“Giải cứu” chung cư cũ tại TP.HCM: Câu chuyện chưa hồi kết
Sau nhiều năm đưa ra giải pháp, tới nay, TP. HCM vẫn loay hoay tìm hướng đi cho bài toán cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
Khó giải bài toán cố thủ vì quyền lợi
Trước vấn đề chưa có lời giải cho việc cải thiện chung cư cũ tại TP.HCM, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cùng Thường trực Thành ủy TP.HCM đã triệu tập các sở ngành, quận huyện có chung cư cũ trên địa bàn Thành phố để nghe báo cáo cơ chế chính sách tháo dỡ, xây dựng chung cư cũ trên địa bàn Thành phố. Tại đây, vấn đề nan giải nhất được đưa ra là tình trạng người dân quyết tâm cố thủ tại các chung cư chờ sập để đòi hưởng quyền lợi cao mới chịu di dời hoặc chấp nhận cho cải tạo lại.
Đại diện UBND quận 1, ông Nguyễn Duy Hòa cho biết, trên địa bàn quận hiện có nhiều chung cư cũ, trong đó nổi bật về độ xuống cấp phải kể tới chung cư Cô Giang. Khi lãnh đạo quận và thanh tra xây dựng tới thị sát, tìm hiểu để có phương án cải tạo, đã gặp phải thái độ bất hợp tác của những hộ dân tại đây.
Hàng trăm chung cư cũ của TP.HCM vẫn chờ hướng giải “giải cứu”. Ảnh: Gia Huy |
Đại diện quận 5, ông Nguyễn Văn Nam cho biết, nghịch lý đang diễn ra là hầu hết những hộ dân không chịu di dời khỏi chung cư 727 – Trần Hưng Đạo đều là những người đầu cơ. Họ mua lại các căn hộ cũ rồi đòi giá đền bù cao mới chịu giao nhà.
“Đây là vấn đề hết sức vô lý, họ mua các căn hộ giá rẻ rồi đòi bồi thường với mức cả trăm triệu/m2. Vì Thành phố chưa có chính sách tự quyết nên các hộ này cứ bám trụ tại các chung cư để đòi hỏi chế độ cao mới di dời”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, khó nhất hiện nay của Thành phố là một bộ phận cư dân khi địa phương gặp gỡ bàn giá bồi thường thì họ không đồng tình, đòi hỏi giá bồi thường quá cao. Điều này là không công bằng cho các hộ đã di dời trước. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng thiếu quyết liệt. Ví dụ chung cư Cô Giang, mặc dù đã có chủ trương di dời khẩn cấp từ năm 2005, nhưng do UBND quận 1 thiếu kiên quyết, nên đến nay vẫn chưa giải tỏa xong. “Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư, lập dự ánthường bị kéo dài. Để khởi công được một dự án, riêng thủ tục hành chính phải mất 2 năm, đó là chưa kể gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng… Đây là những nguyên nhân chính, khiến việc cải tạo chung cư cũ luôn lâm vào tình trạng bế tắc”, ông Tuấn nói.
Tìm hiểu thực tế tại chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, phóng viên đã chứng kiến, tại các lô H, M, I… của chung cư này đều dán giấy giao bán căn hộ chung cư cũ, giá chỉ từ 800 đến 1 tỷ đồng. “Ở đây, nhiều người mua vài căn hộ, vì nghe có chính sách sửa chữa chung cư cũ được đền bù giá cao, khi chính quyền tổ chức họp bàn giải pháp và giá đền bù thì các hộ này lại không tới, thậm chí, đòi giá vài tỷ một căn hộ. Đây là vấn nạn khiến việc thỏa thuận của chính quyền và hộ dân không đi đến đâu trong những năm qua”, bà Nguyễn Thị Hường, Tổ trưởng dân phố tại chung cư Thanh Đa cho biết.
Năm 2016 có kiểm định xong 474 chung cư cũ?
TP.HCM ra quyết định, hết năm 2016, các sở, ngành, quận, huyện phải kiểm định xong 474 chung cư cũ tại Thành phố. Theo ông Khoa, chủ trương của Thành ủy, UBND Thành phố là phải xử lý nhanh chung cư xuống cấp để tránh nguy hiểm cho người dân, đồng thời, góp phần chỉnh trang đô thị.
Song ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, nếu làm theo cách cũ thì kế hoạch trên là không khả thi, bởi đã nhiều năm nay, vấn đề này chưa xong thì 6 tháng cuối năm có xong được hay không? Đại diện một số quận, huyện cũng băn khoăn về năng lực chuyên môn của chính mình. Trong đó, theo đại diện Sở Tư pháp, về phân cấp ủy quyền theo quy định là Sở Xây dựng không được phép, vậy nên theo luật thì Sở Xây dựng không đủ thẩm quyền thực hiện kiểm định. Ngoài ra, ông Trần Trọng Tuấn cũng đề xuất phương án điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch để đảm bảo dự án được triển khai theo hướng cho phép điều chỉnh cục bộ, tăng quy mô dân số.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cnhận định, việc kiểm định xong 474 chung cư cũ trong 6 tháng là không thể làm được và bài toán cải tạo chung cư cũ hiện nay tại TP.HCM không phải không có cách giải. Theo ông Châu, Thủ tướng Chính phủ cần ủy quyền cho UBND TP.HCM được quyết định lựa chọn nhà đầu tư, thay vì từng dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tiếp đó, tạo cơ chế cho UBND Thành phố quyết định chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện.
Sau 3 tháng với chung cư nguy hiểm và 12 tháng với chung cư hư hỏng nặng, chủ sở hữu chung cư không thỏa thuận được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và không chọn được chủ đầu tư để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì phải thực hiện phương án tháo dỡ để đảm bảo tính mạng cho người dân. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng kiến nghị Thành phố cho phép tái định cư tại chỗ để đảm bảo quyền lợi cho dân. Như vậy mới có thể giải quyết được bài toán cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.