24/06/2019

Giá trị của di sản được khẳng định bằng đời sống

Dinh thự họ Vương là một công trình kiến trúc nhà ở dòng họ nằm trên một gò đất hình mu rùa trong thung lũng Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang. Mới đây, công trình này được UBND huyện Đồng Văn tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho 16 cá nhân hậu duệ dòng họ Vương. Cho đến thời điểm này, câu chuyện về ngôi nhà bạc tỷ này vẫn là một bài học về quản lý di sản cho mỗi cơ quan, ban, ngành và các dòng họ gia thế.

Khách tham quan không ngớt trầm trồ trước kiến trúc giá trị bạc tỷ của Nhà Vương. Ảnh: TTH

Khách tham quan không ngớt trầm trồ trước kiến trúc giá trị bạc tỷ của Nhà Vương. Ảnh: TTH

Nhà Vương (tên thường gọi dinh thự họ Vương) gắn với một thời điểm lịch sử đặc biệt của cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang. Khi đó, dòng họ ông Vương Chính Đức có gia thế nhất mảnh đất thượng cùng nước ta được tôn xưng là vua Mèo (vua của người Mông). Đích thân ông Vương Chính Đức sang Trung Quốc tìm thầy phong thủy chọn đất xây nhà, chọn tốp thợ và duyệt thiết kế để dựng lên dinh thự trị giá 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (tương đương 150 tỷ đồng hiện nay) trên mảnh đất 3 ngàn mét vuông ròng rã trong vòng 9 năm.

Năm 1993, công trình kiến trúc này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trải qua nhiều thập kỷ, di sản đặc biệt này đã song hành cùng đời sống của đồng bào các dân tộc anh em trên cao nguyên đá Hà Giang. Cùng với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khác, cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện biên giới Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc được xếp hạng Công viên địa chất toàn cầu. Một lần nữa, cộng đồng con người và mảnh đất Hà Giang được tôn vinh trong đó có di sản kiến trúc Nhà Vương.

Thế nhưng, cho đến nay, qua nhiều tranh cãi về thủ tục hành chính qua các thời kỳ, chủ sở hữu của công trình Nhà Vương mới được xác lập chính thức vào tháng 5-2019 thông qua việc cấp lại chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hậu duệ họ Vương. Đồng thời, qua việc đó, các cấp quản lý tại địa phương bộc lộ sự lúng túng trong xử lý tình huống đối với việc quản lý di sản đã song hành với sự phát triển của địa phương nhiều năm qua. Về phía dòng họ Vương, chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà trăm tỷ bắt đầu nôn nóng muốn chứng thực và áp dụng quyền hạn cao nhất với ngôi nhà. Đỉnh điểm của tình huống khó là họ tuyên bố đóng cửa không đón khách tham quan, bắt đầu từ ngày 15-6, nhằm phản đối một số điều mà cơ quan quản lý Nhà nước đã áp đặt chủ quan cho ngôi nhà này.

Đại diện dòng họ Vương đã đặt câu hỏi về việc thu phí tham quan và quy chế sử dụng nguồn thu này để bảo vệ, tu bổ ngôi nhà. Thứ nữa, dòng họ gia thế này rất coi trọng tín ngưỡng, họ không đồng ý việc xây dựng nhà vệ sinh bên cạnh những ngôi mộ của ông cha. Một số hạng mục của di tích đã trùng tu không đúng với tín ngưỡng và thói quen sinh hoạt của người Mông.

Tuy nhiên, qua thời điểm 15-6, việc đóng cửa đã không xảy ra, nhưng về mặt lâu dài, mâu thuẫn trong vấn đề quản lý và sử dụng di tích này sẽ vẫn còn đó. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn chỉ đạo các cấp ban, ngành tỉnh Hà Giang có phương án giải quyết tình huống theo Luật Di sản. Sau khi có ý kiến của gia đình dòng họ Vương, huyện Đồng Văn có kế hoạch triển khai xây dựng các dịch vụ phục vụ du khách ở vị trí không làm ảnh hướng đến tâm linh và mồ mả của gia đình dòng họ này. Đây là động thái tích cực của nhà quản lý trong vấn đề thương thuyết với chủ sở hữu di sản nhằm mục tiêu cao nhất là di sản tiếp tục phục vụ cộng đồng và sống đời sống của nó.

Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ về việc Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa sở hữu toàn dân. Trong luật này, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa được quy định rõ ràng. Như vậy, tư nhân sở hữu di sản văn hóa cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, bên cạnh quyền phải có nghĩa vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định của pháp luật, phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, du khách tham quan, nghiên cứu về di sản văn hóa.

Như vậy, khi một di sản văn hóa được công nhận, được bảo vệ và giữ gìn trong nhiều năm, đó là tài nguyên quốc gia, là công sức và đóng góp của nhiều người, nhiều tổ chức chính quyền địa phương và nhân dân. Trong đó, quyền sở hữu của dòng họ phải được tôn trọng. Tránh để một di sản đồ sộ có ý nghĩa quan trọng với lịch sử dân tộc, với một vùng đất và sự phát triển nhiều thập kỷ bị đối xử như với sở hữu nhà đất thông thường.

Các chi tiết cửa gỗ đặc sắc của kiến trúc Nhà Vương. Ảnh: TTH

Các chi tiết cửa gỗ đặc sắc của kiến trúc Nhà Vương. Ảnh: TTH

Hơn thế nữa, nếu một di tích không còn được hòa quyện với hơi thở cuộc sống, không phục vụ nghiên cứu và tham quan chiêm ngưỡng của du khách thì di tích đó cũng không có giá trị cộng đồng.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Khu nhà Vương không tránh khỏi bị dột nát, hư hỏng và đứng trước nguy cơ xuống cấp. Sau khi được phân cấp quản lý, tháng 3-2003, UBND huyện Đồng Văn đầu tư kinh phí trên 6 tỷ đồng để trùng tu và công trình đã khánh thành năm 2005. Huyện Đồng Văn đã chủ động di dời khu chợ, cửa hàng lương thực để xây dựng bãi đỗ xe phục vụ di tích, xây dựng ki-ốt để trưng bày, giới thiệu sản phẩm địa phương, thành lập tổ quản lý, khai thác di tích, trong đó, ưu tiên con cháu nhà họ Vương vào làm việc. Việc đầu tư đã khiến mỗi năm, di tích nhà Vương đón trên 100.000 lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Thụy Văn/Báo Biên phòng