12/08/2019

‘Giải cứu’ kẹt xe cửa ngõ Tân Sơn Nhất: có 5.600 tỷ việc này mới xong?

Theo ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, thì thành phố cần 5.600 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án ‘giải cứu’ kẹt xe cửa ngõ Tân Sơn Nhất, từ nay đến 2022.

Tại buổi “cà phê sáng” cung cấp thông tin báo chí tháng 8, ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, đã giải đáp nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm, như: xây dựng 34 trạm thu phí, mở làn đường ưu tiên, quản lý xe hợp đồng và đặc biệt là “giải cứu” kẹt xe cửa ngõ Tân Sơn Nhất…

Giải thích lý do phải tổ chức xây dựng nhà ga T3, hạ tầng giao thông bên ngoài và liên kết các nhà ga bên trong sân bay, ông Lâm cho biết: “Hiện, hạ tầng giao thông quanh cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất nếu cố gắng khai thác cũng đạt được 40 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển ngày mỗi cao của ngành hàng không, nếu cứ đứng yên thì không thể đáp ứng được”.

Kẹt xe ở cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu: Zing

Kẹt xe ở cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu: Zing

Chia sẻ về việc hiện nay quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ 25 triệu hành khách/năm đến 2020 do đó đang xảy ra quá tải; cùng việc Bộ GTVT vừa điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2030 sẽ khai thác 50 triệu hành khách/năm, giám đốc sở GTVT khẳng định hiện giao thông bên ngoài sân bay được thành phố ưu tiên hàng đầu mà bức thiết của tuyến đường song hành với đường Cộng Hòa: “Tuyến đường này kết nối đường Phan Thúc Duyệt, song song với đường Cộng Hòa đến Trường Chinh. Đường này có quy mô từ 6-8 làn xe, kết nối toàn nhà ga T3”, ông Lâm chia sẻ. Đồng ý với quan điểm này, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (trực thuộc UBND TPHCM) tiếp lời và cho rằng dự án trọng tâm nhất là tuyến đường song song với Cộng Hòa dài 4km kết nối nhà ga T3.

Để tạo ra sự liền lạc và đồng bộ mạng lưới giao thông, thành phố cũng sẽ đầu tư mở rộng hàng loạt tuyến đường xung quanh khu vực này. Cụ thể là các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Tân Kỳ – Tân Quý, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Phạm Văn Bạch), mở rộng nâng cấp đường Tân Sơn… Bên cạnh đó còn tổ chức lại giao thông kết nối bên trong sân bay (ga T1, T2, T3).

Giám đốc sở GTVT khẳng định: “Hiện nay có 7 dự án cần số vốn 5.600 tỷ đồng phải làm từ nay đến năm 2022 khi nhà ga T3 đi vào khai thác”.

Theo ông Lâm, hiện thành phố đã thành lập tổ công tác liên ngành để điều phối chung dự án nhà ga T3 và các dự án giao thông kết nối bên ngoài nhằm đảm bảo khi nhà ga T3 đưa vào khai thác thì giao thông phải đồng bộ.

* Trước đó, nhằm kéo giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương so với năm 2018, UBND TPHCM vừa chỉ đạo các sở, ngành và quận/huyện tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm của người thực thi công vụ.

Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đẩy nhanh tiến độ các công trình, hạng mục giao thông trọng điểm, cấp bách; kết nối liên hoàn giữa các phương thức vận tải, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Sở GTVT tiếp tục rà soát 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, phấn đấu đến cuối năm 2019 xóa từ 2 – 3 điểm (tập trung ở các khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái); xử lý đối với 7 điểm không có chuyển biến, bảo đảm không để phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông.

Kẹt xe quanh khu vực Tân Sơn Nhất là vấn đề nhức nhối của thành phố trong nhiều năm qua. Đã có nhiều giải pháp tháo gỡ được đưa ra, như xây cầu vượt, mở rộng đường… nhưng vì triển khai chưa đồng bộ nên vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm. Trong loạt bài viết gửi riêng cho Người Đô Thị, PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TPHCM) đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh: “Quy hoạch CHKQT Tân Sơn Nhất không chỉ là những vấn đề bên trong mà cần xem xét những vấn đề xung quanh sân bay, đặc biệt là quy hoạch đô thị vùng xung quanh sân bay và quy hoạch kết nối giao thông vùng xung quanh sân bay.”

