08/09/2020

Gỡ vướng trong cải tạo chung cư cũ

Sau nhiều năm thực hiện, đến nay tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ tại TP Hà Nội rất chậm trễ, chủ yếu do những vướng mắc về cơ chế, chính sách, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của hàng chục nghìn người dân và gây mất mỹ quan đô thị.

Không ít nhà chung cư, khu tập thể cũ bị lấn chiếm, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và làm xấu mỹ quan đô thị. Trong ảnh: Một góc khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Ðình)

Không ít nhà chung cư, khu tập thể cũ bị lấn chiếm, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và làm xấu mỹ quan đô thị. Trong ảnh: Một góc khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Ðình)

Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng phải có giải pháp tháo gỡ ngay những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ.

Nhiều năm nay, khu nhà tập thể Bộ Tư pháp, gồm ba đơn nguyên tại ngõ 35 phố Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Ðình bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, đơn nguyên 1 và đơn nguyên 3 bị sụt lún, tách rời nhau khoảng 1 m, được cơ quan chức năng xác định là nguy hiểm cấp độ D. Ðể bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, thành phố đã hỗ trợ các hộ dân di dời và đến nay có 40 hộ dân trong tổng số 42 hộ dân ở tập thể này đã chuyển đến nơi tạm cư. Tuy nhiên, còn hai hộ dân có diện tích kinh doanh mặt đường tầng một chưa di dời, gây ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo chung cả khu nhà.

Còn tại chung cư ba tầng số 22 phố Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Ðình, sau hơn bảy năm thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Lý do là còn một vài hộ dân có diện tích kinh doanh tầng 1 không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, muốn bán lại căn hộ hiện tại cho chủ đầu tư, nhưng lại đưa ra mức giá quá cao so với mặt bằng giá bất động sản trong khu vực. Vì thế phần lớn các hộ dân đã bàn giao mặt bằng, chuyển nhà đến nơi tạm cư chưa biết khi nào có nhà mới để trở về.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Ðình, so với những dự án đã thực hiện trên địa bàn quận, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự án số 22 phố Liễu Giai cao hơn rất nhiều và có lợi cho người dân. Việc một số ít người dân đưa ra các đòi hỏi vô lý ảnh hưởng đến tiến độ dự án và quyền lợi của những người dân đã bàn giao mặt bằng, bởi tại Ðiều 14 Nghị định số 101/2015/NÐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ phải tự thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và phải được 100% các chủ sở hữu thông qua thì mới được triển khai dự án.

Tại TP Hà Nội hiện có gần 1.580 tòa nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.280 tòa nhà thuộc 76 khu và hơn 300 tòa nhà nằm riêng lẻ, phần lớn được xây dựng trong giai đoạn 1960 – 1990. Các nhà chung cư có chiều cao từ ba đến năm tầng, xen kẹt là các công trình nhà ở thấp tầng, trụ sở cơ quan, trường học… Ðiều đáng nói là các nhà chung cư và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đều bị lấn chiếm, thiếu hụt, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân hiện nay và làm xấu mỹ quan đô thị. Thời gian qua, thành phố rất quan tâm cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, cải thiện chỗ ở cho người dân, nhưng tiến độ mới đạt khoảng 1%.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, phương án cụ thể. Ðến nay, Sở đã hoàn thành dự thảo đề án cải tạo, xây dựng chung cư cũ trên địa bàn thành phố, đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp. Ðể đề án có tính khả thi, Sở Xây dựng đề xuất sáu nhóm cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư, trong đó có đề xuất liên quan chủ sở hữu nhà chung cư không phải cấp độ D.

Cụ thể, Luật Nhà ở quy định việc lựa chọn nhà đầu tư cũ không phải cấp độ D, phải được 100% các chủ sở hữu nhất trí thông qua tại hội nghị nhà chung cư. Trong quá trình thực hiện, phần lớn chủ sở hữu đều mong muốn cải tạo chung cư, nhưng một số chủ sở hữu, nhất là các chủ sở hữu các căn hộ ở tầng 1 có diện tích kinh doanh thường có yêu cầu quá cao, dẫn đến không thống nhất trong thực hiện dự án. Ðề án đề xuất đối với nhà chung cư không phải cấp độ D, chỉ cấp độ C, chỉ cần có từ 70% số chủ sở hữu căn hộ trở lên đồng thuận cải tạo, xây dựng lại là triển khai dự án. Ngoài ra, đề án đề xuất cho phép phá dỡ để cải tạo, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân đối với các chung cư cấp độ D đơn lẻ, nằm ngoài các khu chung cư cũ đang thực hiện theo quy hoạch chi tiết 1/500.

Ðồng quan điểm này, Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho biết, việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội đang gặp nhiều vướng mắc, do người dân tự ý cơi nới diện tích các căn hộ, nhất là đối với căn hộ tầng 1, khiến cho việc xác định diện tích bồi thường, hỗ trợ tái định cư rất khó khăn. Nhiều chủ sở hữu căn hộ đòi hỏi mức bồi thường giải phóng mặt bằng quá cao so với giá trị thực tế, dẫn đến không ít dự án đã được chấp thuận đầu tư, nhưng sau nhiều năm không thể triển khai.

Ðối với các phương án thiết kế, các chủ đầu tư đều muốn nâng chiều cao công trình xây dựng, nhưng lại bị hạn chế bởi Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô. Ngoài ra, một số quy định pháp luật về trình tự, thủ tục trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng trong thực tế, như việc phải có phương án bồi thường trước khi được lựa chọn chủ đầu tư, việc thỏa thuận giữa chủ đầu tư với chủ sở hữu căn hộ… Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo sửa đổi một số quy định tại Nghị định 101/2015/NÐ-CP để phù hợp thực tế, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô và cả nước.

Hy vọng, những vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư trong cải tạo, xây dựng chung cư cũ sớm được tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh quá trình cải tạo các nhà chung cư cũ, cải thiện chỗ ở cho người dân.

Minh Vân/Nhân dân