05/04/2018

Hành trình Kiến trúc Mùa Xuân 2018 – Hội KTS Hà Nội

Trong suốt 29 năm qua (1990-2018) Hội KTS Hà Nội tổ chức cho toàn thể hội viên đi “Dã ngoại Kiến trúc”, thời điểm thường vào đầu Xuân (tháng Hai âm lịch), do vậy anh em KTS Hà Nội cũng quen gọi là Dã ngoại Kiến trúc đầu Xuân. Kể từ ngày 04 tháng 11 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2008/QĐ-TTg, theo đó “Hàng năm lấy ngày 27 tháng 4 là Ngày Kiến trúc Việt Nam và tổ chức lần đầu tiên vào ngày 27 tháng 4 năm 2011… nhằm động viên và thu hút sự quan tâm của giới kiến trúc sư, các tầng lớp nhân dân, các nhà quản lý về kiến trúc – quy hoạch, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp đoàn kết, sáng tạo, tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; có hình thức khen thưởng, biểu dương, khuyến khích các tài năng kiến trúc cống hiến cho Tổ quốc.” Từ đó chuyến đi Dã ngoại Kiến trúc đầu Xuân của Hội KTS Hà Nội càng trở nên có ý nghĩa hơn, cũng là dịp các KTS Hà Nội tổ chức kỷ niệm “Ngày Kiến trúc Việt Nam” trên các vùng miền Tổ quốc – nơi các KTS Hà Nội có mặt. Năm nay nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ gửi thư cho KTS, các KTS Hà Nội cũng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm này tại một không gian phù hợp cho cuộc Lễ và Hội.

Ngày 14/4/2018, Hội KTS Hà Nội sẽ đi về các địa điểm Xứ Đoài: đầu tiên là đến Chùa Đậu (Thường Tín), ngôi chùa còn giữ được vẻ đẹp tao nhã, tinh tế của chùa Việt giữa làn sóng làm mới các di sản từ 20 năm trở lại đây. Các KTS có thể cảm nhận được khung cảnh ngôi chùa giữa mặt nước, đồng lúa; Mái chùa bé nhỏ còn trầm mặc, suy tư nhưng vẫn kiêu hãnh với khát vọng lưu dấu đời đời kiếp kiếp; Cổng chùa then gỗ sơ sài, nhưng cũng đủ làm ranh giới giữa hai chốn thanh tao/tục lụy; Những cánh cổng then gỗ tròn cũ kỹ, được đẽo gọt bằng tay, những cột gỗ được tôn tạo bằng cách chắp từng đoạn cũ/mới cho ta thấy được sự lão luyện của Thượng tọa, chủ trì ngôi chùa, người đã cho ta biết giá trị của thời gian chồng lớp lên nhau. Chứng kiến sự trân quý lịch sử của ông khiến nhiều người buông tay tàn phá di sản tổ tiên phải e ngại .Ngoài sân Chùa, các bà cụ răng đen, áo cánh vấn khăn vẫn ngồi đó dưới bóng mát cây xanh, hình ảnh như đọng lại, ngưng lại thời gian của ngày ấy: “Bao giờ gặp lại bóng tre/Con cò mỏi cánh bờ đê nắng vàng/Bao giờ lúa chín đồng làng/Thửa anh đi gặt, thửa nàng đưa cơm” (thơ Ánh Tuyết).

1-Cửa cũ then gỗ

Cửa cũ then gỗ

2- Chùa Đậu

Chùa Đậu

3-Sân chùa

Sân chùa

Đến với Nhị Khê, quê hương Nguyễn Trãi, các KTS sẽ được biết thêm về ngôi chùa làng đã được bà Công chúa tạo dựng, tu bổ ra sao và lớp lớp con cháu của bà đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới, ngay trên mảnh đất này như thế nào. Ngay bên giếng làng vẫn còn đầy nước trong trước cửa Chùa mà vẫn khôn nguôi thương nhớ “Chông chênh bến nước đầu đình/Có nhà mở nhạc xập xình ru con/Câu hò điệu ví câu von/Đã đi xa lắm nơi còn khuất xa” (thơ Ánh Tuyết).

Chuyến hành trình sẽ lội ngược dòng Nhuệ Giang để về với Phủ Hoài Đức xa xôi, nơi có làng Lai ((Lai Xá) với bao câu chuyện buồn vui của trăm năm bể dâu quanh ngôi làng bé nhỏ. Ngôi làng có tuổi hàng trăm năm nhưng chỉ trong vài năm, làng chỉ còn giữ lại được 1ha ruộng, còn 299ha ruộng làng đã nhường chỗ cho khu đô thị mới. Thăm Bảo tàng Nhiếp ảnh của làng sẽ cho chúng ta biết được ông cha ta tháo vát, tài hoa như thế nào. Người Lai Xá đầu TK 20 đã đi khắp thế gian lập nghiệp. Dẫu có đi khắp bốn phương trời nhưng tấm lòng vẫn gửi gắm nơi quê nhà, người Lai Xá vẫn sống đàng hoàng trong những thử thách khắc nghiệt, họ chấp nhận thực tại và không quên trách nhiệm với lịch sử và tương lai. “Làng mình thành phố làng rồi/Đồng xa đã bán cho người dưới xa” (thơ Ánh Tuyết).

Các KTS sẽ được tới Bảo tàng gia đình Nguyễn Văn Huyên, sẽ được nghe, thấy, được chạm vào ký ức, lịch sử của một con người, gia đình, dòng họ, làng quê và đất nước …và với nhiều bạn trẻ (hay cả những bạn tóc đã đổi màu) sẽ hình dung được hành trình nhận thức, học tập, lao động của thế hệ các trí thức Việt nam đầu TK20 diễn ra như thể nào để cống hiến cho khoa học, cho sự hiểu biết, cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước.

4- Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên

Đoạn cuối của chuyến đi là khung cảnh vui tươi của một đô thị mới, của một ngôi chùa mới do những doanh nhân mới làm ra: họ vốn thành công trong việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp cho thuê trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ, chủ nhân của khu đô thị này đã mạnh dạn đầu tư san lấp nhiều ha đất để đắp đồi, đào hồ, xây các biệt thự ẩn hiện trong những rặng cây mới trồng, và ngôi chùa mới có trường đào tạo các vị tu hành mới … Lại một mùa Xuân kiến trúc mới bắt đầu .

5 -Vườn tượng chùa mới

Vườn tượng chùa mới

6 - Cố nhân

KTS Nguyễn Tuấn Định – PCT Hội KTS Hà Nội (nguyên Phó GĐ sở QHKT Hà Nội) đang trò chuyện với đại diện Chủ đầu tư khu ĐTM về câu chuyện, kỷ niệm hợp tác hình thành dự án, một trong dự án đô thị sinh thái đầu tiên được tỉnh Hà Tây cũ triển khai (trước khi nhập về Hà Nội). Bên cạnh ông là KTS Lê Văn Lân, người 30 năm qua thiết kế hành trình Dã ngoại Kiến trúc mùa Xuân cho các KTS Hà Nội

KTS Trần Huy Ánh

Ủy viên thường vụ BCH Hội Kiến trúc sư Việt nam