10/06/2015

Hãy trả bãi biển cho nhân dân

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không cấp phép cho các dự án xây dựng ven biển, thậm chí phải thu hồi nếu đã cấp, vì bờ biển cần thông thoáng và phải để phục vụ người dân. Chỉ thị của Thủ tướng đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận của toàn xã hội.

2

Từ trước đến nay, vấn đề phát triển kinh tế biển và hải đảo gắn với quốc phòng, an ninh luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ Đại hội IX (tháng 4/2001), Đảng ta đã chủ trương “Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển…”. Đại hội lần thứ X (tháng 4/2006) Đảng lại khẳng định tầm quan trọng của biển và hải đảo đối với phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, ngày 09/02/2007 Hội nghị Trung ương 4, khóa X đã đề ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020”, trong đó xác định, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển…”. Từ đó đến nay, nhiều địa phương, khu vực ven biển đã có nhiều thành công trong phát triển du lịch biển và đánh bắt thủy hải sản. Nổi bật là các tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu; Kiên Giang; Khánh Hòa; Đà Nẵng; Quảng Nam; Ninh Thuận và Bình Thuận. Nhưng bên cạnh đó, thì đây cũng là 7 địa phương có nhiều dự án chiếm dụng bờ biển, mặt nước biển phục vụ kinh doanh thu lời nhiều nhất và cũng nhiều tai tiếng nhất.

Theo Bộ TN&MT, thì hiện tại 7 địa phương này có 780 dự án ven biển đã được cấp giấy phép đầu tư xây dựng. Nhưng có đến 260 dự án sẽ bị thu hồi (chiếm 19.000ha); 15 dự án đã bị thu hồi (chiếm 700ha). Những dự án này khi có giấy phép đầu tư xây dựng đã không triển khai, mà làm tường bao bằng bê tông hay chăng thép gai để giữ đất kéo dài đến 7 – 8 năm như bờ biển Xuyên Mộc, Bình Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu). Cũng tại nơi đây, một dự án gây nhiều tai tiếng là dự án Saigon Atlantis Hotel có diện tích đất ven biển là 300ha, diện tích mặt nước biển là 600ha cũng nằm im lìm đã gần 10 năm nay kể từ ngày được lãnh đạo tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư?! Ở tỉnh Phan Thiết, mặt tiền bãi biển Mũi Né (một địa danh thắng cảnh vào loại bậc nhất miền Trung) cũng được giao hết cho các chủ đầu tư để xây dựng các khu resort, khách sạn, tổ hợp nghỉ dưỡng, nhà hàng, biệt thự kéo dài hàng chục kilômét, bịt hết các lối của người dân đi ra biển. Còn tại Đà Nẵng, TP nổi lên trong thời kỳ đổi mới với danh hiệu “Đô thị đáng sống”, thì bờ biển đẹp nức tiếng cả nước cũng không tránh khỏi tình trạng “chia lô bán nền”. Từ khu resort nghỉ dưỡng Furama kéo dài về phía nam dọc bờ biển Đà Nẵng dày đặc các công trình kinh doanh du lịch hiện đại kiên cố bằng bê tông cốt thép và kính đã xây dựng, xây dựng dở dang hay chỉ có tường bao che… đang là nơi người dân Đà Nẵng (không có tiền) bất khả xâm phạm. Còn ở bờ biển TP Nha Trang, bờ biển đẹp nhất nhì thế giới, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, thì vài năm trở lại đây, nhất là thời gian vừa qua luôn là điểm nóng được xã hội và công luận quan tâm bởi chủ trương của chính quyền tỉnh Khánh Hòa trong việc cho phép triển khai xây dựng nhiều công trình lớn, cao tầng trên bờ biển tươi đẹp này. Mà trong đó, dự án Poenix Beach (Bãi biển Phượng Hoàng) của Cty TNHH Dewan International Viet Nam là ví dụ điển hình. Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000 khu vực phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng (TP Nha Trang) ngày 17/10/2014 của Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, thì dự án này có tổng diện tích lên tới 240ha với mặt tiền chạy suốt bờ biển TP. Điểm nhấn ở dự án khủng này là tổ hợp cao ốc – vườn Phoenix cao từ 40 – 65 tầng trên một diện tích gần 50.000m2 và tổ hợp khách sạn – dịch vụ cũng cao 40 – 45 tầng với diện tích chiếm đất 10.000m2. Và như thế, trên bãi biển trung tâm TP Nha Trang dài 4,5km, Tập đoàn Dewan sẽ đầu tư 20.727 tỷ đồng vào các hạng mục kinh doanh hoành tráng này. Rất nhiều ý kiến của dư luận phản đối việc cho phép xây dựng dự án. Bởi nếu được thực hiện, thì cảnh quan bờ biển Nha Trang sẽ bị biến dạng hoàn toàn bởi các cấu trúc bê tông mới do chủ đầu tư tạo nên vì lợi nhuận.

Bờ biển là của dân, phải phục vụ lợi ích của dân! Đó không chỉ là mệnh lệnh tối thượng của Thủ tướng. Mà đó cũng là trách nhiệm của tất cả chúng ta trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, tài nguyên môi trường biển vô cùng quý giá của Tổ quốc, không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.

KTS Phạm Thanh Tùng

Theo Báo Xây dựng