức xử lý đối với hành vi bừa ẩu và khen thưởng đối với tập thể, cá nhân làm tốt công tác phòng cháy và chữa cháy. Niêm yết đủ nội quy phòng cháy và chữa cháy, biển cấm lửa, chỉ dẫn số điện thoại báo cháy và cách dập cháy bằng phương tiện tại chỗ, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn tại những nơi nguy hiểm cháy nổ. Xây dựng kế hoạch phòng cháy và chữa cháy trong từng thời kỳ để đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

– Trong quá trình hoạt động, định kỳ phân công cá nhân chuyên trách thường xuyên vận hành, bảo dưỡng các hệ thống PCCC đã trang bị theo quy định của TCVN 3890:2009, đặc biệt quan tâm đến hệ thống báo cháy, chữa cháy, hệ thống thông gió, chống tụ khói.

– Đảm bảo yêu cầu về khoảng cách PCCC với các công trình xung quanh và giao thông phục vụ chữa cháy theo thiết kế đã được thẩm duyệt. Trong quá trình hoạt động phải đảm bảo chiều rộng đường giao thông phục vụ chữa cháy để xe thang xe cần nâng có thể tiếp cận được các gian phòng trên các tầng cao (lưu ý về việc bố trí các điểm trông giữ xe, các hạng mục công trình hạ tầng xây dựng bổ sung, đường dây điện…. ảnh hưởng đến các vị trí tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy).

– Đảm bảo bố trí công năng các tầng theo đúng thiết kế được phê duyệt. Không tự ý thay đổi công năng các tầng, tự ý ngăn chia các khu vực ảnh hưởng đến thoát nạn và các hệ thống PCCC, khi thay đổi phải được sự chấp thuận của cơ quan cảnh sát PCCC. Đặc biệt lưu ý đến vấn đề quản lý việc người dân cho thuê căn hộ để làm văn phòng, dẫn đến tăng mật độ người, tăng thiết bị sử dụng điện, dễ chập cháy.

– Hướng dẫn người dân và mọi người trong tòa nhà không để các vật dụng che chắn lối thoát nạn trên hành lang, cầu thang của tòa nhà, không chèn, khóa cửa buồng thang, cửa ra thoát nạn. Yêu cầu người dân không vận chuyển các chất có nguy hiểm cháy nổ cao như bình gas, xăng dầu trong thang máy.

– Thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì và kiểm định các hệ thống kỹ thuật có nguy cơ nguy hiểm cháy nổ cao như hệ thống gas trung tâm, đo kiểm tra hệ thống tiếp địa, chống sét.

– Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất gây cháy như trong quá trình tồn trữ gas (ở trạm gas trung tâm) hoặc dầu cho máy phát thì chỉ tồn trữ theo trữ lượng được quy định, đảm bảo khoảng cách với các nguồn gây cháy.

– Biện pháp đảm bảo an toàn đối với hệ thống điện. Thiết kế, lắp đặt hệ thống điện phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn điện và PCCC, đặc biệt đối với các môi trường có nhiệt độ cao, có chất ăn mòn, nguy hiểm cháy nổ phải chọn dây dẫn, thiết bị điện đảm bảo an toàn, phù hợp với các khu vực đó. Đối với nguồn điện phục vụ báo cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ phải lắp đặt hệ thống điện chống cháy. Thường xuyên và định kỳ kiểm tra để phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót của hệ thống điện không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy. Ngắt các thiết bị điện không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc và khi ngủ. Lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét cho hệ thống điện. Lắp đặt các thiết bị bảo vệ đúng tiêu chuẩn để kịp thời ngắt mạch khi xảy ra chập mạch.

Hoàn thiện quy trình tập huấn cho người dân 
Những người dân sinh sống, làm việc và hoạt động trong các nhà chung cư, nhà tái định cư, các công trình có trung tâm thương mại thường thuộc về nhiều thành phần khác nhau (người lao động phổ thông, công nhân viên, công chức, học sinh …) có trình độ nhận thức của các cá nhân không đồng đều. Trong đó, nhiều người nhận thức về công tác PCCC hạn chế, chưa thấy được tầm quan trọng của công tác PCCC.
Ý thức của người dân trong kỹ năng thoát hiểm là điều cần được cơ quan quản lý PCCC địa phương và chủ đầu tư thường xuyên tập huấn và trang bị cho người dân để hạn chế tối đa các thiệt hại về người do hỏa hoạn tại các chung cư cao tầng gây ra. Thực tế đã cho thấy rất nhiều trường hợp, khi có cháy, người dân cố gắng sử dụng thang máy, hoặc chạy ra khu vực thang bộ không có tăng áp, hoặc chen lấn dẫm đạp dẫn đến các trường hợp ngạt khói và thiệt hại về người.

images1049612_9

Tổ chức tập huấn kỹ năng thoát hiểm, chữa cháy tại chỗ, an toàn PCCC cho cư dân trong các khu chung cư cao tầng

Cần tiến hành tập huấn xây dựng thói quen quan sát đường thoát nạn, vị trí thoát nạn khi bước vào các khu chung cư, nhà cao tầng. Khi xảy ra sự cố, bình tĩnh tìm đến đường thoát nạn gần nhất, các phòng lánh nạn. Tập huấn các kỹ năng thoát hiểm cho các hộ gia đình trong tình huống bất khả kháng, như khi các lối thoát nạn không an toàn, lập tức chạy vào bên trong căn hộ. Tại các căn hộ chung cư, trong thiết kế quy định cửa căn hộ là cửa chống cháy, vì vậy có tối thiểu 30 phút an toàn bên trong căn hộ. Việc đầu tiên cần làm là chống khói tràn vào căn hộ bằng cách sử dụng vật cản như chăn ướt chèn vào khe cửa . Sau đó chạy ra ban công, báo tín hiệu cho hệ thống cứu nạn cứu hộ.

Tham gia báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện thấy cháy; chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy và hoạt động PCCC khác.

Tổ chức lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở: căn cứ vào số lượng người, tính chất hoạt động của tòa nhà để thành lập đội PCCC cơ sở cho đủ số người, quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của đội PCCC cơ sở phải làm./.

Ths.KTS Đỗ Hà Thanh/Ban Quản lý Dự án quận Ba Đình