12/01/2018

Dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận

Bộ Xây dựng mới có Văn bản số 38/BXD-QHKT gửi Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP Hà Nội về việc góp ý Dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận.

Sau hai năm, nhận được Văn bản số 6597/HĐKTQH-CV ngày 03/11/2016 của Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP Hà Nội về việc góp ý Dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

Nguyên tắc chung của Quy chế cần làm rõ: Việc xử lý đối với các công trình có số chiều cao công trình vượt quy định >22m cao tầng và mật độ xây dựng trên 70%; quy định cụ thể không gian cảnh quan cây xanh (bảo tồn cây lưu niên, bổ sung trồng mới, thay thế…), chỉ tiêu về sử dụng đất, dân số liên quan đến dãn dân, quỹ đất dự trữ, đất không được phép xây dựng; hệ thống hạ tầng và môi trường các tuyến phố đi bộ, nơi đỗ xe, trạm phát sóng, trạm biến thế, chiếu sáng đô thị, xử lý rác, nước thải…

Bộ Xây dựng đề nghị tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, các hội nghề nghiệp (Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam); xác định phạm vi đối với khu vực các phố đi bộ để có quy định về kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với không gian chung của khu vực Hồ Gươm; quy chế cần kế thừa các văn bản quản lý, các nghiên cứu đã ban hành, cập nhật các phương án thi tuyển, ý tưởng cho khu vực Hồ Gươm.

Tại khoản c mục 5 Điều 7 Quy định chung về quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận quy định: “chỉnh trang công trình chỉ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép trên cơ sở phương án nghiên cứu phát huy giá trị kiến trúc mặt đứng của công trình đó theo quy định tại Điều 20 của Quy chế này”, Bộ Xây dựng đề nghị chỉnh sửa lại để đảm bảo phù hợp với Luật Xây dựng.

Điều 13, 14 viết còn chung chung dẫn đến khó quản lý, cần viết cụ thể và có hình vẽ minh họa để tiện theo dõi, tránh cơ chế xin cho tiêu cực sau này.

Tại Điều 17 Quản lý về quy hoạch và không gian đối với các không gian mở, cây xanh, mặt nước, cần thêm nội dung: Cần cụ thể từng vị trí quan trọng như cây xanh, thảm cỏ, chiếu sáng, tiểu cảnh.

Tại Điều 23 Quy định về kiến trúc mặt ngoài và mái các công trình, cần thêm nội dung: Quy định đối với vùng phải được bảo vệ; Quy định đối với vùng cải tạo chỉnh trang; Quy định đối với vùng đệm. Quy định cho các vùng phải đầy đủ nội dung về vật liệu công trình. Quy định mái vẩy và các kiến trúc tạm bợ trên sàn thượng, ban công…; quy định mặt ngoài nhà: mặt tiền, các mặt bên và hệ mái công trình; quy định về tường rào và góc giao lộ; các yêu cầu về quảng cáo cần theo quy định hiện hành, đặc biệt về các yếu tố liên quan giữa quảng cáo với diện tích mặt nhà.

Các ô phố theo ranh giới các tuyến phố cần bổ sung thống kê về diện tích, mật độ xây dựng, số lượng và tỉ lệ các công trình có giá trị trong ô phố, các di tích lịch sử đã và chưa được xếp hạng…

Các tuyến đường phố chính theo tên gọi, cần bổ sung thống kê chiều dài tuyến phố, mặt cắt ngang hiện trạng, mặt cắt ngang dự kiến, khoảng lùi xây dựng, dạng thức kiến trúc; bổ sung giải thích các từ ngữ và cần thống nhất cách gọi đối với “trục cảnh quan đặc trưng” và “ngôn ngữ kiến trúc Pháp”; cần có chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành; cần đưa yêu cầu quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường vào trong quy định quản lý của từng trục đường, tuyến phố để nội dung quy chế được chặt chẽ hơn.

Về việc sửa chữa quản lý các biệt thự, công trình kiến trúc có giá trị cần tuân thủ theo Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội.

Phỏng theo báo Xây Dựng