10/05/2018

GS Trần Thanh Vân: “Làm khoa học không nên hào nhoáng”

“Chúng tôi mong Việt Nam có sự cải thiện về Quản trị khoa học một cách bền vững. Làm khoa học nên hướng đến những dự án thực tế, có giá trị, hiệu quả thực tiễn. Chúng tôi không muốn xây dựng lên những dự án khoa học cao siêu, hào nhoáng rồi đắp chiếu” – GS Trần Thanh Vân đã chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo quốc tế chủ đề “Khoa học để phát triển”.

Hội thảo tổ chức trong 2 ngày 09 – 10/ 5/2018, tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở thành phố Quy Nhơn nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tổ chức Khoa học và Giáo dục -Gặp gỡ Việt Nam.


Giáo sư Trần Thanh Vân

Giáo sư Trần Thanh Vân

Bên lề hội thảo, chia sẻ về 25 năm thành lập Tổ chức Khoa học và Giáo dục – Gặp gỡ Việt Nam, GS Trần Thanh Vân cho biết, Hội nghị khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” đầu tiên diễn ra vào năm 1993 ở Hà Nội. Lúc đó tình hình rất khó khăn, chúng tôi không thuê khách sạn nào mà ở nhà khách quân đội, thiếu điện, thiếu gạo… nhưng lúc đó chúng tôi đã mời được 1 giáo sư Mỹ đoạt giải Nobel đến Việt Nam là điều hết sức tuyệt vời. Sau đó, nhiều hội nghị khoa học Gặp gỡ Việt Nam ở Hà Nội, TPHCM, Huế.

Từ đó đến nay, Hội đã không ngừng xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học, kết nối lớp trẻ Việt Nam với bạn bè năm châu. Năm 2012, Hội Khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” trở thành đối tác chính thức của UNESCO.

Hội đã tổ chức 14 lần các chuỗi hội nghị khoa học “Gặp gỡ Việt Nam”, thu hút hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng, nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel đến tham gia.

Được biết, Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) là nơi giao lưu, trao đổi, chuyển giao khoa học công nghệ giữa thế hệ trẻ Việt Nam và các nước, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Vì sao giáo sư lại chọn Quy Nhơn để đặt địa điểm ICISE?

Chúng tôi đã nghiên cứu, lựa chọn rất nhiều nơi để đặt trung tâm. Tôi chọn nơi hẻo lánh vì các nhà khoa học đến để nghiên cứu, làm việc, dự hội nghị vì khoa học đó mới là điều quan trọng nhất. Đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt huyết, tận tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Định mà trực tiếp là ông Vũ Hoàng Hà, nguyên Bí thư tỉnh ủy đã giữ chúng tôi lại với cái tâm vì sự phát triển của nền khoa học.

Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), được xây dựng từ năm 2013 là nơi gặp gỡ của các nhà khoa học quốc tế.

Trung tâm đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học khoa học chyên đề với hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields, 2 giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực Thiên văn học), 1 giáo sư đạt giải Shaw, 1 giáo sư đạt giải Kalinga (ONU) và CINO DEL DUCA (Viện Hàn lâm khoa học Pháp). Tháng 8 tới đây, tiếp tục có 2-3 GS Nobel đến dự hội nghị khoa học “các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” để kỷ niệm 25 năm Gặp gỡ Việt Nam.

Các khóa học quốc tế theo chuyên đề cũng được tổ chức để đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu khoa học cho sinh viên, nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam và châu Á, tụ họp khoảng 100 sinh viên châu Á và hơn 20 giáo sư quốc tế trình độ cao giảng dạy hàng năm.

Giáo sư nhận định như thế nào về nền khoa học Việt Nam hiện nay? Sự tác động của trung tâm tới sự phát triển khoa học Việt Nam?

Khoa học cần sự hợp tác quốc tế. Khoa học Việt Nam còn rất yếu kém vì thế chúng ta phải “lợi dụng” tài năng khoa học quốc tế đến để kéo mình đi lên. Do đó, chúng ta phải mở cửa, luôn tìm kiếm, mời các nhà khoa học thế giới đến Việt Nam để chúng ta học hỏi.

Mục tiêu của Hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” là đóng góp một phần nào vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai của Việt Nam. Hội lôi kéo nhà khoa học quốc tế đến để tạo điều kiện cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam giao lưu, học hỏi với các nhà khoa học quốc tế.

Mỗi lần các GS đoạt giải Nobel đến Việt Nam, chúng tôi đều cố gắng tổ chức để các GS gặp gỡ giáo viên, sinh viên Việt Nam, nhất là các bạn trẻ nhằm hun đúc, khơi gợi tình yêu với khoa học. Tôi muốn mang khoa học đến với công chúng một cách rộng rãi và sâu sắc hơn.

Chính vì vậy, bên cạnh các hội thảo khoa học quốc tế, Hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” còn tổ chức các khóa học chuyên đề cho sinh viên, các buổi thuyết trình khoa học đại chúng, các buổi giao lưu trực tuyến, trực tiếp với các giáo sư đoạt giải Nobel và học sinh, sinh viên.

Tổ chức các trường hè về khoa học, trong đó 50% là học sinh quốc tế, 50 học sinh Việt Nam. Hội đã tổ chức 35 lớp học quốc tế về Vật lý lý thuyết, Vật lý thiên văn, Toán học, Toán ứng dụng trong y học để đào tạo nhân lực khoa học chất lượng cao trong các lĩnh vực này cho Việt Nam và giúp đỡ các sinh viên, nghiên cứu trẻ có cơ hội tiếp xúc, học hỏi các giáo sư giỏi, tìm kiếm cơ hội nghiên cứu sinh ở nước ngoài.


