28/04/2016

Hiểu về BIM để nâng cao chất lượng công trình

Trong giới thiết kế và xây dựng công trình, cũng như cơ sở hạ tầng dân dụng, mô hình Thông tin Xây dựng (BIM) đã trở thành một yếu tố thiết yếu. Các nước phát triển đang tín nhiệm BIM để giúp đưa ra những dự án thành công bằng cách hạ thấp khả năng rủi ro và thiếu hiệu quả, cải thiện năng suất, tiết kiệm năng lượng, sự an toàn của hồ sơ và đảm bảo tiến độ dự án.

Mặc dù BIM đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi, nhưng một số ý kiến hoặc quan niệm sai lầm vẫn còn tồn tại và đang gây cản trở cho sự phổ quát của mô hình này.

Ông Gianluca Lange, phụ trách lĩnh vực kiến trúc, kỹ thuật, xây dựng tại khu vực ASEAN, Cty Autodesk chia sẻ: “Trên thực tế, BIM là một quá trình thông minh dựa trên mô hình, giúp thực hiện thiết kế, kỹ thuật dự án và thông tin vận hành trở nên chính xác, dễ dàng tiếp cận và sử dụng cho các tòa nhà và cơ sở hạ tầng. Các đội ngũ làm dự án có thể tạo và chia sẻ một mô hình chứa thông tin phong phú và sử dụng các dữ liệu phù hợp tương tự để nâng cao sự hiểu biết và đưa ra quyết định từ những ý tưởng thiết kế thông qua các tài liệu hướng dẫn xây dựng, cho vận hành và bảo trì”.

Tuy nhiên, có những quan niệm sai lầm về BIM cần phải được hiểu rõ hơn. Đầu tiên phải kể đến đó là quan điểm BIM dành cho các tòa nhà, thậm chí chỉ dành cho ngành kiến trúc.

Sự thật thì BIM là một quá trình phù hợp với tất các kiểu tòa nhà và dự án cơ sở hạ tầng dân sự. Theo báo cáo thị trường từ McGraw Hill, lợi ích cơ bản của BIM là: Tối ưu hóa thiết kế và cải thiện chất lượng hồ sơ dự án; giảm khối lượng, thời gian và chi phí cho các công việc phải làm lại (quy trình công việc hiệu quả hơn); tích hợp lịch trình dự án được tích hợp (cải thiện kết quả dự án); cải thiện khả năng dự báo và khả năng lợi nhuận.

Có thể nói BIM bắt đầu với một mô hình 3D, nhưng không quan trọng mô hình được tạo ra như thế nào, BIM hoàn toàn tập trung vào phần thông tin.

Với công nghệ ngày nay, một lượng dữ liệu lớn có thể được thu thập, tổng hợp và chia sẻ trên bất kỳ dự án hoặc danh mục đầu tư nào. Chúng ta ngày càng thấy nhiều thông tin đến từ việc chụp thực tế (thông qua quét laser và ảnh kỹ thuật số), hệ thống thông tin địa lý (GIX) và những tập hợp thông tin công khai khác, bao gồm thông tin về đối tượng, phân vùng và thông tin kinh tế, môi trường.

Trong quá trình xây dựng, thông tin có thể nhận được từ văn bản dự thầu, hợp đồng, bảng báo giá và lịch trình. Với một thiết kế hoặc mô hình xây dựng chứa nhiều thông tin được tạo ra từ công cụ nền tảng BIM, người dùng có thể mô phỏng và trực quan đặc tính vật lý và chức năng đặc trưng của thiết kế; trao đổi thông tin dự án, lịch trình và hợp tác với các bên liên quan; xây dựng các quy trình thông minh, nhanh chóng hơn để thu thập thông tin và hỗ trợ chất lượng.

Còn nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp nhận BIM hiện ở mức thấp, đặc biệt là trong ngành xây dựng và kỹ thuật dân dụng? Thật ra, ngành xây dựng đã vượt quá ngành kiến trúc để trở thành lĩnh vực có tốc độ thông qua BIM nhanh nhất. Sự tín nhiệm từ Chính phủ và yêu cầu từ các chủ sở hữu đang thúc đẩy việc sử dụng BIM vào các dự án cơ sở hạ tầng để giúp giảm rủi ro và chi phí.

Bên cạnh đó, những đổi mới mang tính đột phá đang chuyển đổi thị trường và những phương pháp truyền thống đang bị thay thế. Khi các công cụ và quá trình đang phát triển nhanh chóng, ranh giới giữa vật lý và kỹ thuật số mờ dần và tạo ra một sự kết nối, BIM cung cấp một nền tảng quan trọng, giúp các chuyên gia thiết kế, xây dựng và chủ sở hữu dự án đạt được lợi thế cạnh tranh với khả năng tiếp cận, chia sẻ và tạo ra lượng lớn thông tin trong suốt vòng đời của các công trình và cơ sở hạ tầng.

Cụ thể việc xây dựng một tòa nhà 57 tầng chỉ trong 19 ngày là điều không tưởng và cũng chưa từng xảy ra trước đây. Nhưng thông qua BIM, Ủy ban Xây dựng Bền Vững (BSB) tại Trung Quốc đã làm được. Đó là xây dựng với tiến độ ba tầng mỗi ngày, tòa tháp bao gồm 800 căn hộ, 19 hội trường, và không gian làm việc cho 4.000 người.

Phương tiện sản xuất vật chất đang thay đổi khi cách tiếp cận tới các phương pháp sản xuất phức tạp và ngoại vi trở nên dễ dàng hơn, giúp giảm chi phí và nâng cao chất lượng và giá trị. Những kỹ thuật chế tạo mới như sản xuất phụ gia và in ấn 3D chuyên dụng trong xây dựng, và trong tương lai gần là công nghệ robot, máy ủi không người lái, công nghệ kiểm soát CNC, và thậm chí công nghệ xác minh thực địa bằng quét laser sẽ trở thành phổ biến trên các công trường xây dựng và đóng vai trò quan trọng giống như con người trong ngành xây dựng

Cho thấy sức mạnh của sự kết nối, sự chuyển đổi từ các ứng dụng và các tập dữ liệu giúp đưa dự án thành trung tâm ngay từ ban đầu. Dự án và các đội ngũ cập nhật các thông tin và hệ thống được kết nối thông qua sử dụng điện toán đám mây để mở ra các khả năng chia sẻ và hợp tác trên vòng đời dự án trong thời gian thực mà không gặp phải rào cản nào. Những khối lượng thông tin khổng lồ đang trở nên sẵn sàng và công nghệ kết nối giúp biến những dữ liệu đó trở nên hữu dụng cho dự án. Các quy tắc để thiết kế và khai thác sức mạnh tính toán của điện toán đám mây để khám phá những khả năng gần như vô hạn. Phần mềm đang trở thành một nhà cố vấn trong quá trình thiết kế và kỹ thuật, đảm bảo tối ưu hóa thiết kế trong một thời gian ngắn. Sự tích hợp liền mạch của các quá trình biến các ý định thành thực hiện một cách hoàn hảo, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Ngoài ra, giá trị của BIM khi dự án được hoàn thành giữ nguyên trong quá trình vận hành và bảo trì của công trình.

Các dữ liệu thông minh trong một mô hình BIM của dự án sẽ hỗ trợ bảo dưỡng và lập lộ trình, xây dựng hệ thống phân tích, quản lý tài sản, quản lý không gian, theo dõi và quy hoạch cho phòng ngừa thảm họa, góp phần nâng cao chất lượng công trình.

Thanh Huyền/Báo Xây dựng