31/07/2018

Giải mã sức hút tại thị trường bất động sản Biên Hoà

Giải mã sức hút tại thị trường bất động sản Biên Hoà

Mặc dù không có những biến động mang tính bùng nổ như ở một số quận vùng ven TPHCM thời gian trước đó, nhưng thị trường bất động sản Biên Hòa hiện đang đón nhận làn sóng đầu tư liên tục đổ về, hứa hẹn sự bứt phá trong thời gian tới.

Thỏi nam châm thu hút đầu tư

Là một đô thị vệ tinh trong tứ giác phát triển trọng điểm vùng Đông Nam Bộ, bên cạnh TPHCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai đang trở thành điểm thu hút mạnh mẽ về đầu tư, đứng thứ 3 trên cả nước về thu hút vốn FDI (tính đến cuối năm 2017), tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng và công nghiệp.

Đồng Nai từ lâu đã được xem là một tỉnh công nghiệp lớn với các đô thị công nghiệp nổi bật như Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… Điều này hình thành nên nhu cầu tất yếu về chỗ ở cho đông đảo người lao động và đội ngũ chuyên gia nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây.

Đặc biệt, quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2030 đã định ra hướng phát triển khu vực này trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) là vùng đô thị động lực phía Đông, có mối liên kết chặt chẽ với đô thị hạt nhân trung tâm TPHCM, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của vùng TPHCM. Theo quy hoạch, Biên Hòa sẽ trở thành một thành phố năng động về kinh tế, có sức cạnh tranh cao, tập trung các dịch vụ đa ngành cao cấp và công nghiệp công nghệ cao.

Cùng với quy hoạch tứ giác trọng điểm Đông Nam Bộ thì vùng tứ giác bất động sản mới tại phía Nam cũng đã được hình thành, bao gồm: Long Thành – Nhơn Trạch – Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương) – Thủ Đức (TPHCM) và một phần tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các chuyên gia đánh giá đây là khu vực có tốc độ phát triển các dự án bất động sản ở nhiều phân khúc lớn nhỏ sôi động nhất phía Nam.

Đặc biệt, nằm ở khu vực trung tâm kinh tế, hành chính của tỉnh Đồng Nai, đồng thời giáp ranh với khu Đông của TPHCM, thị trường bất động sản Biên Hoà đang có sức hút lớn trong mắt các nhà đầu tư, nhất là khi có nhiều thông tin “nóng hổi” về quy hoạch phát triển hạ tầng, đáng chú ý như việc khởi công xây dựng sân bay Long Thành dự kiến vào cuối năm 2019.

Hạ tầng bùng nổ, thị trường bước vào giai đoạn sôi động

Ngoài hệ thống hạ tầng hiện hữu, thời gian gần đây, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đang và sắp được triển khai đồng bộ, hứa hẹn mang đến một diện mạo mới cho Biên Hòa. Cú hích hạ tầng đã tạo ra lực đẩy mạnh mẽ khởi động cho một chu kỳ phát triển bứt phá của thị trường bất động sản khu vực này.

Cụ thể, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã được UBND TPHCM chính thức chấp thuận phương án kéo dài đến Biên Hòa (Đồng Nai) và Dĩ An (Bình Dương). Cùng với đó, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, xây cầu Cát Lái sẽ đảm bảo thông suốt tuyến đường giao thông từ TPHCM về khu vực Đồng Nai.

Ngay từ những tháng đầu năm 2018, các tuyến cao tốc hướng tâm và đường vành đai đã được quy hoạch cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tạo mạng lưới giao thông huyết mạch kết nối các tiểu vùng đô thị với trung tâm TPHCM ngày càng hoàn thiện như: Cao tốc Bến Lức – Long Thành kết nối thông suốt với 2 cao tốc hiện hữu là TPHCM – Trung Lương và TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; đường Vành đai 3; tuyến Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết; dự án đường Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Đây được đánh giá là những trục giao thông quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách từ Đồng Nai đi TPHCM, hình thành các tuyến liên vùng, đồng thời góp phần kết nối giao thương, tạo cú hích mạnh mẽ cho vùng kinh tế phát triển năng động bậc nhất phía Nam của cả nước.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đang dồn lực để nâng cấp thành phố Biên Hòa phát triển trở thành đô thị vệ tinh độc lập trực thuộc trung ương Vùng đô thị TPHCM trong tương lai. Dự kiến, dòng vốn 36.000 tỷ đồng sẽ được rót vào để thực hiện các dự án nâng cấp và chỉnh trang đô thị như: đường Hương lộ 2, đường Bùi Hữu Nghĩa nối Quốc lộ 1K, đường ven sông Đồng Nai và trục đường trung tâm thành phố Biên Hòa. Hệ thống cầu đường nối 3 Quốc lộ huyết mạch (Quốc lộ 1A, 1K và Quốc lộ 51) gồm nút giao thông ngã tư Vũng Tàu, cầu An Hảo, đường Đặng Văn Trơn đều đã được hoàn thiện.

Ánh Dương/Nhịp sống kinh tế