Các nhà khoa học trẻ quốc tế tại Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ngày 9/5/2018

Các nhà khoa học trẻ quốc tế tại Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ngày 9/5/2018

Như GS đã nói, mục tiêu của Hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” là đóng góp một phần nào vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai của Việt Nam. Vậy GS đặt kỳ vọng như thế nào với con đường mà mình đang đi?

Quan trọng là con người, con người không có ham mê thì không bao giờ đạt được. Làm khoa học phải đi từ dưới lên, nếu đi từ trên xuống, sẽ khó thành công. Thành lập Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) là tạo điều kiện cho các bạn trẻ có nơi độc lập để nghiên cứu khoa học và phải tìm ra tiền để trả lương cho nhà khoa học trẻ sống được.

Con đường mà tôi đi là con đường dựa vào con người, không phải là sự ủng hộ từ ngân sách. Hiện nay tại trung tâm, chúng tôi đã có một nhóm nghiên cứu vật lý gắn bó lâu dài với trung tâm để nghiên cứu. Tôi mong có những nhà khoa học tận tâm sẽ đi lên từ đây.

Ví dụ, chúng tôi đã vận động Viện Vật lý giúp đỡ cho khoa Vật lý ĐH Quy Nhơn, cho phép tham gia vào chương trình phát triển Vật lý quốc gia đến năm 2020, qua đó từng bước xây dựng đội ngũ và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học cho khoa Vật lý trường ĐH Quy Nhơn.

Khó khăn của chúng tôi không phải cơ quan Nhà nước, không có biên chế, nhưng chúng tôi muốn các bạn trẻ đó hiểu dù không trong cơ chế nhưng họ sẽ được tạo điều kiện làm khoa học độc lập, không phải vướng bận về cơm áo gạo tiền. Các em toàn tâm toàn ý làm khoa học, chỉ nhận lương của trung tâm để sống và nghiên cứu.

Đây là một thực tế mà tôi đã hiểu rõ khi quyết tâm làm như vậy. Tôi ở Pháp nhận lương là đủ sống và làm khoa học, còn ở Việt Nam, các nhà khoa học Việt Nam chưa được như vậy. Trung tâm sẽ cố gắng thoát ra điều đó để các em đến là có thể sống và làm khoa học được ở đây. Chúng tôi muốn làm từ thực tế, có kết quả, lúc đó tiếp tục đề nghị Chính phủ để thành lập Viện khoa học quốc tế.

Hội thảo “Khoa học để phát triển” năm nay, có nhiều nhà khoa học Việt Nam tham gia nhiều hơn. Trong bàn tròn nào cũng có người Việt Nam tham gia tỷ lệ cũng khá cao. Tôi mong trong tương lai có nhiều nhà khoa học VN tham gia, quan tâm nhiều hơn để thế giới biết con đường mình đi như thế nào, tầm nhìn khoa học Việt Nam như thế nào.


Vợ chồng GS Trần Thanh Vân đón Giáo sư Finn Kydland là nhà kinh tế học người Na Uy đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004 đến Bình Định dự hội thảo Khoa học để phát triển.

Vợ chồng GS Trần Thanh Vân đón Giáo sư Finn Kydland là nhà kinh tế học người Na Uy đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004 đến Bình Định dự hội thảo “Khoa học để phát triển”.

Từ hoạt động của Hội “Gặp gỡ Việt Nam”, giáo sư mong muốn điều gì nhất đối với Việt Nam?

Chúng tôi mong Việt Nam có sự cải thiện về Quản trị khoa học một cách bền vững. Làm khoa học nên hướng đến những dự án thực tế, có giá trị, hiệu quả thực tiễn. Chúng tôi không muốn xây dựng lên những dự án khoa học cao siêu, hào nhoáng rồi đắp chiếu. Bên cạnh đó, tôi cũng mong sẽ có sự phản biện mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực khoa học.

Tôi mong, các bạn trẻ có nhiều điều kiện sáng tạo. Các nhà lãnh đạo, quản lý chỉ nên thực hiện vai trò cố vấn, tạo điều kiện để làm sao đưa khoa học hoàn toàn tự do phát triển. Chúng ta có hàng nghìn người làm khoa học cơ bản mà có một người thành công, ví dụ như Anhxtan thì đó là cuộc cách mạng.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam cho thành lập Viện khoa học quốc tế với 50% là nhà khoa học quốc tế, 50% là nhà khoa học Việt Nam từ 3 năm nay rồi nhưng hiện gặp khó khăn về nhiều vấn đề về cơ chế, thủ tục.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Trao đổi với báo chí, GS Trần Thanh Vân cho rằng, Việt Nam nên điều chỉnh các vướng mắc về thủ tục để các nhà khoa học thế giới đến Việt Nam thuận lợi hơn. GS Vân cho rằng, việc xin visa du lịch đến Việt Nam dễ hơn một nhà khoa học nổi tiếng xin visa đến VN dự hội nghị khoa học.

GS ví dụ, vừa qua có một nhà khoa học danh tiếng của quốc tế xin thủ tục xuất nhập cảnh vào Việt Nam dự hội thảo trong 10 ngày nhưng rất khó khăn, phải nhờ nhiều nơi can thiệp mới được.

“Một trong bổn phận của các nhà khoa học là đưa khoa học đến quần chúng. Chúng ta không nên quá khó khăn trong vấn để này, trong bối cảnh chúng ta muốn học hỏi khoa học thế giới vì thế chúng tôi cũng mong nhận được sự thông thoáng về thủ tục hơn” – GS Vân kiến nghị.

Hồng Hạnh – Doãn Công/Theo Dân trí