14/02/2022

Hiện thực hóa cho các giải pháp phát triển công trình xanh Việt Nam

Ý kiến đại biểu tại Hội thảo “Xu hướng phát triển Công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam” (Viện Kiến trúc Quốc gia – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)

PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên – Viện Khoa học Công nghệ Đô thị Xanh

CTX là hướng đi tất yếu của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, bởi nó đáp ứng được các giá trị của kinh tế, văn hóa, công nghệ, các yêu cầu và chất lượng cuộc sống trong hiện tại và tương lai.

Nhiều cơ hội đang mở ra với CTX trong quá trình phát triển tại Việt Nam. Quá trình phát triển các vùng đô thị rộng lớn như là Hà Nội hay TPHCM tạo ra nhiều cơ hội cho việc giảm thiểu tiêu thụ các nguồn tài nguyên và lượng khí thải. Đây cũng là điều kiện tốt cho việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nền kinh tế hiệu quả về năng lượng và xanh sạch trên tinh thần của CTX.

Bên cạnh đó, CTX rất cần những nỗ lực mạnh mẽ của các cơ quan liên quan từ quản lý, giám sát và cả ngành Công nghiệp Xây dựng. Để CTX có thể đi vào đời sống, cần thực hiện được 04 giải pháp không thể thiếu sau: (1) Xây dựng chính sách: Cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, cần có một hệ thống luật rõ ràng; (2) Sản phẩm xanh: Cần phải tạo một nguồn cung các sản phẩm xanh dồi dào, phong phú và có chất lượng cao với giá thành hợp lý; (3) Khách hàng cho sản phẩm xanh: Cần xây dựng một thị trường cho sản phẩm xanh với các khách hàng xanh; (4) Quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh: Cần xây dựng một hệ thống quản lý và đánh giá các sản phẩm xanh để phát huy CTX một cách thực chất.

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, CTX với tư tưởng mới là tiền đề cho hàng loạt kế hoạch hành động cần triển khai để hiện thực hóa các giải pháp phát triển CTX tại Việt Nam trong thời gian tới:

Xây dựng một cơ chế hỗ trợ và khuyến khích CTX thông qua việc ban hành các hệ thống luật liên quan. Cụ thể là: Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích phát triển CTX; Quan tâm phát triển CTX trong thể loại nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà thương mại được đầu tư từ ngân sách nhà nước; Hoàn thiện hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng CTX…

Tạo lập môi trường cho CTX thông qua sự cân bằng của kinh tế và môi trường, áp dụng vào các sản phẩm công nghiệp và hoạt động thương mại. Thông qua các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xây dựng CTX; phát triển và sản xuất vật liệu xây dựng xanh – thân thiện môi trường…

Xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực… về CTX từ các trường đại học và mở rộng đến các tầng lớp trong xã hội.

Xây dựng các chuẩn ISO và hệ thống đánh giá cho các công trình và sản phẩm xây dựng xanh.

Xây dựng các mô hình thực hiện từ chính sách – thí điểm – lựa chọn hình mẫu chuẩn – áp dụng nhân rộng./.