25/08/2020

Dự án thành phố hai bên bờ sông Hồng: Lo cho không gian công cộng

Thời gian gần đây, Hà Nội liên tục có các cuộc làm việc với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai quy hoạch xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng. Tương lai sẽ có đô thị mọc ra hai bên bờ sông Hồng. Nhưng không ít ý kiến “cảnh báo” khi khu vực này bị nhồi cao ốc vào sẽ phá vỡ cảnh quan và nhiều hệ lụy khác.

canhgocnhin

Tại cuộc làm việc mới đây giữa Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng và Thường trực Thành ủy Hà Nội về sự phối hợp công tác giữa hai bên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn có đề xuất liên quan đến Quy hoạch khu Bắc sông Hồng, nhất là trục Nhật Tân – Nội Bài và trục cầu Đông Trù. Hà Nội cần xác định đây là khu vực để phát triển nhà ở cao tầng, góp phần giảm tải cho nội đô; do vậy, không nên xây dựng nhà ở thấp tầng tại đây nhằm tránh lãng phí đất.

Xây cao tầng để tránh lãng phí đất?

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, không nên chậm trễ Dự án thành phố ven sông Hồng vì chậm trễ là lãng phí nguồn lực.

Ông Long phân tích, nếu thực hiện được quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội. Bởi, với tổng chiều dài 120 km, chảy qua nhiều quận, huyện, sông Hồng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Hà Nội. Đặc biệt, theo ông Long, trong giai đoạn hiện nay, khi đất đai trong nội đô đang dần trở khan hiếm, thì quỹ đất lên tới hàng nghìn mét vuông dọc 2 bờ sông Hồng có thể giúp thành phố tận dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà ở, chung cư phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội.

Theo đó, khi kết hợp với cảnh quan khu vực ven sông, nhiều chủ đầu tư đã nhìn ra cơ hội tạo ra lợi nhuận “khủng”, lên tới hàng tỷ USD khi phát triển hệ thống chung cư, khu đô thị cao cấp kết hợp với du lịch sinh thái. Vì vậy, khi Hà Nội quyết tâm thực hiện ý tưởng xây dựng thành phố ven sông Hồng, chắc chắn các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ không bỏ qua cơ hội này để góp vốn đầu tư, thực hiện dự án.

Phối cảnh một dự án thành phố bên bờ sông Hồng (năm 2019)

Phối cảnh một dự án thành phố bên bờ sông Hồng (năm 2019)

Không chỉ đơn thuần là “nhà ở hóa”

Muốn thực hiện được dự án thành phố hai bên bờ sông Hồng phải có nguồn lực, mà nguồn lực này được tạo ra từ quỹ đất tuy nhiên vấn đề không thể bỏ qua đó là không thể để tình trạng các cao ốc mọc lên phá vỡ cảnh quan khu vực này.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng: Hà Nội sẽ còn phải đi tiếp một chặng đường dài để sông Hồng thật sự trở thành một nguồn lực của thành phố cả về cảnh quan, sinh thái, du lịch. Các cơ quan chức năng cần tính toán bố trí phần lớn quỹ đất ven sông Hồng, để nơi đó thật sự trở thành không gian chung của cả cộng đồng, thay vì trở thành những cao ốc dành cho số ít.

Theo ông Nghiêm, dư luận vẫn lo ngại về việc sẽ xuất hiện những cao ốc ở dự án này mà những lo ngại về việc thành phố bên sông có thể gây ra những nguy cơ mới cho Hà Nội là có cơ sở, bởi thực tế có những quy hoạch khu đô thị mới đã bị điều chỉnh theo hướng có hại cho khu vực. Nên ở ven sông Hồng cần bổ sung những chức năng “phi công trình” thay vì cách làm đơn thuần là “nhà ở hóa” và do ven sông nên các tòa nhà cũng không xây quá cao. Với những đặc tính của quỹ đất ven sông nên được quy hoạch theo hướng: Mật độ xây dựng thấp, ưu tiên nhiều công viên cây xanh, sắp xếp lại nhà cửa để tăng diện tích đất tự do. Hà Nội cần có thêm một số ưu đãi khác để hồi sinh các dự án đã có trước đây như các dự án về du lịch sinh thái trên tuyến sông này.

Ngoài ra, cũng nên xây dựng các công viên nông nghiệp, kết hợp giải trí, nghỉ ngơi để tăng thu nhập của người dân thông qua việc trồng trọt các loại cây xanh nông nghiệp, tận dụng nguồn nông sản sạch. Xét đến cùng, cảnh quan rất quan trọng, nên mọi việc thực hiện phải dựa trên các yếu tố khoa học, lấy con người là trung tâm. Khi đã có quy hoạch tổng thể, chi tiết thì trong quá trình thực hiện phải tuân thủ nghiêm quy hoạch và các quy định của Nhà nước, để thành phố ven sông là điểm đến lý tưởng.

Theo KTS Trần Huy Ánh, trong khi đợi quy hoạch phân khu được duyệt, nhiều khu đất hai bờ sông Hồng có thể tận dụng cải tạo thành các khu không gian công cộng để phục vụ không chỉ người dân ở hai bên bờ sông mà toàn bộ người dân Thủ đô có thể đến vui chơi, giải trí, thăm thú cảnh quan. Khu vực này cần có những động thái ứng xử để dần đưa bờ sông Hồng trở thành mặt tiền của TP giống nhiều nước văn minh trên thế giới chứ không phải là mặt sau, nơi người ta thoải mái xả rác như hiện nay.

Rất nhiều ý tưởng để thực hiện dự án này đã được đưa ra, nhưng thực hiện theo hướng nào cũng nên ưu tiên cho không gian công cộng. Ông Ánh đề nghị, sông Hồng có 510 km chảy qua đất Việt, đoạn qua Hà Nội dài hơn 120 km. Để kích hoạt, khởi động, Hà Nội nên tập trung trọng điểm, chọn một đoạn ngắn (1 – 2 km) qua các quận trung tâm để thực nghiệm. Chẳng hạn, khu vực bãi giữa sông Hồng cây cối đã phát triển tốt có thể trở thành công viên mới rộng 50 ha, lớn hơn cả công viên Thống Nhất (40 ha) lại nằm giữa hàng trăm hecta mặt nước sông Hồng.

Mùa cạn, nơi đây sẽ là công viên an toàn cho mọi người, mùa lũ là thao trường huấn luyện cứu hộ cứu nạn của dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện. Dự án tạo ra tài sản công trị giá hàng tỷ USD, tăng tính năng động cho nền kinh tế địa phương mà còn tạo ra hàng triệu việc làm mới trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Giải pháp này đáp ứng yêu cầu cốt yếu của quy hoạch phòng chống lũ và đê điều, không chỉ chu kỳ 300 – 500 năm mà có thể 700 – 1.000 năm, thích ứng với biến đổi khí hậu cực đoan tới mức cao nhất.

Hà Nội đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu đất chôn rác, do vậy có thể lấy ngay vị trí này để thực nghiệm mô hình phát triển đô thị không rác thải. Dự án nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân đã bước đầu thành công, từ một nơi vứt rác tự phát nay cộng đồng dân cư đã chủ động phân loại, tái chế rác thải tạo nên các không gian nghệ thuật hấp dẫn.

Nguyên Khánh/Đại đoàn kết