Gợi ý 10 cách thiết kế ánh sáng giúp “mở rộng” không gian nhà ở (phần 2)
Một trong số những khía cạnh cốt yếu nhất trong thiết kế nội thất chính là ánh sáng – yếu tố có thể tạo ra (hoặc cũng có thể phá vỡ) không gian bố trí nội thất với bất kỳ kích thước hay vật liệu nào. Ánh sáng trở nên đặc biệt quan trọng trong những không gian chật hẹp hay đông đúc, có thể giúp chúng ta cảm thấy rộng hơn, thoáng đãng hơn trong khi sự thật là diện tích vẫn không hề thay đổi. Ngược lại, việc thiết kế ánh sáng không tốt có thể khiến những không gian rộng rãi dường như bị nhỏ hẹp lại, chật chội hơn so với diện tích thực.
Để không gian nội thất được chiếu sáng hợp lý và tạo cảm giác rộng thoáng, các kiến trúc sư có thể dựa vào rất nhiều phương pháp quen thuộc để tận dụng tối ưu không gian. Từ việc thiết kế chính xác các mảng sáng tối, đặt các loại ánh sáng ở các vị trí phù hợp nhất, hòa hợp với các yếu tố khác để tất cả tạo nên tổ hợp ánh sáng hiệu quả, có tính thẩm mỹ cao. Dưới đây là gợi ý 10 cách thiết kế ánh sáng giúp “mở rộng” không gian nhà ở hiệu quả, gia chủ có thể tham khảo và áp dụng.
6. Sử dụng đèn treo thả từ trần nhà
Việc điều hướng ánh nhìn không chỉ áp dụng khi chiếu sáng tường mà còn cần dùng để làm nổi bật trần nhà cao. Đèn treo thả sẽ thu hút sự chú ý lên phía trần nhà và do đó khiến khoảng không gian trần nhà như cao hơn. Đồ nội thất cao, kệ cao và đèn chiếu thẳng đứng cũng có thể dùng để ghi dấu độ cao của căn nhà.
7. Thiết kế đèn chiếu sáng cao và đèn chiếu sáng sâu
Như đã nhắc đến ở trên, đèn chiếu cao có thể được dùng để làm nổi bật độ cao của trần nhà hoặc làm trần nhà thấp trở nên cao hơn. Trong khi đó, chiếu sáng sâu bao gồm việc thêm đèn phía sau những đồ nội thất như tủ, hốc tường, màn hình hay các phần bảng, khung thông tin khác. Cách này không chỉ tạo ra ảo giác về chiều sâu, giúp không gian rộng hơn mà còn như được thiết kế một cách phức tạp hơn.
8. Lắp đặt đèn rọi
Đèn chiếu rọi là một cách thức khác dùng cho những điểm cần quan sát gần và làm nổi bật. Những chiếc đèn này tích hợp nhiều điểm ưu việt như: nhỏ gọn, tiết kiệm không gian, linh hoạt, dễ dàng di chuyển. Đó là lý do tại sao chúng có thể đáp ứng cả yêu cầu chiếu sáng điểm và chiếu sáng chung, giúp căn phòng tràn ngập ánh sáng nếu chúng được bố trí một cách hợp lý.
9. Bổ sung gương hoặc các vật liệu phản chiếu khác
Sử dụng gương là cách vô cùng phổ biến giúp căn phòng cảm giác như rộng ra, bởi gương giúp nhân đôi không gian trong tầm mắt. Chúng phản chiếu ánh sáng, tăng cường độ sáng một cách tự nhiên và giảm bớt bóng tối. Gương càng lớn thì hiệu ứng càng rõ rệt. Tuy nhiên, sử dụng các vật liệu phản chiếu khác, không phải gương, cũng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn. Ví dụ, các bề mặt bóng như sàn nhà được vệ sinh bóng loáng hay những vật dụng bằng thủy tinh cũng giúp phản chiếu ánh sáng, tăng độ sáng và điều chuyển ánh sáng phủ khắp căn phòng.
10. Sử dụng nội thất và tường sáng màu
Cuối cùng, đồ nội thất và những bức tường sáng màu có vai trò rất quan trọng giúp duy trì độ sáng và sự phản chiếu được tạo ra bởi tất cả các mẹo thiết kế ở trên. Việc này giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường hiệu quả của các nguồn sáng, trong khi tường, nội thất tối màu có thể hấp thụ độ sáng tăng thêm do việc phân bổ ánh sáng và các yếu tố phản chiếu.
Thu Phương/Happynest