Ông Tống phân tích: “TPHCM là đô thị lớn nhất và là đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam, có hệ thống cơ sở hạ tầng đa dạng và hiện đại. Tuy nhiên kết nối giao thông tích hợp giữa đường bộ, đường sắt, đường metro và đường hàng không tại CHKQT Tân Sơn Nhất hầu như không có.

Xung quanh CHKQT Tân Sơn Nhất có khá nhiều trục đường chính của thành phố như Trường Sơn, Nguyễn Kiệm, Quang Trung, Trường Chinh, Cộng Hòa… và hệ thống mạng lưới đường khu vực như Bạch Đằng, Hồng Hà, Tân Sơn, Phạm Văn Bạch, Thăng Long, Hoàng Hoa Thám… Tuy nhiên, CHKQT Tân Sơn Nhất chỉ có một “cổng” chính để hành khách ra vào trên đường Trường Sơn, trong lúc đường Trường Sơn sau khi xây dựng đại lộ Phạm Văn Đồng và mở rộng cặp đường Hồng Hà – Bạch Đằng đã trở thành trục chính đô thị hướng tâm cả chức năng vành đai trong, nối các quận, huyện phía Bắc phía Đông và khách các tỉnh miền Đông, miền Trung Cao nguyên… vào trung tâm Thành phố, cũng như ngược lại.”

Vị chuyên gia Kỹ thuật hàng không cho rằng xây dựng đường vành đai sân bay hai chiều là yếu tố quan trọng hàng đầu của việc hình thành một vùng đô thị quanh sân bay hoạt động tốt với quy hoạch bền vững hài hòa giữa phát triển sân bay và phát triển đô thị nói chung: “Trước mắt, một trong các tuyến vành đai khả thi cần nghiên cứu thêm là “Cộng Hòa – Trường Chinh – Phan Huy Ích – Nguyễn Văn Quá – Quang Trung – Nguyễn Kiệm – Hoàng Minh Giám – Hoàng Văn Thụ – Cộng Hòa” với giải pháp tách rời giao thông ra/vào sân bay theo nhiều hướng và giao thông ra vào khu đô thị trong vành đai, với giao thông đô thị vòng quanh đường vành đai này để đi các hướng khác mà không cần vào sân bay.

Phương án của TPHCM mở nhà ga hành khách, mở rộng sân bay về phía Bắc trên đất sân golf là hợp lý nhất để sân bay Tân Sơn Nhất có thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2030. Khi mở thêm cổng vào ra sân bay và kết nối giao thông ở mặt Bắc, hành khách từ các khu vực xung quanh bao gồm các vùng ngoại thành và các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ, đi theo quốc lộ 1 qua đường Quang Trung, đường Tân Sơn trực tiếp tới sân bay, tiết giảm thời gian, chi phí, giảm ách tắc cho giao thông đô thị.”

Lập 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm chỉ là ý kiến từ phía sở GTVT

Chia sẻ thêm về thông tin thành lập 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm thành phố, vốn nhận được ý kiến trái chiều trong thời gian qua mà Người Đô Thị đã đưa tin, Lâm cho biết vệc thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM mới chỉ là đề xuất của sở GTVT. Có thể nhiều người đang hiểu sai hoặc chưa rõ và  có nhiều phản ứng gay gắt. Theo Người đứng đầu ngành giao thông TPHCM, để đề xuất này đi đến thực hiện thì còn rất nhiều vấn đề. Hiện nay TPHCM mới chỉ xem xét và chưa có kết luận cuối cùng về đề xuất này.

Ông Lâm thẳng thắn: “Giải pháp này là một trong những cách để kéo giảm tình kẹt xe. Nếu như được UBND TPHCM đồng ý thì chúng tôi mới tiếp tục nghiên cứu cụ thể rồi trình HĐND thẩm định. Tiếp theo, nếu được HĐND thông qua mới xác định đơn vị làm chủ đầu tư, lựa chon đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và các bước tiếp theo”.

Ông Lâm cũng cho biết, dự kiến đến năm 2021, khi đường Vành đai 2, tuyến metro số 1 và tuyến BRT số 1 đi vào hoạt động, các công trình giao thông lớn hoàn thành, phát triển vận tải hành khách công cộng… mới có thể thực hiện đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố.

Minh An/Người đô thị